Đạo Hồi dường như "lấp ló" đằng sau những sự kiện bất ổn của thế giới: tấn công tự sát, đánh bom xe, quân đội chiếm đóng, chiến tranh nổi loạn, thánh chiến, lên truyền hình đe dọa… Đối với những người theo trường phái Tân bảo thủ ở Mỹ và châu Âu, "Chủ nghĩa phát xít Hồi giáo" được coi như là nguyên nhân hàng đầu nếu như xảy ra chiến tranh thế giới thứ 3. Rõ ràng, nếu không có Hồi giáo, trật tự thế giới sẽ rất khác ngày nay.
Chiến tranh vẫn hoàn chiến tranh
Làm thế nào để chúng ta có thể tách Hồi giáo ra khỏi Trung Đông? Bắt đầu với tình hình sắc tộc. Không có Hồi giáo, tình hình khu vực vẫn không tránh khỏi xung đột. Các sắc tộc chiếm đa số ở Trung Đông - Ả Rập, người Ba Tư, người Thổ, người Kurd, người Do Thái, thậm chí người Berbe và Pashtun sẽ vẫn thống trị đời sống chính trị. Các vương triều Ba Tư hùng mạnh kế tiếp nhau bành trướng Athen, chiến đấu với người Semitic, tràn qua lãnh thổ Thổ Nhĩ Kỳ, vươn tới Iraq. Các đội quân hùng mạnh của các bộ tộc Ả Rập và giới thương nhân cũng đổ bộ vào các vùng khác nhau của người Semetic thuộc Trung Đông. Quân Mông Nguyên cũng sẽ thâm nhập và phá hủy các nền văn minh của Trung Á và Trung Đông vào thế kỷ 13. Người Thổ sẽ vẫn xâm lược Anatolia, Balkan, Vienna và hầu hết Trung Đông. Những cuộc chiến tranh này, vì mục đích quyền lực, lãnh thổ, ảnh hưởng và thương mại, đã xuất hiện rất lâu trước khi Hồi giáo xuất hiện.
Trên thực tế, nếu Hồi giáo chưa từng xuất hiện, Đạo Cơ đốc sẽ thống trị vùng Trung Đông. Nhưng liệu vùng Trung Đông có yên ổn? Điều đó thật xa vời. Chắc chắn người Cơ đốc giáo sống ở Trung Đông sẽ không chào đón các đội quân Châu Âu và các thương nhân mang súng. Chủ nghĩa đế quốc sẽ phát triển thịnh vượng ở đây. Người Châu Âu vẫn sẽ mua chuộc các nhà cầm quyền địa phương để phục vụ cho các nhu cầu của chúng.
Quay lại với "thời đại dầu lửa" của Trung Đông. Các nhà nước ở Trung Đông, thậm chí với các quốc gia Cơ đốc giáo, có chấp nhận sự "bảo hộ" của Châu Âu trên toàn khu vực? Điều đó khó có thể xảy ra. Người Phương Tây vẫn sẽ xây dựng và điều hành các điểm kiểm soát như kênh đào Suez. Chẳng phải vì họ là những người Hồi giáo mà các nhà nước Trung Đông quyền lực kháng cự các chính sách thuộc địa mà mục đích chính là vẽ lại đường biên giới phù hợp với ưu tiên địa chính trị của người Châu Âu. Những người Cơ đốc giáo ở Trung Đông cũng sẽ không mặn mà với các công ty dầu lửa Phương Tây hùng mạnh, được hậu thuẫn bởi các cơ quan tình báo, ngoại giao, quân sự. Những người theo chủ nghĩa dân tộc ở Trung Đông cũng thành lập các phong trào chống thực dân để giành lại quyền kiểm soát đất đai, thị trường, chủ quyền và vận mệnh, giống như phong trào đấu tranh chống ách xâm lược của người Ấn Độ giáo - Ấn Độ, Khổng giáo - Trung Quốc, Phật giáo - Việt Nam, các tín đồ theo thuyết vật linh - Châu Phi.
Và chắc chắn Pháp vẫn sẵn sàng tiến vào Algeria Cơ đốc giáo để thiết lập thuộc địa. Người Italy cũng sẽ không thể "buông" Ethiopia. Các quốc gia Trung Đông sẽ vẫn phản ứng trước sự bành trướng của người Châu Âu.
Trung Đông dân chủ hơn?
Thực ra nhiều quốc gia Châu Âu cũng mới thoát khỏi chế độ độc tài. Tây Ban Nha và Bồ Đào Nha chấm dứt chế độ độc tài vào khoảng giữa những năm 1970. Hy Lạp thoát khỏi nền chuyên chính nhà thờ vài thập kỷ trước. Gần đây, Mỹ Latinh mới thoát ra khỏi được các nhà độc tài, những người thường trị vì với sự hậu thuẫn của Mỹ và liên kết với các nhà thờ Cơ đốc giáo. Vậy tại sao người Trung Đông Cơ đốc giáo được nhìn nhận khác?Xem xét trường hợp Palestine. Tất nhiên, những người Cơ đốc giáo đã "làm khổ" người Do Thái trong hơn một thiên niên kỷ, lên đến đỉnh điểm vào thời Hitler. Những ví dụ khủng khiếp về việc chống lại người Do Thái xuất phát từ Phương Tây. Bởi thế, người Do Thái vẫn sẽ phải tìm kiếm quê hương ở ngoài Châu Âu; Phong trào của người theo chủ nghĩa phục quốc Do Thái sẽ vẫn phát triển và tìm kiếm căn cứ ở Palestine. Một quốc gia Do Thái mới hình thành vẫn sẽ phải trục xuất 750.000 người Ảrập bản địa của Palestine. Vấn đề Israel-Palestine vẫn là trung tâm của xung đột lãnh thổ, quốc gia, sắc tộc, gần đây được gắn thêm khẩu hiệu tôn giáo. Và đừng quên rằng người Cơ đốc giáo Ảrập đóng vai trò quan trọng trong sự nổi lên của phong trào chủ nghĩa dân tộc Ảrập ở Trung Đông.
Nếu không có Hồi giáo, người Trung Đông sẽ vẫn như khi buổi đầu đạo Hồi ra đời - hầu hết họ là những tín đồ trung thành của Giáo hội chính thống Đông Phương. Nhưng hãy nhớ một trong những cuộc tranh cãi tôn giáo căng thẳng, lâu dài nhất là giữa Công giáo ở Rome và Cơ đốc giáo chính thống ở Constantinople (Thổ Nhĩ Kỳ). Cho đến gần 800 năm sau, năm 1999, Giáo hoàng John Paul II mới tìm cách hàn gắn vết thương bằng chuyến thăm đầu tiên của một Giáo hoàng tới thế giới Cơ đốc chính thống.
Ngày nay, việc Mỹ chiếm đóng Iraq cũng sẽ không được những người Iraq chào đón nếu họ là người Cơ đốc giáo. Những người Ảrập khác vẫn sẽ ủng hộ những người Ảrập ở Iraq đấu tranh chống lại sự chiếm đóng. Không một quốc gia nào chào đón ngoại xâm và giết hại công dân của họ. Thực sự, những cư dân bị lực lượng ngoại xâm chiếm đóng thường đúc kết nên các hệ tư tưởng thích hợp để biện minh và tôn vinh cuộc đấu tranh chống ngoại xâm của họ.
Đó là một giả định về "thế giới không Hồi giáo". Đó là một Trung Đông do Giáo hội chính thống Đông Phương thống trị - một giáo hội, về phương diện lịch sử và tâm lý luôn nghi ngờ, thậm chí thù địch với Phương Tây; là vùng đất bị quân đội đế quốc Phương Tây xâm lược nhiều lần với các nguồn lợi bị quân đội trưng dụng, đường biên giới bị vẽ lại, các chế độ được dựng lên làm "bù nhìn" cho Phương Tây. Chúng ta sẽ vẫn thấy người Palestine kháng cự người Do Thái, người Chechnya phản kháng người Nga, người Iran chống lại người Anh và Mỹ, người Kashmir chống người Ấn Độ, người Tamil chống người Sinhalese ở Sri Lanka, người Uighur và Tây Tạng chống người Trung Quốc.
Nếu không có Đạo Hồi, bức tranh thế giới không hoàn toàn hòa bình và êm đẹp.
Tất nhiên, thật vô lý khi nói rằng sự tồn tại của Hồi giáo không ảnh hưởng gì đến Trung Đông và mối quan hệ Đông - Tây. Hồi giáo trở thành một yếu tố thống nhất cả khu vực rộng lớn. Với tư cách là một tôn giáo có sức lan tỏa toàn cầu, đạo Hồi góp phần tạo ra một nền văn minh rộng lớn. Các nguyên tắc triết lý, chuẩn mực nghệ thuật và xã hội, cuộc sống, công lý, quản lý xã hội đều có cội rễ bắt nguồn từ một văn hóa sâu sắc. Như một lực lượng văn hóa tinh thần, Hồi giáo thu hẹp dần những khoảng cách khác biệt về sắc tộc giữa những người Hồi giáo khác nhau, giúp họ cảm thấy họ là một phần của nền văn minh Hồi giáo rộng lớn. Hồi giáo cũng tác động mạnh mẽ đến địa lý chính trị thế giới. Nếu không có đạo Hồi, các nước Hồi giáo Đông Nam Á và Nam Á ngày nay, đặc biệt là Pakistan, Bangladesh, Malaysia và Indonesia, có lẽ là những đất nước theo Ấn Độ giáo.
Nền văn minh Hồi giáo đưa ra một lý tưởng chung trong đó tất cả tín đồ Hồi giáo có thể vững tin đứng lên chống lại sự xâm lăng của Phương Tây. Người Châu Âu có khả năng xâm lấn và chia rẽ những người Mỹ La tinh, Châu Á, Châu Phi, những người họ cảm thấy đơn độc trước khi người Châu Âu xâm lược họ. Một sự phản kháng thống nhất, vượt phạm vi quốc gia giữa những người này thật khó giành thắng lợi nếu họ không có một ngọn cờ tinh thần dẫn lối. Đạo Hồi đã làm được điều đó.
Liệu có sự kiện 11/9 nếu không có Hồi giáo? Nếu phương Tây chú trọng chống chủ nghĩa khủng bố mang tên Hồi giáo thì thật thiển cận. Các du kích Do Thái sử dụng hình thức khủng bố chống người Anh ở Palestine. Người Tamil theo Ấn Độ giáo ở Sri Lanka nổi tiếng thế giới với cách thức đánh bom tự sát trong nhiều thập kỷ - kể cả việc ám sát Thủ tướng Ấn Độ Rajiv Gandhi. Các tên khủng bố người Hy Lạp thực hiện các hoạt động mưu sát chống lại các quan chức Mỹ ở Athens. Đội quân khủng bố theo đạo Sikh đã giết bà Indira Gandhi, hoạt động tàn phá nhiều nơi ở Ấn Độ, thiết lập căn cứ ở Canada và từng uy hiếp một chiếc máy bay của Hãng hàng không Ấn Độ rơi xuống Đại Tây Dương. Những tên khủng bố Macedonia đã gây nên nỗi khiếp sợ cho toàn vùng Balkan vào thời gian trước thế chiến thứ nhất. Hàng chục cuộc ám sát lớn vào cuối thế kỷ 19, đầu thế kỷ 20 được những người "vô chính phủ" Châu Âu và Mỹ tiến hành. Nghĩa là không nên đồng nghĩa người Hồi giáo với khủng bố.
Lịch sử các hoạt động khủng bố gần đây cũng cho thấy khủng bố không gắn liền với đạo Hồi. Theo Cơ quan cảnh sát Châu Âu (Europol), trong năm 2006, có 498 các vụ tấn công khủng bố xảy ra ở các nước EU. Trong số đó, 424 vụ do các nhóm ly khai thực hiện, 55 vụ do các tên cực đoan cánh tả và 18 vụ do các nhóm khủng bố khác nhau. Chỉ có một vụ do người Hồi giáo thực hiện. Điều đó chỉ ra rằng các phần tử khủng bố theo nhiều hệ tư tưởng khác nhau.
Nhưng câu hỏi đặt ra là nếu đạo Hồi không tồn tại, thế giới sẽ hòa bình hơn? Đối mặt với sự căng thẳng Đông và Tây, không thể phủ nhận rằng Hồi giáo chỉ là yếu tố làm thêm sự phức tạp trong khi tìm giải pháp cho vấn đề. Hồi giáo không phải là nguyên nhân của vấn đề trên.
Không có Hồi giáo, thế giới sẽ vẫn phải chứng kiến những sự thù địch, chiến tranh đổ máu kéo dài. Nếu không có tôn giáo, những nhóm người này sẽ tìm thấy những tư tưởng khác để diễn tả chủ nghĩa dân tộc và soi sáng sự nghiệp đấu tranh giành độc lập của họ. Lịch sử sẽ không đi đúng như lộ trình đã đi. Nhưng những cuộc xung đột liên quan đến sắc tộc, chủ nghĩa dân tộc, tham vọng, lòng tham, tài nguyên, quyền lực, can thiệp, ngoại xâm, đế quốc… sẽ vẫn không mất đi.
Thảo Vy
(Theo Foreign Policy)