Trên thực tế, cử tri không phải đợi đến khi Trump đắc cử mới biết quan điểm của ông về Hiệp định đối tác xuyên Thái Bình Dương (TPP), bởi lẽ phát ngôn của ông Trump về TPP vẫn "trước sau như một".
Các nước tham gia TPP. (Nguồn: Dawanews) |
Trong quá trình tranh cử, ông Trump quyết liệt phản đối các hiệp định thương mại hiện có, trong đó có TPP, cho rằng các Hiệp định này không mang lại lợi ích cho người lao động Mỹ, khiến việc làm rơi vào tay các quốc gia khác như Trung Quốc, Mexico. Sau khi đắc cử, ông tái khẳng định quan điểm bằng tuyên bố sẽ bãi bỏ TPP trong ngày đầu tiên làm việc tại Nhà Trắng. Thay vào đó, ông và ê-kíp của mình sẽ thúc đẩy đàm phán những hiệp định song phương mới công bằng hơn, bất chấp sự phản đối của các hiệp hội, doanh nghiệp, các nghị sỹ và quan chức của Chính quyền đương nhiệm.
Bộ trưởng Thương mại được Trump lựa chọn, ông Wilbur Ross cũng đồng quan điểm khi nhấn mạnh việc giảm hàng rào thuế quan trong TPP là “ảo tưởng” và TPP có “quy định kinh khủng về nguồn gốc xuất xứ”. Stephen Moore, Cố vấn kinh tế của ông Trump cho biết Tổng thống đắc cử Mỹ đang cân nhắc thúc đẩy thỏa thuận thương mại song phương với từng nước, trong đó có Trung Quốc, Anh, Singapore... để thay thế cho các thỏa thuận đa phương như TPP.
Mới đây, ông Trump tuyên bố thành lập Hội đồng Thương mại Quốc gia - một cơ quan hoàn toàn mới thuộc Nhà Trắng. Hiện nhiệm vụ của cơ quan này vẫn là câu hỏi lớn. Tuy nhiên, người ta bắt đầu nghĩ đến viễn cảnh của sự chồng chéo vai trò với Cơ quan Đại diện Thương mại Mỹ (USTR). Để trấn an dư luận, Cố vấn truyền thông cao cấp của Trump, Sean Spicer mới đây cho biết USTR vẫn sẽ là “nhà đàm phán chính” trong các thỏa thuận thương mại. Dù vậy, việc tạo thêm một cơ quan mới với sự phân vai chưa rõ ràng chắc chắn sẽ tạo một hướng đi mới mẻ, khác biệt cho chính sách kinh tế - thương mại của Mỹ so với thời Tổng thống Obama.
Ông Peter Navarro được ông Trump chỉ định là người đứng đầu Hội đồng Thương mại Quốc gia. (Nguồn: OCRegister) |
Thêm vào đó, việc lựa chọn Đại sứ Lighthizer - nguyên Phó Đại diện Thương mại Mỹ dưới thời Tổng thống Reagan - vào vị trí Đại diện Thương mại Mỹ cũng hướng tới mục tiêu "song phương hóa” các thỏa thuận thương mại của Trump.
Khi khả năng Mỹ rút lui khỏi TPP vẫn còn là phỏng đoán, dư luận bắt đầu quay sang tìm hiểu nguồn cơn vì sao ông Trump không thích TPP. Thứ nhất, theo Trump, TPP sẽ làm người lao động Mỹ, đặc biệt trong lĩnh vực nông nghiệp và sản xuất ô tô mất việc làm cũng như khiến nhiều công ty Mỹ phải đóng cửa do không cạnh tranh được với nguồn lao động dồi dào và giá nhân công thấp tại các nước đang phát triển. Thứ hai, TPP sẽ không khuyến khích các công ty Mỹ tiếp tục áp dụng sáng kiến mới để giảm chi phí. Thứ ba, nguyên tắc "bó đũa" được ông Trump áp dụng trong trường hợp TPP: nếu đàm phán cả gói 12 nước thì thỏa thuận đạt được sẽ không thể tốt hơn đàm phán riêng lẻ.
Tóm lại, lý do mà ông Trump phản đối TPP liên quan đến "việc làm" cho người Mỹ và "lợi nhuận" cho nước Mỹ. Nếu nhìn rộng hơn, có thể thấy ông Trump không chỉ nhắm vào TPP mà trái lại, ông chĩa mục tiêu vào bất cứ ý định hay kế hoạch nào nhằm cướp đi "việc làm" và "lợi nhuận" của Mỹ.