📞

TP. Hồ Chí Minh: "Bến cảng” đầu tiên mà doanh nghiệp châu Âu cập bến

13:28 | 23/11/2018
Đánh giá cao môi trường đầu tư năng động của TP. Hồ Chí Minh, Đồng Chủ tịch Hiệp hội Doanh nghiệp châu Âu (EuroCham) Nicolas Audier nhận định, các công ty đang hoạt động tại TP. Hồ Chí Minh sẽ là những doanh nghiệp hưởng lợi nhiều nhất, nếu biết tận dụng những lợi thế từ Hiệp định thương mại tự do Việt Nam - EU (EVFTA) vì TP. Hồ Chí Minh sẽ là “bến cảng” đầu tiên mà các tập đoàn, các công ty dự định đầu tư vào Việt Nam cập bến.

Các doanh nghiệp châu Âu đánh giá như thế nào về môi trường kinh doanh tại TP. Hồ Chí Minh? Ông có gợi ý gì để TP. Hồ Chí Minh cải thiện môi trường kinh doanh và thu hút đầu tư từ châu Âu?

Các doanh nghiệp châu Âu đang rất lạc quan về môi trường kinh doanh tại Việt Nam. Hơn 200 công ty, nhà đầu tư và cá nhân đã đưa ra những phản hồi tích cực theo như Kết quả khảo sát Chỉ số môi trường kinh doanh (BCI) Quý III/2018. Với mức điểm 81, đây là kết quả cao thứ hai kể từ cuối năm 2016, cho thấy niềm tin các doanh nghiệp châu Âu vào môi trường thương mại và đầu tư của Việt Nam. Mặc dù có sự giảm nhẹ so với Quý II/2018 – Quý có điểm BCI cao nhất trong 18 tháng – mức điểm này vẫn cho thấy niềm tin vào môi trường kinh doanh của các doanh nghiệp châu Âu vẫn rất mạnh mẽ.  

Phần lớn các doanh nghiệp là thành viên EuroCham đều có hoạt động tốt trong quý trước, với 57% phản hồi ‘Tốt” và 10% phản hồi ‘Tuyệt vời”. Trong khi đó, chỉ 8% phản hồi về việc gặp khó khăn. Về triển vọng doanh thu trong quý tới, lãnh đạo các doanh nghiệp vẫn khá lạc quan khi gần 60% dự đoán triển vọng “Tốt”, trong đó có 11% đánh giá “Tuyệt vời” cho tình hình kinh doanh năm 2018.

Đồng chủ tịch EuroCham Nicolas Audier. (Nguồn: The Leader)

Các doanh nghiệp cũng rất lạc quan về triển vọng kinh tế vĩ mô của Việt Nam với 58% dự đoán “Ổn định và Cải thiện”. Chỉ chưa đến 10% cho rằng, triển vọng kinh tế sẽ đi xuống trong thời gian tới.

Là trung tâm tài chính và thương mại của Việt Nam, TP. Hồ Chí Minh vẫn luôn là điểm đến yêu thích của các doanh nghiệp và nhà đầu tư châu Âu trong những năm qua. Lực lượng dân số trẻ, năng động, trình độ dân trí cao cùng với sự gia tăng các khu công nghiệp, cầu cảng là những yếu tố góp phần tạo nên sự hấp dẫn của TP. Hồ Chí Minh. Vì vậy, dễ hiểu là đa phần các doanh nghiệp châu Âu đều rất yên tâm khi đầu tư tại Việt Nam và đặc biệt là TP. Hồ Chí Minh.

Để thu hút thêm đầu tư từ châu Âu, tôi cho rằng cả Chính phủ và Chính quyền thành phố nên tiếp tục theo đuổi con đường tự do hóa thương mại, cải cách thể chế, cải cách môi trường kinh doanh như hiện nay. Các bạn cần tiếp tục hiện đại hóa khung pháp lý, giảm bớt các điều kiện kinh doanh, cải cách thủ tục hành chính…nhằm tạo nên một môi trường đầu tư, thương mại cạnh tranh, lành mạnh và dễ dự báo.

Theo ông các doanh nghiệp tại TP. Hồ Chí Minh cần chú ý những gì để tận dụng tối đa những cơ hội mà Hiệp định EVFTA mang lại?

Hiệp định EVFTA sẽ giảm thuế quan và các rào cản thương mại cả ở thị trường châu Âu và Việt Nam. Điều này sẽ giúp các công ty Việt Nam tiếp cận sâu hơn với thị trường tiêu thụ hơn 500 triệu dân của châu Âu và gia tăng đầu tư từ châu Âu vào Việt Nam. Các công ty đang hoạt động tại TP. Hồ Chí Minh sẽ là những doanh nghiệp hưởng lợi nhiều nhất, nếu biết tận dụng những lợi thế từ Hiệp định này, vì TP. Hồ Chí Minh sẽ là “bến cảng” đầu tiên mà các tập đoàn, các công ty dự định đầu tư vào Việt Nam cập bến.

EuroCham rất kỳ vọng Hiệp định sẽ được phê chuẩn vào đầu năm tới. Để đón đầu cơ hội, chính quyền thành phố nên chuẩn bị những nền tảng ngay từ bây giờ để sẵn sàng ngay khi thỏa thuận có hiệu lực.

Về phía khu vực đầu tư tư nhân, chính quyền TP. Hồ Chí Minh có thể có những hỗ trợ để nâng cao nhận thức của doanh nghiệp, nêu bật những cơ hội mới mà Hiệp định EVFTA có thể mở ra cho doanh nghiệp.

Là trung tâm tài chính và thương mại của Việt Nam, TP. Hồ Chí Minh vẫn luôn là điểm đến yêu thích của các doanh nghiệp và nhà đầu tư châu Âu trong những năm qua. (Nguồn: Divui)

Được biết, trong năm  nay, EuroCham đã triển khai một số chương trình hợp tác với TP. Hồ Chí Minh và các địa phương lân cận, trong đó có xúc tiến quảng bá tiềm năng kinh tế của thành phố đến với các doanh nghiệp châu Âu. Ông có thể chia sẻ kết quả của những chương trình hợp tác ý nghĩa này?

EuroCham rất mong sẽ có thêm những chương trình hợp tác giữa TP. Hồ Chí Minh và cộng đồng doanh nghiệp châu Âu. Sự hợp tác này giúp các thành viên hiểu rõ hơn về môi trường kinh doanh của địa phương, từ đó cải thiện hoạt động kinh doanh của doanh nghiệp.

Mới đây, Cục Hải quan TP. Hồ Chí Minh đã tổ chức các buổi Hội nghị đối thoại giữa cơ quan hải quan và các thành viên của EuroCham liên quan đến các vấn đề về hải quan như Mã HS, thuế ưu đãi đặc biệt, định giá hải quan…Hội nghị đã thu hút gần 100 đại diện doanh nghiệp và theo khảo sát, có khoảng 10% doanh nghiệp thành viên phản hồi ngay rằng, Hội nghị hữu ích và hiệu quả đối với hoạt động của doanh nghiệp.

Những hoạt động “đôi bên cùng có lợi” như vậy sẽ mang lại lợi ích cho cả 2 phía, cả phía chính quyền thành phố cũng như cộng đồng doanh nghiệp châu Âu. Tại những hoạt động này, các doanh nghiệp thành viên của chúng tôi có cơ  hội chia sẻ những hiểu biết cũng như đưa ra những đề xuất trực tiếp với chính quyền địa phương, từ đó giúp cải thiện môi trường thương mại, đầu tư, tạo thuận lợi cho doanh nghiệp.

Năm 2018, EuroCham đã tổ chức các cuộc họp với Trung tâm Xúc tiến Thương mại và Đầu tư TP. Hồ Chí Minh để thảo luận về việc mở rộng các lĩnh vực hợp tác bao gồm xây dựng thành phố thông minh và Hiệp định EVFTA; hợp tác với Sở Kế hoạch và Đầu tư TP. Hồ Chí Minh trong lĩnh vực xây dựng cơ chế pháp lý quản lý hiệu quả các dự án đầu tư theo hình thức hợp tác công-tư (PPP); làm việc với UBND TP. Hồ Chí Minh về việc tăng cường mối quan hệ hợp tác giữa hai bên trong thời gian tới.

Tại Lễ kỷ niệm 20 năm thành lập EuroCham tối ngày 16/11 vừa qua, Chủ tịch UBND TP. Hồ Chí Minh Nguyễn Thành Phong đã đến tham dự và có bài phát biểu. Điều này cũng là một minh chứng cho thấy mối quan hệ gần gũi và hợp tác thành công giữa cộng đồng doanh nghiệp châu Âu và chính quyền TP. Hồ Chí Minh.

Nhận định của ông về sự sẵn sàng của doanh nghiệp Việt Nam, đặc biệt là các doanh nghiệp đang hoạt động tại TP. Hồ Chí Minh cho đổi mới sáng tạo và cuộc Cách mạng Công nghiệp 4.0?

Tôi nhận thấy Chính phủ Việt Nam đã có nhiều nỗ lực trong việc thiết lập, xây dựng các chính sách giúp các doanh nghiệp Việt Nam tận dụng tốt nhất những lợi ích từ cuộc Cách mạng Công nghiệp 4.0. Chính phủ cũng đang tạo thêm nhiều điều kiện thuận lợi cho các doanh nghiệp áp dụng công nghệ mới và tăng khả năng cạnh tranh trên thị trường quốc tế.

Cách tiếp cận của Việt Nam dựa trên thực tế phát triển kinh tế trong tương lai sẽ không còn dựa nhiều vào các ngành công nghiệp với mức lương thấp và cần nhiều lao động chân tay, mà chủ yếu đến từ những ngành đòi hỏi công nghệ hiện đại và trình độ tay nghề cao.

Tại TP. Hồ Chí Minh, hiện nay sáng kiến tích cực như Saigon Innovation Hub đang trang bị cho doanh nghiệp Việt Nam nhiều kỹ năng cần thiết để chào đón cuộc Cách mạng Công nghiệp 4.0.

EuroCham đánh giá, Chính phủ Việt Nam đã có nhiều nỗ lực trong việc thiết lập, xây dựng các chính sách giúp các doanh nghiệp Việt Nam tận dụng tốt nhất những lợi ích từ cuộc Cách mạng Công nghiệp 4.0. (Nguồn: Báo Kinh tế Đô thị)

Tại Diễn đàn kinh tế TP. Hồ Chí Minh 2018 với chủ đề “Kiến tạo đô thị sáng tạo, tương tác – Vai trò động lực của doanh nghiệp”, mối quan hệ tương tác giữa doanh nghiệp - nhà khoa học - viện nghiên cứu cũng sẽ được đặt ra. Ông có biết bài học thành công nào từ châu Âu trong hợp tác 3 nhà để chia sẻ với các doanh nghiệp Việt Nam?

Châu Âu có rất nhiều kinh nghiệm trong việc kết nối tri thức của giới khoa học, viện nghiên cứu với các doanh nghiệp để tạo ra các giải pháp đô thị mới. Nhiều câu chuyện thành công của châu Âu trong mô hình hợp tác này có thể được áp dụng tại Việt Nam.

Trong ấn phẩm Sách xanh (Greenbook) được EuroCham công bố năm 2017, chúng tôi cũng đã chia sẻ những thực tiễn quốc tế tốt nhất trong kinh doanh sáng tạo và bền vững với Chính phủ cũng như khu vực tư nhân của Việt Nam.

Tôi xin lấy một ví dụ như để đáp ứng nhu cầu đô thị hóa và giảm tỷ lệ rò rỉ nước, mới đây Tổng Công ty Nước Sài Gòn (SAWACO) đã tiến hành cải tạo mạng lưới cấp nước trên quy mô lớn. Để thực hiện được dự án này, SAWACO đã tìm đến các giải pháp công nghệ cao theo công nghệ của châu Âu. Việc sử dụng cảm biến kỹ thuật số để theo dõi quá trình cấp nước đã giúp doanh nghiệp có thể phát hiện kịp thời, phân tích và quản lý thông tin, từ đó giảm tỷ lệ rò rỉ nước, đáp ứng tốt nhu cầu nước sinh hoạt của người dân và phục vụ sản xuất.

Xin cảm ơn ông!

(thực hiện)