📞

TP. Hồ Chí Minh: Cơ hội trở thành đô thị sáng tạo

16:16 | 22/11/2018
Việt Nam đang trong tiến trình phát triển thành một nước công nghiệp hiện đại vào năm 2020, trong đó nguồn thu từ các hoạt động kinh tế đô thị, đặc biệt các thành phố lớn, các đô thị gắn với phát triển công nghiệp, thương mại, dịch vụ và du lịch chiếm tỷ lệ khá cao trong cơ cấu GDP cả nước, khẳng định vai trò của hệ thống đô thị động lực chủ đạo của Việt Nam. 

Động lực phát triển mới

Các đô thị lớn như Hà Nội, TP. HCM, Đà Nẵng, Hải Phòng đã có nền tảng phát triển kinh tế vững chắc, số lượng các cơ sở sản xuất công nghiệp và dịch vụ thương mại cũng tăng mạnh hơn. Tại đây, các động lực phát triển mới đang chuyển dịch mạnh mẽ sang các lĩnh vực giáo dục, dịch vụ tài chính – ngân hàng, bất động sản, viễn thông và truyền thông… Các nơi có điều kiện tự nhiên đặc biệt như Hạ Long, Nha Trang, Đà Lạt, Sa Pa, Phú Quốc… hay các đô thị có di sản văn hóa - lịch sử tầm cỡ quốc gia và quốc tế như Huế, Hội An, Hạ Long, Côn Đảo,… du lịch đã trở thành động lực phát triển chính.

Đánh giá chung phát triển đô thị hóa Việt Nam trong giai đoạn vừa qua có nhiều chuyển biến về số lượng, với tốc độ đô thị hóa nhanh nhất Đông Nam Á (khoảng 3,4%/năm). Đến nay, Việt Nam có 2 đô thị đặc biệt là Hà Nội và Tp. Hồ Chí Minh, 19 đô thị loại I, 25 đô thị loại II, 46 đô thị loại III, 96 đô thị loại IV và hơn 700 đô thị loại V.

Đoàn công tác TP. HCM do Bí thư Thành ủy Nguyễn Thiện Nhân dẫn đầu đến thăm và làm việc tại TP. Khoa học Tsukuba (Ibaraki, Nhật Bản) để tìm hiểu việc quy hoạch, xây dựng, quản lý một đô thị khoa học hình mẫu. (Nguồn: SGGP)
Mục tiêu và kỳ vọng của các địa phương là áp dụng tiêu chuẩn cũng như đánh giá sự phù hợp đối với một đô thị thông minh, từ đó rút ra được các bài học kinh nghiệm, xác định được chiến lược, công nghệ, nhân lực cần thiết để xây dựng và phát triển Đô thị thông minh trong thời gian tới, đáp ứng được các yêu cầu phát triển của các Đô thị và đất nước.

Mặc dù hệ thống đô thị Việt Nam đang phát triển nhanh về số lượng, chất lượng còn thấp. Đặc biệt, hệ thống hạ tầng kỹ thuật và hạ tầng xã hội chưa đồng bộ; trình độ và năng lực quản lý và phát triển đô thị còn thấp so với yêu cầu; Tốc độ xây dựng cơ sở hạ tầng ở phần lớn đô thị Việt Nam đều chậm so với phát triển kinh tế xã hội.

Phát triển đô thị và đô thị hóa trên phạm vi toàn quốc hiện chưa thể hiện rõ bản sắc địa phương và đặc điểm khí hậu vùng, miền, tạo sự cách biệt giữa đô thị và nông thôn. Bộ mặt kiến trúc cảnh quan đô thị còn lộn xộn, thiếu thẩm mỹ. Tài nguyên đất bị khai thác triệt để để xây dựng đô thị, diện tích cây xanh và mặt nước bị thu hẹp, nhu cầu sản xuất, dịch vụ ngày càng tăng làm suy thoái nguồn tài nguyên thiên nhiên của đất nước.

Hệ thống hạ tầng đô thị bị quá tải gây nên các hiện tượng tắc nghẽn giao thông, úng ngập và vệ sinh môi trường đô thị hóa lan rộng làm các khu vực này lại nằm lọt vào giữa khu dân cư đông đúc. Việc mở rộng đô thị dẫn đến chiếm dụng đất nông nghiệp ảnh hưởng đến an toàn lương thực quốc gia. Năng lực thu gom xử lý rác thải rắn đặc biệt là các chất thải rắn nguy hại chưa được thực hiện đúng quy định. Đặc điểm thói quen sử dụng giao thông cá nhân gây lãng phí nghiêm trọng nguồn thiên nhiên, ô nhiễm môi trường không khí và tiếng ồn.

Về kinh tế, tài chính đô thị còn hoạt động kém hiệu quả, công tác điều phối vốn đầu tư xây dựng còn bị dàn trải, việc huy động vốn từ các nguồn vốn vay, khối kinh tế tư nhân và từ cộng đồng chưa tạo động lực kích hoạt quá trình phát triển. Phát triển các khu kinh tế, đặc khu kinh tế, các khu công nghiệp tập trung cấp quốc gia, cấp tỉnh còn dàn trải, chưa có sự lựa chọn thích hợp cho thành công.

Tỷ lệ dân đô thị được cấp nước sạch còn thấp. Xử lý nước thải chưa được chú trọng tại hầu hết các đô thị, thiếu sự đồng bộ trong xây dựng và khai thác hệ thống hạ tầng kỹ thuật dọc các tuyến đường tại các đô thị. Hệ thống cây xanh, mặt nước (sông, hồ) trong nhiều đô thị bị suy giảm.

Thành phố khoa học Tsukuba, Nhật Bản. (Nguồn: Wikimedia)

Đô thị thông minh góc nhìn từ thế giới

Cụ thể, Nghị quyết số 05/NQ-TW ngày 1/11/2016 Hội nghị Trung ương khóa XII về một số chủ trương, chính sách lớn nhằm tiếp tục đổi mới mô hình tăng trưởng, nâng cao chất lượng tăng trưởng, năng suất lao động, sức cạnh tranh của nền kinh tế đã đề cập đến việc ưu tiên phát triển một số đô thị thông minh. Quyết định số 1819/QĐ-TTg ngày 26/10/2015 của Thủ tướng Chính phủ phê duyệt Chương trình quốc gia về ứng dụng công nghệ thông tin trong hoạt động của cơ quan nhà nước giai đoạn 2016 - 2020 cũng đặt mục tiêu phát triển tối thiểu 3 đô thị thông minh ở Việt Nam.

Theo một công bố mới nhất của Tổ chức IESE Center for Globalization and Stratery, danh sách các thành phố “thông minh” nhất năm 2017 đã được công bố. Tổ chức này sử dụng tới 79 tiêu chí liên quan đến các khía cạnh khác nhau của đời sống đô thị như kinh tế, công nghệ, nguồn nhân lực, môi trường, giao thông, hoạch định đô thị, quản lý hành chính công, quan hệ với quốc tế.

Trong số 10 thành phố đứng đầu thuộc danh sách này, có tới 6 thành phố thuộc các nền kinh tế thành viên APEC (bao gồm New York, Boston, San Francisco, Washington DC, Seoul, Tokyo), và 4 thành phố thuộc Liên minh châu Âu (London, Paris, Berlin, Amsterdam). Trong 50 thành phố đứng đầu, Hoa Kỳ và châu Âu chiếm tới 43 vị trí, Singapore cũng là nền kinh tế thành viên của APEC được lọt vào danh sách này. Rõ ràng sự phát triển Đô thị thông minh vẫn là sân chơi riêng của các quốc gia phát triển với tiềm lực kinh tế và có nền khoa học công nghệ phát triển ở trình độ cao.

Tuy nhiên, định hướng phát triển Đô thị thông minh là để giảm thiểu những vấn đề do quá trình đô thị hóa gây ra, nhằm mang lại cuộc sống tốt đẹp hơn cho cư dân, nên việc xếp hạng nêu trên chỉ là thứ yếu. Quan trọng nhất đối với nền kinh tế đang phát triển như Việt Nam là việc trao đổi, chia sẻ thông tin, kinh nghiệm, cơ hội và thách thức trong quá trình phát triển Đô thị Thông minh.

Lợi ích cho mọi người

Trong vài năm gần đây, trước sức ép phát triển, quá trình đô thị hóa và đòi hỏi khách quan về quản lý đô thị trong bối cảnh hội nhập quốc tế, khái niệm Đô thị thông minh (Smart City) ngày càng trở nên phổ biến. Tại Việt Nam hiện nay, việc phát triển Đô thị thông minh đã được Đảng và Nhà nước chủ trương đẩy mạnh.

Mới đây nhất, văn bản số 10384/VPCP-KGVX ngày 01/12/2016 của Văn phòng Chính phủ đã nêu ý kiến chỉ đạo của Thủ tướng về việc triển khai xây dựng đô thị thông minh phải thống nhất từ trung ương đến địa phương, phù hợp xu thế chung và điều kiện của Việt Nam để phát triển bền vững. Thủ tướng cũng giao cho Bộ Thông tin & Truyền thông chủ trì, phối hợp với Bộ Xây dựng và các bộ, ngành liên quan xây dựng, ban hành tiêu chí đánh giá, công nhận đô thị thông minh và hướng dẫn các địa phương thực hiện, bảo đảm việc đầu tư thiết thực, hiệu quả.

Thời gian qua ước tính có gần 30 tỉnh, thành phố đã tổ chức hội thảo và ký thoả thuận hợp tác (MOU) với các doanh nghiệp viễn thông - CNTT trong và ngoài nước để xây dựng các dự án thí điểm về phát triển đô thị thông minh như Hà Nội, Hải Phòng, Thái Nguyên, Đà Nẵng, Huế, Đà Lạt, Tp. Hồ Chí Minh, Bình Dương, Cần Thơ... Việc triển khai Đô thị thông minh sẽ đem lại ý nghĩa rất lớn không chỉ cho các nhà quản lý, mà cho các cư dân sinh sống trong các khu đô thị này, với chất lượng cuộc sống được đảm bảo tốt hơn, an toàn hơn, được sử dụng những dịch vụ thiết yếu cho cuộc sống như giao thông, y tế, giáo dục... với chất lượng cao, nhanh chóng, tiện lợi.

Hiện nay, Việt Nam đang trong thời kỳ đẩy nhanh đô thị hóa với tốc độ nhanh nhất ở Đông Nam Á (tăng đều 3.4%/năm): Mục tiêu năm 2020 dân số đô thị khoảng 44 triệu người (hiện tại 32.3 triệu năm 2016), chiếm 45% dân số đô thị cả nước, năm 2025 dân số đô thị khoảng 52 triệu người, chiếm 50% dân số đô thị cả nước tạo nền tảng cho sự phát triển hạ tầng và đô thị, cũng như các ngành – lĩnh vực có liên quan, thúc đẩy tăng trường GDP hàng năm và thu hút nhiều hơn dòng vốn FDI vào Việt Nam.

Phạm Lê Cường

Giám đốc Trung tâm Chứng nhận Phù hợp (QUACERT)

Tổng cục Tiêu chuẩn Đo lường Chất lượng