TIN LIÊN QUAN | |
Cuộc chiến thương mại Mỹ - Trung mang lại điều gì cho Việt Nam? | |
Quyết không thỏa hiệp, ông Trump “cài” ý đồ riêng trong đàm phán với Bắc Kinh |
Ngày 13/5, người phát ngôn Bộ Ngoại giao Trung Quốc Cảnh Sảng tuyên bố, Bắc Kinh sẽ không bao giờ khuất phục trước sức ép nước ngoài sau khi Washington tiếp tục đe dọa áp thuế đối với toàn bộ hàng nhập khẩu từ Trung Quốc trong cuộc chiến thương mại leo thang giữa hai nền kinh tế lớn nhất thế giới này.
Tuy nhiên, ông Cảnh Sảng không nêu rõ Trung Quốc có kế hoạch áp dụng biện pháp đáp trả nào trước việc Mỹ quyết định tăng thuế đối với hàng nhập khẩu từ Trung Quốc trị giá 200 tỷ USD hôm 10/5 vừa qua.
Vòng xoáy rủi ro mới
Rào cản mới xuất hiện khi Mỹ chỉ trích Trung Quốc đi ngược lại những cam kết trong đàm phán, khiến cuộc đàm phán “đã hoàn tất đến 90%” bị thụt lùi, qua đó làm thay đổi thỏa thuận một cách căn bản. Đó cũng là cái “cớ” để Mỹ quyết định tăng thuế từ 10% lên 25% đối với lượng hàng hóa trị giá 200 tỷ USD nhập khẩu từ Trung Quốc, có hiệu lực từ ngày 10/5.
Một thỏa thuận thương mại giữa hai nước vẫn ở mức "chừng mực". (Nguồn: AFP) |
Chưa đầy 24 giờ sau Tổng thống Trump đã ra lệnh áp một đợt thuế mới đối với toàn bộ hàng hóa còn lại nhập khẩu từ Trung Quốc có giá trị khoảng 300 tỷ USD, bất chấp những cảnh báo của giới chuyên gia cũng như các đồng minh trong đảng Cộng hòa.
Quyết định tăng thuế của Mỹ một lần nữa cho thấy quyết tâm mạnh mẽ của ông chủ Nhà Trắng trong việc thực hiện chính sách bảo hộ thương mại ông theo đuổi kể từ khi lên nắm quyền. Tổng thống Donald Trump tuyên bố việc áp mức thuế quan mới sẽ đem lại lợi ích cho nước Mỹ, giúp nền kinh tế lớn nhất thế giới trở lên vững mạnh hơn chứ không phải yếu đi, và nếu không đạt được thỏa thuận, ông sẵn sàng tiến xa hơn.
Theo giới phân tích, chính sách tăng thuế của Tổng thống Trump vẫn bị coi là “con dao hai lưỡi”. Bà Jessica Wasserman, chuyên gia thuộc công ty Greenspoon Marder LLP, nhận định Trung Quốc biết rõ nông nghiệp của Mỹ sẽ là ngành thua thiệt nhất khi Bắc Kinh trả đũa Washington bằng thuế quan, trong khi ngành này lại rất có tầm ảnh hưởng đối với Quốc hội Mỹ và cũng là ngành đã ủng hộ và bỏ phiếu cho ông Trump bước vào Nhà Trắng. Đó còn chưa kể những tác động tiêu cực đối với các doanh nghiệp hay người tiêu dùng Mỹ nếu cuộc chiến thương mại leo thang với các biện pháp trả đũa của Trung Quốc, đặc biệt khi người tiêu dùng Mỹ hiện đang phải trực tiếp gánh những chi phí phát sinh từ việc tăng thuế.
Đối với Trung Quốc, cuộc chiến thương mại kéo dài với Mỹ sẽ khiến Bắc Kinh phải chịu thiệt hại lớn hơn bởi nền kinh tế nước này dựa nhiều vào xuất khẩu hơn (năm 2018 Trung Quốc xuất khẩu sang Mỹ 540 tỷ USD hàng hóa, trong khi chỉ nhập khẩu 120 tỷ USD hàng hóa của Mỹ). GDP của Trung Quốc có thể giảm 1,6 điểm phần trăm trong năm nay nếu mức thuế trừng phạt của Mỹ tiếp tục đẩy các công ty của Trung Quốc ra khỏi thị trường Mỹ.
Trung Quốc khó có thể dễ dàng chấp nhận những đòi hỏi từ phía Mỹ đối với những thay đổi mang tính hệ thống, như cải tổ cơ cấu kinh tế, sở hữu trí tuệ, chuyển giao công nghệ, hạn chế việc tiếp cận thì trường tài chính… bởi những yếu tố này sẽ tạo cho Mỹ ưu thế cạnh tranh lớn hơn trong tương lai, thậm chí có thể phần nào giúp Mỹ “kiểm soát” nền kinh tế Trung Quốc.
Phó Thủ tướng Lưu Hạc, đại diện cho phái đoàn đàm phán Trung Quốc, khẳng định các cuộc đàm phán mới sẽ tiếp tục nối lại tại Bắc Kinh, song ông cảnh báo rằng sẽ không có "nhượng bộ" về các nguyên tắc quan trọng. Ông Lưu Hạc cũng bày tỏ sự lạc quan "chừng mực" về việc có thể đạt được một thỏa thuận thương mại giữa hai nước, đồng thời cho biết có nhiều vấn đề về nguyên tắc mà Trung Quốc sẽ không lùi bước.
Ai thiệt nhiều hơn ai?
Với đợt leo thang căng thẳng về thuế quan mới nhất giữa Mỹ và Trung Quốc, hầu hết các nhà phân tích đều nhận định rằng Bắc Kinh sẽ thiệt hại nhiều hơn Washington nếu cuộc chiến thương mại tiếp tục kéo dài.
Chuyên gia phân tích của Tạp chí Economist Nick Marro nói với hãng CNBC rằng: "Tôi nghĩ rằng cơ hội đạt được thỏa thuận giữa Mỹ và Trung Quốc đã giảm đáng kể, và nguy cơ các cuộc đàm phán đổ vỡ đang tăng lên". Ông Marro cho rằng việc tăng thuế của Mỹ đã hủy hoại hết những "thiện chí" và "thời cơ tích cực" tích lũy được trong các cuộc gặp trước đây giữa hai cường quốc. Nhiều nhà phân tích cũng nói rằng kịch bản tốt nhất đối với cả hai bên là tiếp tục đàm phán, song việc leo thang thuế quan lần này cũng làm tăng khả năng Mỹ và Trung Quốc có thể không bao giờ đạt được thỏa thuận.
Giảng viên và nhà nghiên cứu kinh tế tại Đại học St. Gallen ở Thụy Sỹ Stefan Legge dự báo rằng, cuộc chiến thương mại sẽ kéo dài chừng nào cả hai nền kinh tế còn có thể chịu được.
Tuy nhiên, các nhà phân tích trên đều đồng ý với xu hướng rằng, Bắc Kinh sẽ thiệt hại nhiều hơn Washington nếu cuộc chiến này kéo dài. Theo ước tính của Quỹ Tiền tệ Quốc tế (IMF), GDP của Trung Quốc có thể giảm khoảng 1,6% trong năm nay, nếu các mức thuế trừng phạt của Mỹ tiếp tục đẩy các công ty Trung Quốc ra khỏi thị trường Mỹ. Trong khi đó, Mỹ đang có mức tăng trưởng kinh tế mạnh, thị trường lao động vững mạnh và Phố Wall ít lo sợ hơn. Những yếu tố này đã giúp cho chính quyền Tổng thống Donald Trump có lập trường mạnh bạo hơn với Trung Quốc.
Đồng quan điểm trên, ông Robert E Scott - nhà kinh tế tại Viện Chính sách Kinh tế (EPI) - nói với kênh Al Jazeera rằng: "Mỹ nhập khẩu khoảng 540 tỉ USD hàng Trung Quốc vào năm ngoái và xuất sang Trung Quốc 120 tỉ USD. Cả hai con số đó đều không đáng là bao so với quy mô kinh tế Mỹ, vốn đã đạt được 21.100 tỉ USD trong quý đầu tiên”.
Ông Scott cũng nói rằng, tỉ lệ này của Trung Quốc lớn hơn nhiều. Nhà kinh tế học này phân tích: "Tổng số 540 tỉ USD hàng xuất khẩu của Trung Quốc sang Mỹ trong năm 2018 chiếm 4% của nền kinh tế 13.400 tỉ USD của họ. Nói cách khác, Trung Quốc bị tổn hại nhiều hơn 7 lần so với Mỹ khi hoạt động thương mại bị gián đoạn do cuộc chiến này".
Do sức mạnh của đồng USD, sự suy yếu của Nhân dân tệ và các nhà nhập khẩu Trung Quốc phải hấp thụ chi phí bổ sung, ông Scott nhận định tác động của cuộc chiến thương mại đối với kinh tế Mỹ là "nhỏ và có thể xoay xở được".
Đàm phán thương mại Mỹ - Trung: Giới chuyên gia thấp thỏm, doanh nghiệp mong manh hy vọng (TGVN). Việc Mỹ tăng thuế quan đối với 200 tỷ USD hàng hóa Trung Quốc lên 25% chỉ sau một đêm đã khiến các chuyên ... |
Đàm phán thương mại với Mỹ, ông Lưu Hạc mất chức danh “Đặc phái viên” (TG&VN). Phó Thủ tướng Trung Quốc Lưu Hạc hiện không còn mang chức danh "Đặc phái viên" do Chủ tịch Trung Quốc Tập Cận Bình ... |
Bắc Kinh "phản đòn", ông Trump tung chiêu thức mới Hiện vẫn còn phải chờ xem liệu lời đe dọa của ông Trump có đem lại một thỏa thuận thương mại có lợi cho Mỹ ... |