📞

TPHCM cần tiếp tục đột phá về cải cách hành chính

20:00 | 26/09/2016
Đây là ý kiến chỉ đạo của Uỷ viên Bộ Chính trị, Phó Thủ tướng Thường trực Chính phủ Trương Hoà Bình, Trưởng Ban chỉ đạo Cải cách hành chính của Chính phủ tại cuộc làm việc với TPHCM về công tác cải cách hành chính (CCHC), chiều 26/9.

Tham dự cuộc làm việc của Phó Thủ tướng Thường trực Chính phủ có Uỷ viên Bộ Chính trị, Bí thư Thành uỷ TPHCM Đinh La Thăng, Chủ tịch UBND TPHCM Nguyễn Thành Phong, lãnh đạo các bộ, ngành Trung ương và sở, ngành của TP.

Theo ông Trần Vĩnh Tuyến, Phó Chủ tịch UBND TPHCM, thời gian qua TP  đã tập trung thực hiện nghiêm túc công tác CCHC gắn với việc xây dựng chính quyền điện tử và triển khai xây dựng Đề án xây dựng TPHCM trở thành TP thông minh” nhằm tạo sự minh bạch, thuận lợi cho người dân, doanh nghiệp và đến năm 2020, thực hiện 100% dịch vụ công cấp độ 4 và liên thông điện tử 100%. Đồng thời phối hợp với các tổ chức chính trị xã hội tăng cường công tác giám sát, đánh giá của người dân và doanh nghiệp trong thực hiện các thủ tục hành chính (TTHC).

TP tiếp tục thực hiện CCHC một cách đồng bộ trên các lĩnh vực theo quy định, với mục tiêu “xây dựng chính quyền điện tử chuyên nghiệp, dân chủ, hiện đại, năng động, hiệu quả, phục vụ nhân dân một cách không điều kiện”. Cải cách mạnh mẽ TTHC, tạo môi trường đầu tư kinh doanh thuận lợi, minh bạch, bình đẳng, thông thoáng, nâng cao năng lực cạnh tranh của TP, xây dựng đội ngũ cán bộ có phẩm chất, năng lực và chuyên nghiệp đáp ứng yêu cầu xây dựng và phát triển bền vững, hội nhập quốc tế, tiến tới xây dựng TP thông minh, phục vụ tất cả các yêu cầu của tổ chức, cá nhân.

Cụ thể, TP đã khảo sát ý kiến người dân và doanh nghiệp bằng hệ thống điện tử, đẩy mạnh công tác tuyên truyền hỗ trợ CCHC và cải cách TTHC, thành lập các đoàn kiểm tra việc triển khai công tác CCHC, ứng dụng quản lý chất lượng, gửi “thư xin lỗi” người dân do trễ hẹn hồ sơ, đột xuất kiểm tra thái độ công chức trong tiếp nhận hồ sơ tại cơ sở, triển khai đánh giá chỉ số CCHC…

Theo Phó Chủ tịch UBND TP Trần Vĩnh Tuyến, đến nay cơ chế một cửa và một cửa liên thông tiếp tục được các cơ quan, đơn vị đẩy mạnh thực hiện mạnh mẽ, tạo chuyển biến tích cực, hiệu quả trong giải quyết TTHC cho người dân, doanh nghiệp theo hướng công khai, minh bạch, thuận lợi. Đến nay, các sở, ngành và 24 quận, huyện, 332 xã phường, thị trấn đã thành lập bộ phận tiếp nhận và trả kết quả để áp dụng mô hình một cửa và một cửa liên thông, kết hợp với ứng dụng công nghệ thông tin.

(Ảnh: VGP/Lê Sơn)

Để thực hiện hiệu quả chương trình đột phá CCHC, Chủ tịch UBND TP Nguyễn Thành Phong cho biết: TP đang triển khai xây dựng TP thông minh như xây dựng cơ sở dữ liệu dùng chung, chính quyền điện tử, dân số thực tế sinh sống khoảng 13 triệu người nên cần có giải pháp xây dựng TP thông minh là hết sức cần thiết, xây dựng đội ngũ công chức tận tâm, tận lực với dân, quyết liệt tạo thông thoáng trong kinh doanh và đầu tư nên TP hy vọng đến năm 2020 có khoảng 500.000 doanh nghiệp đăng ký hoạt động.

Góp ý tại cuộc làm việc, lãnh đạo các bộ, ngành Trung ương đánh giá cao những đột phá trong chương trình CCHC của TP như đăng ký kinh doanh qua mạng cách đây hơn 10 năm với hơn 50% doanh nghiệp được đăng ký kinh doanh qua mạng (phấn đấu 100%), cung cấp 70% các dịch vụ hành chính công trực tuyến mức độ 3 và 30% mức độ 4 (hẹn giờ đăng ký doanh nghiệp qua tổng đài 1080), rút ngắn thời gian giải quyết thủ tục đăng ký đầu tư (giảm 30% so với quy định của Luật Đầu tư), ứng dụng công nghệ thông tin đã giải quyết một khối lượng công việc lớn của các sở ngành, quận huyện, chương trình vi mạch của TP được đánh giá cao trong ứng dụng thực tế...

Phát biểu tại cuộc làm việc, Phó Thủ tướng Thường trực Chính phủ Trương Hoà Bình tán thành với 7 đột phá của TP, trong đó có lĩnh vực CCHC góp phần xây dựng TP ngày càng phát triển mạnh mẽ, hội nhập vững chắc cũng như tạo sự lan toả đến nhiều địa phương khác.

Phó Thủ tướng cho rằng, TP đã tập trung chỉ đạo thực hiện đồng bộ, hiệu quả công tác CCHC một cách quyết liệt, nhiều cách làm mới, sáng tạo. Ban hành kế hoạch CCHC hằng năm, cải thiện môi trường đầu tư kinh doanh, tạo điều kiện cho người dân và doanh nghiệp khi tiếp cận các TTHC.

Đến nay, TP đã hoàn thành việc thống kê, rà soát và chuẩn hoá dữ liệu về TTHC trên cơ sở dữ liệu quốc gia về TTHC theo nhiệm vụ được giao. Cơ chế một cửa đã được triển khai tại 100% cơ quan hành chính nhà nước, TP đã tổ chức đối thoại giữa doanh nghiệp và chính quyền TP về các lĩnh vực như thuế, hải quan, lao động, bảo hiểm, thương mại, đầu tư, CCHC… nhằm tháo gỡ những khó khăn, vướng mắc trong sản xuất, kinh doanh của doanh nghiệp.

Việc rà soát, sắp xếp lại tổ chức bộ máy được TP quan tâm thực hiện theo tinh thần giảm đầu mối, tinh gọn, hiệu lực, hiệu quả, chủ động đẩy mạnh phân cấp, xác định rõ trách nhiệm của từng cấp, từng ngành. Việc ứng dụng công nghệ thông tin trong hoạt động quản lý, chỉ đạo, điều hành, cung cấp dịch vụ công được đẩy mạnh. Đã xây dựng và cung cấp 426 dịch vụ công trực tuyến mức độ 3 và 58 dịch vụ công mức độ 4, áp dụng quản lý hồ sơ hành chính theo tiêu chuẩn ISO 9001-2008 (hệ thống cho phép cảnh báo những hồ sơ quá hạn và công khai thông tin tình hình xử lý hồ sơ của cấp quận, huyện, sở, ngành).

Tuy nhiên, Phó Thủ tướng cũng thẳng thắn chỉ ra những hạn chế, yếu kém cần khắc phục. Đó là, việc chấp hành kỷ luật, kỷ cương hành chính, đạo đức công vụ của một số cán bộ, công chức tại một số nơi còn chưa nghiêm; việc tổ chức cải cách TTHC trong các lĩnh vực còn bất cập, đặc biệt là lĩnh vực đất đai, thời gian thực hiện còn kéo dài; việc tinh giản biên chế đến tháng 7/2016 đã tinh giản được 129 người, chưa đạt tỉ lệ 1,5% theo Nghị quyết 39-NQ/TW của Bộ Chính trị về tinh giản biên chế; chỉ số CCHC năm 2015 bị tụt hạng so với các năm trước (xếp 18/63), chỉ số năng lực cạnh tranh cấp tỉnh cũng tụt (6/63), chi phí không chính thức chỉ đạt 4,19 điểm (xếp 51/63 tỉnh, thành), điều này cho thấy cộng đồng doanh nghiệp đánh giá chưa tốt về môi trường kinh doanh của TP. Các chỉ số khác như chỉ số quản trị và hành chính công cấp tỉnh (PAPI) xếp 47/63 tỉnh, thành, có tới 53,3% doanh nghiệp cho biết đã phải trả chi phí không chính  thức khi thực hiện thủ tục hải quan.

Về nhiệm vụ, giải pháp chủ yếu trong thời gian tới của TP, Phó Thủ tướng Thường trực lưu ý, TP cần nỗ lực triển khai những nhiệm vụ, giải pháp đột phá CCHC. Theo đó, “TP cần có nhiều doanh nghiệp lớn để đóng góp cho ngân sách nhà nước và tạo điều kiện cho giới trẻ khởi nghiệp tốt hơn với các chính sách hỗ trợ cụ thể về TTHC, tài chính, với sự nỗ lực của cá nhân để doanh nghiệp khởi nghiệp phát triển mạnh mẽ hơn”, Phó Thủ tướng nhấn mạnh.

Cần đơn giản hoá và công khai hoá TTHC, nhất là thủ tục liên quan đến người dân và doanh nghiệp, gắn CCHC với đẩy mạnh ứng dụng công nghệ thông tin trong hoạt động của cơ quan nhà nước, phấn đấu hoàn thành các mục tiêu xây dựng chính quyền điện tử. Thực hiện việc xin lỗi công dân đối với các hồ sơ trễ hẹn.

Bên cạnh đó, TP cần đẩy mạnh thực hiện trao đổi văn bản giữa các cơ quan hành chính nhà nước dưới dạng điện tử, bảo đảm thực hiện thường xuyên hệ thống thư điện tử trong trao đổi công việc, nâng mức độ cung cấp dịch vụ công, cung cấp đầy đủ thông tin trên Cổng thông tin điện tử theo quy định.

 “TP sớm khắc phục những nhược điểm, hạn chế trong thực hiện CCHC, nhất là về TTHC, về tinh thần trách nhiệm, kỹ năng tác nghiệp và thái độ ứng xử của cán bộ, công chức tại các bộ phận một cửa, một cửa liên thông, xử lý nghiêm khắc và kịp thời các trường hợp vi phạm”, Phó Thủ tướng nêu rõ.

Đồng thời, TP cần tiếp tục đẩy mạnh chế độ công vụ, công chức, thực hiện tinh giản biên chế theo Nghị quyết của Bộ Chính trị; hoàn thiện tổ chức các cơ quan chuyên môn theo hướng tinh gọn, hiệu lực, hiệu quả, đổi mới tổ chức và hoạt động đơn vị sự nghiệp công lập; thực hiện nghiêm quy định về tuyển dụng, bổ nhiệm, quản lý công chức, bảo đảm khách quan, minh bạch.

 * Cũng trong chiều nay, Phó Thủ tướng Thường trực đã kiểm tra công tác CCHC tại Sở KH&ĐT TP.