Trả lời báo giới tại Nhà Trắng, Tổng thống Trump nhấn mạnh sự cần thiết phải tiêm phòng vắcxin.
Trước đó ngày 23/4, hơn 200 sinh viên và nhân viên tại hai trường đại học ở bang California đã bị cách ly do có thể đã tiếp xúc với người nhiễm sởi nhưng chưa tiêm vắcxin phòng sởi hoặc không chứng minh được rằng họ đã tiêm phòng đầy đủ.
Sở Y tế thành phố Los Angeles thông báo lệnh cách ly đã được ban hành, theo đó những người bị nghi phơi nhiễm sởi ở trường Đại học California Los Angeles (UCLA) và Đại học bang California phải ở trong nhà và thông báo với giới chức y tế nếu phát hiện các triệu chứng của bệnh sởi, đồng thời tránh tiếp xúc với người khác cho đến khi hết thời gian cách ly hoặc cho đến khi họ cung cấp được hồ sơ tiêm phòng sởi.
Các ca bệnh sởi đang bùng phát tại Mỹ. (Nguồn: ABC4) |
Lệnh cách ly này có hiệu lực trong vòng 24-48 giờ đồng hồ, nhưng một số người có thể sẽ phải cách ly tới một tuần.
Giới chức y tế Mỹ đang nỗ lực khống chế dịch sởi lan rộng ở nước này. Theo báo cáo của Trung tâm Kiểm soát và ngăn ngừa dịch bệnh Mỹ (CDC) công bố ngày 24/4, Mỹ đã ghi nhận 695 ca nhiễm sởi trong năm nay, con số cao nhất kể từ khi nước này tuyên bố loại bỏ được virus nguy hiểm này vào năm 2000.
Sự bùng phát trở lại của căn bệnh từng được xóa bỏ này có liên quan đến phong trào chống vắcxin ngày càng gia tăng trên toàn cầu.
Phong trào "tẩy chay" vắcxin phát triển mạnh ở các nước phương Tây, đặc biệt ở Mỹ nơi ngập tràn các thông tin về tác hại của vắcxin trên mạng xã hội.
Quỹ Nhi đồng Liên hợp quốc (UNICEF) ngày 25/4 công bố báo cáo cho thấy, trong khoảng thời gian từ 2010-2017, ít nhất 169 triệu trẻ em đã bị bỏ lỡ mũi tiêm vắcxin sởi đầu tiên, tương đương với tỷ lệ trung bình là 21,1 triệu em/năm.
Sởi là căn bệnh lây nhiễm cao có khả năng dẫn đến mù lòa, điếc, tổn thương não và tử vong. Các ca nhiễm sởi đang tăng nhanh trên toàn cầu.
Theo Tổ chức Y tế thế giới (WHO), chỉ trong 3 tháng đầu năm 2019, thế giới đã ghi nhận hơn 110.000 ca nhiễm bệnh, tăng 300% so với cùng kỳ năm ngoái.