📞

TPP: Triển vọng và thách thức đối với Mỹ và Nhật Bản

10:56 | 13/10/2015
Hiệp định đối tác Xuyên Thái Bình Dương (TPP) giúp Tổng thống Mỹ Barack Obama tái khẳng định chính sách “Xoay trục” về châu Á và Thủ tướng Nhật Bản Shinzo Abe định hình chiến lược kinh tế Abenomics 2.0. TPP cũng là một cơ chế mở, luôn chào đón “chú voi trong phòng” – Trung Quốc, để cùng hướng tới xây dựng một khu vực châu Á phát triển, thịnh vượng.
Hiệp định TPP đã chính thức hoàn tất, ngày 5/10. (Nguồn: Reuters)

Đó là những chia sẻ của ông Davin Stewart, chuyên gia nghiên cứu quan hệ quốc tế cao cấp của Nhật Bản với tờ The Diplomat ngày 9/10 vừa qua. TG&VN xin giới thiệu bài phỏng vấn này.

Thưa ông, 12 quốc gia khu vực Thái Bình Dương, trong đó có Mỹ và Nhật Bản đã thông qua thỏa thuận lịch sử TPP. Theo ông, điều này có ý nghĩa như thế nào đối với Mỹ - nước xác định TPP như một phần quan trọng của chính sách “Xoay trục” về châu Á năm 2011?

Việc 12 nước vượt qua nhiều khó khăn để đạt được thỏa thuận, nhất là việc dung hòa được lợi ích các quốc gia trên bàn đàm phán là một thành tựu lớn. Do vậy, nếu TPP được thông qua tại Quốc hội các nước thành viên sẽ tạo ra cho Mỹ cơ hội thúc đẩy ảnh hưởng của mình đối với tương lai khu vực châu Á đang định hình. TPP có thể trở thành thành tựu đối ngoại to lớn nhất của Tổng thống Obama, sánh ngang với các thành tựu khác như việc đạt được thỏa thuận hạt nhân Iran, bình thường hóa quan hệ với Cuba và ủng hộ Myanmar trong quá trình chuyển đổi sang nền dân chủ.

Hơn nữa, TPP sẽ củng cố uy tín và sự vững vàng trong chiến lược “Xoay trục” và tái cân bằng tại châu Á của Chính quyền Tổng thống Obama. TPP cho thấy, chiến lược “Xoay trục” không chỉ dừng lại ở lĩnh vực quân sự với sự dịch chuyển của các tàu sân bay. Đây là một chính sách toàn diện bao gồm các lĩnh vực kinh tế, ngoại giao và an ninh.

Là một chuyên gia kinh tế, ông có thể cho biết mức độ nhận thức về TPP ở nước mình? Được biết, Thủ tướng Shinzo Abe rất háo hức trước việc thông qua Hiệp định, trong khi các nhóm lợi ích cũng như các bên liên quan của Nhật Bản vẫn đang tỏ ra quan ngại với một số điều khoản của hiệp định này?

Nhật Bản cũng giống như bất kỳ nền dân chủ nào, trước mỗi hiệp định quan trọng đều có đa dạng luồng ý kiến được đưa ra trong nước. Chắc chắn, một số người sẽ xem TPP là mối đe dọa cho các ngành truyền thống như sản xuất gạo và lo ngại toàn cầu hóa sẽ ảnh hưởng tới các công ty trong nước. Tuy nhiên, giới lãnh đạo Nhật Bản ủng hộ TPP, coi đây là một động lực nhằm đối mặt với sự trỗi dậy của Trung Quốc và là một cách “giữ chân” sự hiện diện của đồng minh Mỹ trong khu vực. Ngoài ra, TPP còn được Tokyo xem như một công cụ để gia tăng ảnh hưởng tại châu Á trong vai trò chủ động của “người ra luật chơi” và thể thúc đẩy quá trình cải cách tới cùng nền kinh tế trong nước.

Việc bãi bỏ một số quy định đối với thị trường Nhật Bản đã được thực hiện trong nhiều thập kỷ qua, cũng như ý tưởng về một hiệp định thương mại tự do FTA Mỹ - Nhật Bản đã được đưa ra từ những năm 1980. TPP có thể giúp Thủ tướng Shinzo Abe thực hiện được những kế hoạch kinh tế vốn đang gặp nhiều vướng mắc trong nước. Thứ nhất, với TPP, Nhật Bản có thể nhận được một số nhượng bộ đối với ngành sản xuất gạo vốn rất nhạy cảm của nước này. Vì vậy, với nông dân nước này, Thủ tướng Shinzo Abe được xem như một người hùng. Thứ hai, TPP khi được các Quốc hội thông qua cũng sẽ tạo nền tảng cho chính sách kinh tế Abenomics của ông Abe và giúp ông định hình cho chính sách Abenomics 2.0. Thời điểm này cũng rất thuận lợi để ông Abe thúc đẩy nghị viện thông qua TPP.

Theo ông, đâu là những khó khăn đối với Nhật Bản và Mỹ trong quá trình phê chuẩn TPP trong thời gian tới?

Thủ tướng Abe có một số lợi thế về chính trị khi nhận được nhiều sự ủng hộ tích cực trong nước. Tuy nhiên, ông vẫn cần phải thuyết phục các thành viên trong nghị viện, những người phản đối TPP. Còn ông Obama có lẽ sẽ gặp nhiều khó khăn hơn trước một Quốc hội khá phức tạp và khi cuộc bầu cử Tổng thống Mỹ đang tới gần. Tuy nhiên, năm 1993, Tổng thống Clinton cũng đã thông qua được NAFTA trong một hoàn cảnh tương tự Tổng thống Obama hiện nay.

Một thách thức lớn khác đối với Tổng thống Obama là công chúng Mỹ tỏ ra hoài nghi với các thỏa thuận tự do thương mại và toàn cầu hóa kể từ sau NAFTA được ký kết, minh chứng là cuộc biểu tình tại Seattle chống lại WTO năm 1999. Tuy nhiên, tôi vẫn cho rằng, TPP vẫn sẽ được Quốc hội Mỹ thông qua nếu như đa số nghị sĩ trong Quốc hội nhận biết được những lợi ích của TPP đối với kinh tế và an ninh, đặc biệt trong bối cảnh Trung Quốc trỗi dậy ngày một mạnh mẽ và quyết đoán.

Với trường hợp của “chú voi trong phòng” – Trung Quốc, theo ông, Trung Quốc có thể sẽ tham gia TPP?

Việc Trung Quốc tham gia TPP được các nước thành viên kỳ vọng. Một cấu trúc mở để các nước khác tham gia là một cơ chế cần thiết để các nước nghĩ rằng, TPP không loại bỏ Trung Quốc và ép buộc các quốc gia khác phải lựa chọn giữa Trung Quốc và phương Tây. Kể cả Washington cũng không muốn một TPP không có Trung Quốc để tránh rơi vào tình trạng đối đầu nước lớn như trong chiến tranh Lạnh.

Hiện nay, Trung Quốc cũng đang thể hiện năng lực xây dựng một thể chế khu vực thông qua thành lập Ngân hàng Đầu tư Hạ tầng châu Á (AIIB). Nhật Bản và Mỹ cũng đang cân nhắc việc tham gia AIIB. Việc Trung Quốc tham gia TPP và Mỹ, Nhật tham gia AIIB sẽ góp phần xây dựng một khu vực phát triển, thịnh vượng chung.

Phạm Hằng (theo The Diplomat)