Tỉnh Trà Vinh nằm ở phía Đông Nam của vùng Đồng bằng sông Cửu Long, nằm giữa 2 con sông lớn là sông Cổ Chiên và sông Hậu. Phía Bắc giáp với tỉnh Vĩnh Long, phía Đông và Đông Bắc giáp tỉnh Bến Tre bởi sông Cổ Chiên, phía Tây và Tây Nam giáp tỉnh Sóc Trăng bởi Sông Hậu, phía Đông giáp biển Đông. |
Thời kỳ phát triển kinh tế-xã hội giai đoạn 2016-2020, Trà Vinh đã gặt hái được nhiều thành công với những điểm nhấn đáng khích lệ, tạo động lực mạnh mẽ và nền móng vững chắc để thực hiện các nhiệm vụ phát triển kinh tế-xã hội trong 5 năm tiếp theo của giai đoạn 2021-2025.
Trà Vinh - Trung tâm kinh tế của Đồng bằng sông Cửu Long tương lai. |
Tin tưởng rằng, với sự chung sức, đồng lòng của cả hệ thống chính trị, người dân và doanh nghiệp, Trà Vinh sẽ tiếp tục nỗ lực phấn đấu và hoàn thành xuất sắc các mục tiêu mới.
Giai đoạn phát triển mới, mục tiêu mới
Giai đoạn từ 2016-2020, ngành công nghiệp Trà Vinh thu hút nhiều doanh nghiệp FDI đầu tư phát triển ở nhiều ngành nghề mới, nhu cầu lao động đa dạng, hình thành nhiều sản phẩm mới, thị trường tiêu thụ có ở khắp các quốc gia thuộc các châu lục.
Với lợi thế bờ biển dài 65 km và triển khai Quy hoạch phát triển điện gió của Chính phủ, tính đến cuối năm 2020 tỉnh Trà Vinh đã cấp chủ trương đầu tư cho 9 dự án với tổng công suất 666 MW, dự kiến cuối năm 2021 đưa vào vận hành 5 dự án với tổng công suất 270 MW.
Trà Vinh sở hữu đầy đủ yếu tố thuận lợi để trở thành một trong những Trung tâm sản xuất năng lượng tái tạo trong vùng, cũng như hoà vào lưới điện quốc gia.
Phát huy lợi thế địa lý, đầy đủ điều kiện để đầu tư, khai thác cảng nước sâu gắn với phát triển đồng bộ hệ thống logistics, lâu dài Trà Vinh sẽ là cửa ngõ thông quan của khu vực ĐBSCL với đầy đủ hệ thống cảng sông, biển và đường hàng hải cho tàu biển có trọng tải lớn vào sông Hậu.
Tuyến hàng hải này đóng vai trò là huyết mạch ổn định lâu dài, nâng cao thu hút đầu tư vào các khu công nghiệp, khu kinh tế và trở thành cửa ngõ giao thương quan trọng của khu vực ĐBSCL đến các khu vực khác trong cả nước và thế giới bằng đường thủy, tạo động lực mới trong phát triển kinh tế địa phương.
Theo quy hoạch phát triển hệ thống cảng biển Việt Nam đến năm 2020, định hướng đến năm 2030 thì hệ thống cảng biển Trà Vinh là cảng tổng hợp địa phương loại II, bao gồm: Bến cảng Trà Cú (tiếp nhận tàu từ 10.000 - 20.000 tấn giảm tải), Bến cảng Định An (tiếp nhận tàu từ 30.000 - 50.000 tấn), Bến cảng Duyên Hải và Bến cảng đầu mối tiếp nhận than cho các nhà máy nhiệt điện (cảng ngoài khơi).
Không những thế, hạ tầng giao thông đường bộ tại Trà Vinh cũng rất phát triển với 4 tuyến Quốc lộ chính là 53, 53B, 54 và 60, kết nối tỉnh Trà Vinh thông suốt với Thành phố Hồ Chí Minh và các tỉnh trong khu vực ĐBSCL.
Song song đó, ngành du lịch Trà Vinh có nhiều điều kiện khai thác và phát triển. Ngoài những cảnh đẹp thiên nhiên rừng ngập mặn, nhiều cồn, cù lao nằm giữa sông Tiền, sông Hậu, Trà Vinh còn sở hữu những thắng cảnh nổi tiếng, cùng nhiều di tích lịch sử, kiến trúc cổ, di sản văn hóa và những cảnh quan sông nước miệt vườn, kết hợp với các dự án điện gió… tạo nên những điểm tham quan, nghỉ dưỡng lý tưởng.
Về nguồn nhân lực, cùng với lực lượng lao động dồi dào (khoảng 620.000 người trong độ tuổi lao động), hệ thống cơ sở đào tạo tại Trà Vinh được đầu tư bài bản, từ bậc đại học đến cao đẳng dạy nghề, đủ góp phần cung ứng lao động từ trình độ cao, kỹ năng đến phổ thông, cho thị trường lao động tại địa phương và khu vực.
Hội tụ đầy đủ “Thiên thời, Địa lợi, Nhân hoà”, Trà Vinh đang là “vùng đất vàng” cho các nhà đầu tư. Bước sang giai đoạn mới phát triển kinh tế-xã hội 5 năm giai đoạn 2021-2025, cùng với cả nước và thế giới, Trà Vinh đứng trước những thuận lợi cùng khó khăn đan xen.
Mặc dù vậy, Trà Vinh quyết tâm nâng cao năng lực lãnh đạo và sức chiến đấu của cả hệ thống chính trị, phát huy tính dân chủ và sức mạnh đại đoàn kết toàn dân tộc, ý chí tự lực, tự cường và khát vọng vươn lên.
Theo đó, tỉnh sẽ tiếp tục con đường đổi mới sáng tạo, tận dụng thành tựu của cuộc cách mạng công nghiệp lần thứ tư, huy động và sử dụng có hiệu quả các nguồn lực, gắn với liên kết vùng, thúc đẩy phát triển nhanh và bền vững, thích ứng với biến đổi khí hậu.
Trà Vinh phấn đấu đạt chuẩn Nông thôn mới trước năm 2025 và trở thành tỉnh phát triển trong nhóm đầu của khu vực ĐBSCL trước năm 2030.
Phát huy thế mạnh về biển
Khu Kinh tế Định An là một trong 8 Khu kinh tế ven biển của cả nước được Thủ tướng Chính phủ phê duyệt ưu tiên đầu tư, với tổng diện tích tự nhiên là 39.020 ha.
Sau Giai đoạn 1 đến năm 2020 là 15.403,7 ha là khu kinh tế đa ngành, đa lĩnh vực gắn với kinh tế biển; đã thực hiện lập quy hoạch phân khu: Khu phi thuế quan (501 ha), Khu công nghiệp Ngũ Lạc (936 ha), Khu dịch vụ công nghiệp Ngũ Lạc (305 ha)… Khu Kinh tế Định An được quy hoạch khu ngoại quan, khu phi thuế quan, logistics, kho đông lạnh… phục vụ cho khu kinh tế và xuất nhập khẩu trong tương lai.
Với những hiệu quả kinh tế biển đem lại trong giai đoạn 2016-2020, Trà Vinh tự tin đặt ra mục tiêu phấn đấu xây dựng tỉnh trở thành Trung tâm kinh tế biển của vùng ĐBSCL.
Tỉnh đã xác định vùng phát triển kinh tế biển gồm khu vực ven biển các huyện Duyên Hải, Cầu Ngang, Châu Thành, Trà Cú, đặc biệt là thị xã Duyên Hải với các giải pháp đẩy mạnh công nghiệp hóa, hiện đại hóa, nâng cao năng suất, chất lượng và hiệu quả cạnh tranh.
Để làm được điều đó, tỉnh đã lên phương án chủ động rà soát, điều chỉnh và xây dựng đồng bộ các chiến lược, quy hoạch, kế hoạch liên quan đến phát triển kinh tế biển theo hướng quản lý tổng hợp, phù hợp với hệ sinh thái biển, bảo đảm sự gắn kết hài hòa giữa bảo tồn và phát triển các vùng đất liền, vùng ven bờ, vùng biển của tỉnh và các tỉnh lân cận.
Bên cạnh đó, Trà Vinh tập trung phát triển nuôi trồng, khai thác và chế biến hải sản, khuyến khích các hoạt động nuôi trồng, khai thác hải sản bền vững gắn với bảo vệ, tái sinh nguồn lợi thủy hải sản; đầu tư, đẩy mạnh ứng dụng khoa học - công nghệ tiên tiến trong nuôi trồng.
Song song với đó, tỉnh đẩy mạnh phát triển du lịch biển, tập trung đầu tư hạ tầng, tạo điều kiện để các thành phần kinh tế tham gia phát triển du lịch sinh thái, du lịch cộng đồng…
Lễ hội Ok Om Bok, nét văn hóa đặc sắc của Trà Vinh. |
Xây dựng, phát triển đa dạng hóa các sản phẩm, chuỗi sản phẩm, thương hiệu du lịch biển, bảo tồn và phát huy giá trị di sản văn hóa, lịch sử để thu hút khách.
Phát triển các ngành công nghiệp ven biển, ưu tiên phát triển các ngành công nghiệp công nghệ cao, thân thiện môi trường.
Phát triển các ngành công nghiệp sửa chữa và đóng tàu, năng lượng, cơ khí chế tạo, công nghiệp chế biến, công nghiệp phụ trợ. Quan tâm phát triển một số ngành kinh tế dựa vào khai thác tài nguyên đa dạng sinh học biển.
Đặc biệt chú trọng đầu tư cảng nước sâu và các bến tàu thủy nội địa phù hợp với hệ thống cảng biển đã được duyệt tại Quyết định số 1037/QĐ-TTg ngày 24/6/2014 của Thủ tướng Chính phủ, đảm bảo kết nối giao thông với các tỉnh, thành phố trong khu vực và quốc tế.
Tăng cường xúc tiến, kêu gọi đầu tư phát triển dịch vụ vận tải biển, kho ngoại quan, logistics, khu phi thuế quan, khu dịch vụ công nghiệp, phát triển hệ thống phân phối hàng hóa.
Ngoài chính sách ưu đãi đầu tư của Trung ương, Trà Vinh còn có nhiều chính sách ưu tiên, ưu đãi cho các nhà đầu tư và doanh nghiệp. Bên cạnh đó, tỉnh cũng tạo lập môi trường đầu tư thông thoáng, công khai, minh bạch, giải quyết các thủ tục hành chính theo cơ chế “một cửa”, “một cửa liên thông”, rút ngắn thời gian thủ tục đầu tư.
Chỉ tiêu cụ thể được đặt ra trong giai đoạn 2021-2025 Phấn đấu đạt tốc độ tăng trưởng GRDP bình quân hàng năm từ 10-11%, trong đó: Khu vực nông, lâm nghiệp và thủy sản tăng 2,35%; khu vực công nghiệp, xây dựng tăng 14,48%; khu vực thương mại, dịch vụ tăng 7,69%. Đến năm 2025, GRDP bình quân đầu người tương đương 4.300 USD. Tỷ trọng nông nghiệp chiếm 23,75%; công nghiệp - xây dựng 46,16%; thương mại - dịch vụ 30,09%. Tỷ lệ đô thị hóa năm 2025 đạt 33%; 100% số xã đạt chuẩn nông thôn mới; tỷ lệ nghèo đa chiều duy trì mức giảm bình quân từ 1,5-2%/năm. |