Tổng thư ký NATO Stoltenberg hội đàm trực tuyến với Ngoại trưởng Trung Quốc Vương Nghị, ngày 27/9. (Nguồn: NATO) |
Thông cáo của NATO dẫn phát biểu của ông Stoltenberg trong cuộc hội đàm trực tuyến với Ngoại trưởng Trung Quốc Vương Nghị khẳng định, mặc dù Bắc Kinh không phải là kẻ thù của NATO, song quốc gia châu Á phải “duy trì các cam kết quốc tế và hành động một cách có trách nhiệm trong hệ thống quốc tế”.
Theo văn bản, ông Stoltenberg “nêu ra những mối quan ngại của NATO đối với kho vũ khí hạt nhân ngày càng mở rộng và tình trạng thiếu minh bạch về tiến trình hiện đại hóa của quân đội Trung Quốc”.
Tổng thư ký Stoltenberg nhấn mạnh “sự minh bạch của hai bên và đối thoại về vấn đề kiểm soát vũ khí sẽ mang lại lợi ích cho cả NATO và Trung Quốc”.
Đề cập tình hình Afghanistan - quốc gia có chung đường biên giới với Trung Quốc, Tổng thư ký NATO cho rằng cần phải có “một cách thức tiếp cận quốc tế chung, bao gồm các quốc gia trong khu vực, để buộc Taliban phải chịu trách nhiệm cho những cam kết của phong trào này về chống khủng bố và bảo vệ nhân quyền, đặc biệt là quyền lợi của phụ nữ”.
Trong diễn biến khác liên quan vũ khí hạt nhân, cùng ngày, Phó Tổng Thư ký Liên hợp quốc (LHQ) phụ trách các vấn đề giải trừ quân bị Izumi Nakamitsu đã cảnh báo về xu thế hiện đại hóa và mở rộng các kho vũ khí hạt nhân trên phạm vi toàn cầu trong những năm gần đây.
Phát biểu trong phiên họp về Hiệp ước Cấm thử nghiệm hạt nhân toàn diện (CTBT) tại Hội đồng Bảo an LHQ, bà Nakamitsu nói: “Do cơ chế kiểm soát vũ khí toàn cầu đã sụp đổ, những hoạt động ngoại giao đa phương nhằm mục đích giải trừ vũ khí hạt nhân hiện trở nên suy yếu".
Quan chức LHQ cảnh báo, khi mối quan hệ giữa các quốc gia sở hữu vũ khí hạt nhân tiếp tục xấu đi, thế giới không thể mặc nhiên coi rằng nguyên tắc chống thử nghiệm hạt nhân vẫn sẽ được duy trì.
Bà Nakamitsu cũng cho rằng, cách tốt nhất để bảo vệ nguyên tắc chống thử nghiệm hạt nhân là tái khẳng định và tăng cường hỗ trợ CTBT nhằm củng cố những điểm mạnh hiện hữu của hiệp ước này và cố gắng vận động để CTBT có hiệu lực thực thi.
Kể từ khi được Đại hội đồng LHQ thông qua hồi tháng 9/1996, CTBT đã giành được sự tôn trọng gần như trên toàn thế giới, với 185 quốc gia ký kết và 170 quốc gia phê chuẩn.
Phó Tổng Thư ký LHQ Nakamitsu khẳng định, CTBT là một trong những hiệp ước được ủng hộ rộng rãi nhất, không chỉ trong lĩnh vực giải trừ quân bị và kiểm soát vũ khí, mà còn trong lĩnh vực ngoại giao đa phương.
| Tin thế giới 27/9: Nga cảnh báo NATO quá giới hạn, tuyên bố hành xử khôn ngoan với Mỹ; Thủ tướng Australia sẵn sàng đón nhận cuộc gọi từ Bắc Kinh Căng thẳng Nga-Mỹ quanh kế hoạch trừng phạt mới, kết quả bầu cử Đức, vấn đề Ukraine, bán đảo Crimea, quan hệ Trung Quốc với ... |
| Căng thẳng tăng cao giữa Serbia-Kosovo, NATO và EU thay nhau ra mặt hòa giải Ngày 26/9, Tổng thư ký Tổ chức Hiệp ước Bắc Đại Tây Dương (NATO) đã điện đàm với Tổng thống Serbia Alexander Vucic và Thủ ... |