📞

Tổng thống Syria kỳ vọng vào tiến trình đàm phán mới tại Sochi

09:12 | 19/12/2017
Ngày 18/12, Tổng thống Syria Bashar al-Assad cho rằng tiến trình đàm phán hòa bình Syria kéo dài 3 năm qua do Liên hợp quốc bảo trợ đã không mang lại kết quả, đồng thời bày tỏ hy vọng về tiến trình đàm phán mới sẽ diễn ra tại Sochi, Nga, vào đầu năm tới.

Nhà lãnh đạo Syria bày tỏ thất vọng rằng vòng đàm phán Geneva sau 3 năm vẫn không mang lại kết quả. Ông Assad cho biết các cuộc đàm phán tại Sochi vào đầu năm tới sẽ xem xét liệu Syria có cần một bản hiến pháp hoàn toàn mới hay chỉ cần sửa đổi bản hiến pháp hiện hành. Bên cạnh đó, các bên cũng sẽ thảo luận về việc tiến hành bầu cử cơ quan lập pháp nước này.

Tổng thống Syria Bashar al-Assad phát biểu tại cuộc họp báo sau cuộc Phó Thủ tướng Nga Dmitry Rogozin. 

Phát biểu trong cuộc gặp với phái đoàn chính phủ và kinh tế Nga do Phó Thủ tướng Nga Dmitry Rogozin dẫn đầu, ông Assad cho biết, Syria sẽ sớm bắt đầu công cuộc tái thiết đất nước do tình hình đã ngày càng ổn định và Nga sẽ là một đối tác quan trọng trong tiến trình tái thiết quốc gia Trung Đông này.

Theo ông Assad, những chiến thắng liên tiếp trong cuộc chiến chống khủng bố tại Syria đã tạo điều kiện thúc đẩy công tác tái thiết tại các khu vực bị khủng bố tàn phá cũng như mở ra triển vọng hợp tác kinh tế giữa Nga và Syria.

Ông Assad đưa ra tuyên bố trên trước báo giới tại thủ đô Damascus, sau khi vòng hòa đàm thứ 8 về Syria do Liên hợp quốc (LHQ) bảo trợ diễn ra tại Geneva, Thụy Sỹ, kết thúc vào tuần trước mà không đạt được tiến triển đáng kể nhằm giúp chấm dứt cuộc nội chiến kéo dài gần 7 năm qua. Đặc phái viên LHQ về Syria Staffan de Mistura cho rằng “cơ hội vàng đã bị bỏ lỡ” và tình hình rơi vào ngõ cụt.

Phái đoàn Chính phủ Syria tham gia tiến trình hòa đàm tại Geneva tuyên bố Damascus sẽ không tham gia bất kỳ cuộc đối thoại nào với phe đối lập chừng nào lực lượng này còn yêu cầu ông al-Assad phải ra đi.

Theo thống kê, cuộc xung đột kéo dài gần 7 năm qua ở Syria đã cướp đi hơn 340.000 sinh mạng. Syria cũng đang đối mặt với cuộc khủng hoảng nhân đạo lớn nhất trong lịch sử nước này, với 7 triệu người phải đi sơ tán ở trong nước và 5,3 triệu người đi di tản ở nhiều nước khác. Trong khi đó, 10 triệu người khác dù không rời bỏ nhà cửa nhưng đang phải sống trong cảnh khó khăn.

(theo EPA, Press TV)