Tổng thống Phần Lan Sauli Niinistö phát biểu trong buổi khai giảng khóa học quốc phòng dành cho giới tinh hoa chính trị, kinh tế và công vụ ngày 7/11. (Nguồn: YLE) |
Theo YLE, phát biểu trong lễ khai giảng khóa học quốc phòng do Hiệp hội Đào tạo quốc phòng quốc gia tổ chức ngày 7/11, Tổng thống Phần Lan Sauli Niinistö tuyên bố sẽ không triển khai vũ khí hạt nhân trên lãnh thổ nước này.
Tuy nhiên, ông Niinistö chỉ ra rằng vũ khí hạt nhân là một phần thiết yếu trong khả năng răn đe của NATO.
Theo nhà lãnh đạo Phần Lan, vũ khí hạt nhân như một phương tiện phòng ngừa, chứ không phải là một sự tự kết liễu. Một cuộc chiến tranh hạt nhân không thể giành thắng lợi, và một cuộc chiến như vậy sẽ không bao giờ xảy ra.
Về khả năng gia nhập NATO của Phần Lan, Tổng thống Niinistö đánh giá tiến trình các nước phê chuẩn hiện có vẻ khả quan hơn và tư cách thành viên NATO sẽ trở thành hiện thực “trong một khung thời gian hợp lý".
Trong vài tuần qua, nhà lãnh đạo Phần Lan đã gặp Thủ tướng Thụy Điển Ulf Kristersson, Tổng thống Litva Gitanas Nausėda và Tổng thư ký NATO Jens Stoltenberg, cũng như điện đàm với Thủ tướng Hungary Viktor Orbán.
Tại cuộc họp báo chung với người đồng cấp Litva Gitanas Nauseda ở thủ đô Vilnius hôm 4/11, Tổng thống Niinistö chia sẻ sự lạc quan “với triển vọng Thổ Nhĩ Kỳ cuối cùng sẽ phê chuẩn tư cách thành viên của chúng tôi" và hy vọng "khả năng này sẽ trở thành hiện thực càng sớm càng tốt”.
Ngày 18/5, gần 3 tháng sau khi Nga phát động chiến dịch quân sự ở Ukraine, Phần Lan và Thụy Điển đã nộp đơn xin gia nhập NATO, qua đó từ bỏ chính sách trung lập trong nhiều thập kỷ qua.
Hầu hết các nước thành viên NATO phê chuẩn hồ sơ của hai quốc gia Bắc Âu, ngoại trừ Hungary và Thổ Nhĩ Kỳ.
Khung cảnh đổ nát sau cuộc pháo kích của Nga ở Pokrovsk, vùng Donetsk, Ukraine. (Nguồn: AP) |
Cũng tại buổi khai giảng khóa học, liên quan đến cuộc xung đột Nga-Ukraine, Tổng thống Niinistö nhận định "chưa đi đến hồi kết" do không bên nào thỏa hiệp với lập trường ban đầu của họ.
Hoan nghênh việc Tổng thống Pháp Emmanuel Macron và Thủ tướng Đức Olaf Scholz theo đuổi việc duy trì đối thoại với Nga, ông cho rằng sự tiếp tục xung đột không mang lại an ninh lâu dài và chỉ có hòa bình mới có thể làm được điều đó.
"Hòa bình là mục tiêu quan trọng đến mức chúng ta phải dốc sức để có được nó", ông nói.
Vị nguyên thủ Phần Lan nhấn mạnh sự cần thiết phải đánh giá khả năng hòa bình trong cuộc khủng hoảng Ukraine "ở những khía cạnh khác chứ không phải trên mặt trận quân sự".