Tổng thống Afghanistan Hamid Karzai tiếp Đại sứ Nguyễn Việt Hưng (bìa trái) tại Kabul. |
Pakistan được hình thành từ nền văn minh sông Indus, một trong những nền văn minh lâu đời nhất thế giới, có niên đại khoảng 5.000 năm. Với nguồn tài nguyên thiên nhiên phong phú, quốc gia lớn thứ 2 Nam Á này có thêm lợi thế vì nằm trên tuyến vận tải biển nối liền Thái Bình Dương, Ấn Độ Dương với biển Ả- Rập, ngay sát khu vực dầu lửa Trung Đông và Trung Á, nối liền châu Âu và Trung Đông với Nam Á và Đông Nam Á.
Từ mô hình phát triển kiểu mẫu
Trong những năm 1960, với mức tăng trưởng GDP trung bình 6,8%, Pakistan được coi là một mô hình phát triển kinh tế kiểu mẫu nhận được nhiều lời khen ngợi của cộng đồng quốc tế. Nhiều nước đã tìm cách để cạnh tranh với chiến lược quy hoạch kinh tế của Pakistan. Hàn Quốc đã sao chép mô hình Kế hoạch 5 năm và Trung tâm Tài chính thế giới của Karachi cho thành phố Seoul của họ.
Pakistan có một nền kinh tế bán công nghiệp, chủ yếu là ngành dệt may, hóa chất, chế biến thực phẩm, nông nghiệp và một số ngành công nghiệp phụ trợ khác. Kinh tế Pakistan phát triển tương đối đồng đều; khai thác dầu và khí đốt, chế tạo cơ khí và nông nghiệp… phát triển mạnh. Cực tăng trưởng kinh tế của Pakistan nằm dọc theo sông Indus. Karachi và Punjab là các trung tâm kinh tế đa dạng và trung tâm đô thị.
Đến những hệ lụy do xung đột
Nhưng trong vài thập kỷ gần đây, kinh tế Pakistan bị ảnh hưởng nghiêm trọng bởi các tranh chấp chính trị nội bộ, nạn khủng bố và xung đột tràn lan, dân số tăng nhanh và cuộc đối đầu với người láng giềng Ấn Độ. Những hệ lụy đó đã làm biến dạng phần nào hình ảnh tốt đẹp trước đây về một đất nước Nam Á giàu bản sắc đang trên đà phát triển. Xung đột sắc tộc tràn lan dẫn tới các vụ tấn công khủng bố gia tăng cả về mật độ và sự khốc liệt đã làm cho tình hình an ninh ngày một xấu đi. Chỉ tính từ năm 2008 đến nay, đã có khoảng 75.000 người Pakistan bị thiệt mạng bởi các vụ tấn công khủng bố và xung đột sắc tộc. Những yếu tố này đã làm cho nền kinh tế Pakistan trở nên tồi tệ, rơi từ mức tăng trưởng đỉnh cao 9% năm 2004 xuống dưới 3% trong những năm sau đó.
Từ 27 triệu đến 500 triệu USD
Quan hệ thương mại Việt Nam - Pakistan được hình thành từ cuối những năm 1970 nhưng kim ngạch tăng chậm, đạt 10 triệu USD vào năm 1999. Sự chuyển biến tích cực mới chỉ diễn khi hai nước mở lại Đại sứ quán thường trú và cùng có các biện pháp thiết thực thúc đẩy quan hệ. Nhờ đó, gia tốc của quan hệ thương mại hai bên đã tăng rất nhanh: 27 triệu USD năm 2000, 75 triệu USD năm 2005, lên 175 triệu USD năm 2009 và vọt lên mức 327,4 triệu USD năm 2011.
Có khả năng, thương mại song phương hai bên sẽ cán mốc 500 triệu USD trong tương lai gần bởi cơ cấu các mặt hàng xuất, nhập khẩu có lợi và phù hợp với chiến lược phát triển kinh tế của Việt Nam. Pakistan là nước nhập khẩu chè lớn nhất của Việt Nam và các sản phẩm thế mạnh khác như hạt tiêu, sợi các loại, cao su, hạt điều….Trong khi đó, các mặt hàng chủ lực ta nhập khẩu từ Pakistan là nguyên phụ liệu dệt may, da và giầy, bông, vải, sợi, tân dược, dụng cụ y tế, lúa mỳ, thức ăn gia súc...
Tuy nhiên, trong tương lai gần, xuất nhập khẩu giữa hai bên sẽ không chỉ dừng lại ở các mặt hàng truyền thống bởi tiềm năng của thị trường Pakistan còn rất lớn với các nhu cầu về hàng tiêu dùng khác như săm lốp các loại, máy tính, máy phát điện, hàng điện tử, đồ gỗ… Các nhà nhập khẩu Pakistan cũng đã bắt đầu quan tâm đến thị trường thuỷ, hải sản của Việt Nam. Việc đánh thức tiềm năng hợp tác Việt Nam- Pakistan mới chỉ là bắt đầu. Hy vọng rằng quan hệ kinh tế - thương mại hai nước sẽ có thêm xung lực mới để phát triển vào những năm tiếp theo, khi cả hai nền kinh tế thoát khỏi khủng khoảng, lấy lại đà tăng trưởng.
Bình yên nơi bom đạn
Bản thân tôi có nhiều trải nghiệm khó quên về những năm tháng làm việc tại Pakistan, cả những kỷ niệm ngọt ngào cũng như nỗi gian truân, nguy hiểm. Tôi đã có dịp viếng thăm nhiều nơi trên đất nước Pakistan, được đắm mình trong cảnh sắc thiên nhiên tươi đẹp cũng như vẻ nhộn nhịp, sầm uất của phố phường mang đậm màu sắc Nam Á. Đến đâu, tôi cũng được bạn bè Pakistan dành cho những tình cảm thân ái và tốt đẹp. Tôi luôn được các bạn Pakistan bắt tay thêm một lần nữa mỗi khi gặp gỡ vì họ muốn bày tỏ sự ngưỡng mộ với nhân dân Việt Nam.
Đại sứ quán ta ở Thủ đô Islamabad, cũng là nơi thường xuyên hứng chịu những vụ tấn công khủng bố. Năm 2008, khách sạn Marriot ở trung tâm Thủ đô, nơi các Đại sứ quán thường tổ chức sự kiện đã bị đánh bom. Hơn 1000 kg chất nổ chứa trên một xe tải đâm thẳng vào cổng ra vào đã san phẳng khách sạn, khiến nhiều người thiệt mạng, trong đó có một công dân Việt Nam. Mặc dù, Đại sứ quán ta không có điều kiện xây dựng hệ thống an ninh kiên cố và canh gác cẩn mật như các nước khác, nhưng chúng tôi không hề gặp sự cố an ninh nào.
Có lẽ, có được sự an toàn ở một nơi khá bất ổn như vậy cũng là nhờ tiếng tăm của dân tộc ta thời đánh Mỹ và chính sách đối ngoại hòa bình, muốn là bạn với tất cả của đất nước hiện nay. Mà không chỉ ở Pakistan, thậm chí, trong một chuyến đi công tác tại Kabul, Afghanistan, tôi còn được thủ lĩnh phiến quân Hồi giáo Mujahidin mời cơm tối tại nhà riêng. Bữa đó, tôi được Vụ trưởng lễ tân Bộ ngoại giao Afghanistan "tháp tùng", và chắc chắn, quanh bàn ăn hôm đó còn có các thủ lĩnh Taliban khác mà tôi không thể biết.
"Chia lửa" với những người bạn ASEAN
Ở Islamabad, ngoài các bạn bè quốc tế khác, chúng tôi còn có một cộng đồng các nước ASEAN gần gũi và ấm áp. Cùng với 6 Đại sứ quán ASEAN tại đây, chúng tôi tổ chức Ngày ASEAN, các giải thể thao ASEAN và luôn chia sẻ mọi vui buồn với nhau. Còn nhớ có lần các Đại sứ ASEAN được mời thăm nhà máy điện nguyên tử Chashmanup bằng trực thăng quân đội. Máy bay bay dọc theo địa hình đồi núi phía Bắc Pakistan mà dưới đó chắc chắn có các căn cứ của phiến quân Taliban. Chúng tôi nhìn nhau mỉm cười, nhưng người nào cũng thoáng rùng mình khi nghĩ tới những quả tên lửa của Taliban dưới mặt đất đang dõi theo.
Hồi tháng 5/2012, khi xẩy ra vụ xung đột giữa các nhóm người theo đạo Phật và đạo Hồi tại Myamar, Đại sứ nước này đã bị Taliban đe dọa. Đại sứ Myamar vốn là một vị tướng quân đội, ông tin tưởng Việt Nam nhất trong các nước ASEAN đã đến hỏi ý kiến tôi. Tôi khuyên ông đề cao cảnh giác nhưng vẫn nên giữ các hoạt động bình thường. Đại sứ Myanmar nghe theo và sau đó, khi tham gia các hoạt động, ông hay đến rủ tôi đi cùng và tôi luôn sẵn sàng. Tôi nghĩ, nếu bị Taliban tấn công, chúng tôi sẽ cùng "chia lửa" được cho nhau.
Một lần khác, khi tháp tùng chuyến thăm của một cán bộ cao cấp, mọi người trong Đoàn bảo tôi là toàn dấn thân vào chỗ khổ. Sau nghĩ lại, thấy họ nói rất đúng. Nhưng tôi nghĩ, nghề ngoại giao đâu chỉ có thảm đỏ và hoa hồng, đâu chỉ tới những địa bàn bình yên mà bạn chẳng bao giờ phải bận tâm vì những vụ đánh bom liều chết./.
Việt Nam và Pakistan thiết lập quan hệ ngoại giao từ tháng 11/1972. Hai nước đã mở Đại sứ quán và sau đó đều rút Đại sứ quán thường trú do khó khăn tài chính. Tháng 10/2000, Pakistan đã mở lại Đại sứ quán và cử Đại sứ thường trú tại Hà Nội. Ta đã mở lại Đại sứ quán tại Islamabad tháng 12/2005 và Văn phòng đại diện thương mại tại Karachi tháng 11 trước đó. Nhân dân Pakistan rất có thiện cảm với nhân dân Việt Nam. Những năm gần đây, quan hệ hai bên có nhiều chuyển biến mới, tích cực. Tháng 5/2001, Tổng thống Pakistan Pervez Musharraf đã sang thăm Việt Nam. Chủ tịch Trần Đức Lương thăm chính thức Pakistan tháng 3/2004... Đến nay, hai bên đã ký kết một loạt các Hiệp định và thỏa thuận làm cơ sở pháp lý cho hoạt động kinh tế-thương mại, hợp tác đầu tư và trao đổi văn hoá, giáo dục-đào tạo, chuẩn bị mở rộng sang các lĩnh vực công nghệ cơ bản, công nghệ thông tin...
Nguyễn Việt HưngĐại sứ Việt Nam tại Pakistan