Bộ trưởng Ngoại giao Bùi Thanh Sơn chủ trì Phiên thảo luận mở cấp Bộ trưởng về chủ đề “Bảo vệ cơ sở hạ tầng thiết yếu đối với sự sống của người dân” trên cương vị Chủ tịch HĐBA LHQ tháng 4/2021. (Ảnh: Nguyễn Hồng) |
Hai năm qua, tình hình chính trị - an ninh, kinh tế - xã hội quốc tế diễn biến nhanh chóng, phức tạp và khó lường với những thách thức “chưa từng có tiền lệ”, nhất là ảnh hưởng sâu rộng của đại dịch Covid-19 từ đầu năm 2020; cạnh tranh chiến lược nước lớn ngày càng gay gắt; căng thẳng kéo dài và gia tăng ở nhiều điểm nóng tại khu vực Trung Đông - Bắc Phi, Đông Phi, châu Á, châu Âu, Mỹ Latinh… cùng với đó là hệ lụy đa chiều của các thách thức an ninh phi truyền thống như biến đổi khí hậu, an ninh lương thực, an ninh nguồn nước, khủng bố, tội phạm xuyên quốc gia...
Trong bối cảnh đó, những đóng góp thực chất, thiết thực của Việt Nam vào công việc chung của HĐBA đã để lại nhiều dấu ấn về bản sắc và nghệ thuật ngoại giao đa phương Việt Nam, đóng góp lớn vào tổng thể triển khai đường lối đối ngoại của Đảng và Nhà nước và mang lại nhiều lợi ích thiết thực.
Chặng đường dài
Theo Thứ trưởng Ngoại giao Đặng Hoàng Giang, hai năm gần như là khoảng thời gian dài nhất của Việt Nam khi đảm nhiệm vai trò tại một tổ chức quốc tế đa phương trong thời gian gần đây. Tuy nhiên, quá trình chuẩn bị cho việc đảm nhiệm vai trò UVKTT HĐBA nhiệm kỳ 2020-2021 đã được tiến hành bài bản, công phu và bắt đầu ngay từ khi ta đảm nhiệm thành công nhiệm kỳ đầu tiên tại HĐBA năm 2008-2009.
13 tháng trước khi diễn ra bầu cử, tháng 5/2018, nhóm các nước châu Á - Thái Bình Dương tại LHQ đã nhất trí đề cử Việt Nam, một việc chưa có tiền lệ, thể hiện sự tin tưởng và coi trọng của các nước trong khu vực đối với Việt Nam. Và đến ngày 7/6/2019, trong khuôn khổ Khóa 73 Đại hội đồng LHQ, Việt Nam đã được tín nhiệm bầu làm UVKTT HĐBA nhiệm kỳ 2020-2021 với số phiếu cao kỷ lục (192/193 phiếu).
Tin liên quan |
Việt Nam tự tin, sẵn sàng gánh vác nhiều trọng trách quốc tế vì hòa bình và phát triển bền vững |
Với thông điệp chủ đề “Đối tác vì Hòa bình Bền vững”, không phụ sự kỳ vọng của các nước đối tác, bạn bè và cộng đồng quốc tế, trong hai năm tại HĐBA, Việt Nam đã tham gia bàn thảo, tìm giải pháp cho tất cả các vấn đề trong chương trình nghị sự HĐBA ở tất cả các khu vực; thúc đẩy đồng thuận chung, thúc đẩy hợp tác, đối thoại, giảm căng thẳng, đối đầu; tìm giải pháp công bằng, hợp lý cho các vấn đề đe dọa hòa bình, an ninh khu vực và quốc tế...
Ta đã thể hiện năng lực, phát huy vai trò dẫn dắt, đề xuất sáng kiến, trung gian hòa giải thông qua hai lần đảm nhiệm thành công vai trò Chủ tịch HĐBA tháng 1/2020 và tháng 4/2021; đề xuất, chủ trì soạn thảo, thương lượng, thông qua nhiều văn kiện quan trọng; tăng cường vai trò của các tổ chức khu vực trong phòng ngừa, giải quyết xung đột, thúc đẩy hợp tác giữa ASEAN và LHQ nói chung và với HĐBA nói riêng thông qua việc tổ chức Phiên thảo luận mở đầu tiên của HĐBA về hợp tác giữa ASEAN và LHQ (tháng 1/2020), đề cao vai trò của ASEAN trong thảo luận và văn kiện của HĐBA về vấn đề Myanmar…
Việt Nam cũng có cách tiếp cận tổng thể trong xử lý các thách thức về hòa bình an ninh từ phòng ngừa xung đột, giải quyết xung đột đến xử lý hậu quả xung đột, trong đó nhấn mạnh vấn đề giải quyết hậu quả bom mìn; thúc đẩy các vấn đề nhân đạo...
Việt Nam cũng có những đóng góp rất thiết thực khác đối với công việc của HĐBA, như việc cử Bệnh viện dã chiến cấp 2 số 3 tại Phái bộ Gìn giữ hòa bình (GGHB) LHQ tại Nam Sudan vào cuối tháng 3/2021; lần đầu tiên triển khai Đại đội công binh tại Phái bộ UNISFA ở Abyei (Sudan/Nam Sudan) và sắp tới cử cảnh sát dân sự…
Trong hai năm 2020-2021, HĐBA có gần 900 cuộc họp cấp Đại sứ trở lên, hàng nghìn cuộc tham vấn các cấp, thông qua 247 văn kiện (trong đó có 111 Nghị quyết, 37 Tuyên bố Chủ tịch, 100 Tuyên bố báo chí). |
Tạo niềm tin, tăng động lực
Việc đảm nhiệm thành công vai trò UVKTT HĐBA lần thứ hai là dấu ấn quan trọng và bước đi cụ thể nhằm tiếp tục triển khai chủ trương đa phương hóa, đa dạng hóa, “chủ động tham gia và phát huy vai trò tại các cơ chế đa phương, đặc biệt là ASEAN và LHQ” của Đảng và Nhà nước Việt Nam.
Thông qua tham gia HĐBA, Việt Nam tiếp tục đẩy mạnh hội nhập toàn diện, sâu rộng và hiệu quả trong hệ thống quản trị toàn cầu; góp phần nâng cao vai trò của Việt Nam trong xây dựng, định hình các thể chế đa phương và trật tự chính trị - kinh tế quốc tế và trong các vấn đề, các cơ chế quan trọng, có tầm chiến lược đối với lợi ích Việt Nam; làm sâu sắc thêm quan hệ song phương với các nước, các đối tác, LHQ và các tổ chức quốc tế/ khu vực, tăng cường hiệu quả hợp tác và quan hệ Đối tác toàn diện giữa ASEAN và LHQ.
Quá trình tham gia HĐBA cũng đã tạo niềm tin và động lực cho quần chúng, Đảng viên về thế và lực mới của đất nước, vai trò, vị thế quốc tế ngày càng được nâng cao, nỗ lực đóng góp tích cực vào sự nghiệp đổi mới và phát triển của đất nước.
Trưởng phái đoàn Việt Nam tại LHQ, Đại sứ Đặng Đình Quý tham gia cuộc họp của Hội đồng Bảo an thảo luận về tác động của vấn đề an ninh mạng, ngày 20/12. |
Các sự kiện điểm nhấn và sáng kiến do ta khởi xướng, thúc đẩy vừa hài hòa với lợi ích và quan tâm chung của cộng đồng quốc tế, vừa góp phần lan tỏa thông điệp về một đất nước Việt Nam yêu chuộng hoà bình, năng động, đổi mới và sẵn sàng đóng góp nhiều hơn nữa cho công việc chung đã được cộng đồng quốc tế ủng hộ và đánh giá cao.
Tổng thư ký LHQ António Guterres nhận xét “các nước bớt tranh cãi hơn trước” khi Việt Nam làm Chủ tịch HĐBA. Đại sứ Trưởng Phái đoàn thường trực Anh tại LHQ Barbara Woodward nhấn mạnh, “nếu không có Việt Nam, tôi nghĩ HĐBA có thể chệch hướng trong việc giải quyết những vấn đề cấp thiết”. Nhiều nước cũng cho rằng, tiếng nói của Việt Nam tại HĐBA là tiếng nói đại diện cho các nước đang phát triển, Không liên kết. Trong khi theo tờ Washington Times của Mỹ, “với sự cởi mở và gắn kết với thế giới, Việt Nam sẵn sàng có tiếng nói và vị trí nổi bật hơn trong LHQ”.
Tiếp tục nỗ lực
Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng trong bài phát biểu tại Hội nghị đối ngoại toàn quốc ngày 14/12 cho rằng, những kết quả và thành tích đạt được trong công tác đối ngoại đã góp phần rất quan trọng vào thành tựu chung to lớn, có ý nghĩa lịch sử của Đất nước ta sau 35 năm đổi mới.
Trong chỉ đạo tại Hội nghị, Tổng Bí thư cũng nhấn mạnh một trong những phương hướng triển khai thực hiện các nhiệm vụ đối ngoại là phát huy tối đa mọi yếu tố thuận lợi của đất nước để chủ động, tích cực tham gia đóng góp, xây dựng, định hình các cơ chế đa phương, thực hiện Chỉ thị số 25 của Ban Bí thư về nâng tầm công tác đối ngoại đa phương, coi đây là một định hướng chiến lược quan trọng, trong đó có việc xây dựng Chiến lược tổng thể về đối ngoại đến năm 2030.
Do đó, hành trình hai năm UVKTT HĐBA LHQ nhiệm kỳ 2020-2021 đã khép lại, nhưng nỗ lực tham gia các hoạt động trong các diễn đàn đa phương, nhất là việc thực hiện mục tiêu phát triển bền vững và tham gia lực lượng gìn giữ hòa bình của LHQ của Việt Nam sẽ được tiếp tục. Bên cạnh đó, cần phát huy các kết quả quan trọng đã đạt được, đặc biệt là phối hợp với các đối tác để thúc đẩy việc triển khai thực hiện các sáng kiến của Việt Nam đã được thông qua. Ngoài ra, điều quan trọng là cần rút ra những bài học kinh nghiệm, gợi ý chính sách/giải pháp nhằm thúc đẩy, nâng tầm công tác đối ngoại nói chung và ngoại giao đa phương nói riêng trong hiện thực hóa các mục tiêu, khát vọng phát triển đất nước đề ra tại Đại hội Đảng lần thứ XIII.
Trong hai năm nhiệm kỳ HĐBA, Việt Nam đã đề xuất và được HĐBA thông qua hai Nghị quyết về Gia hạn các cơ chế tòa án còn tồn đọng và Bảo vệ cơ sở hạ tầng thiết yếu; ba Tuyên bố Chủ tịch về Tôn trọng Hiến chương LHQ, Tăng cường quan hệ giữa LHQ với các tổ chức khu vực trong thúc đẩy xây dựng lòng tin và Giải quyết hậu quả bom mìn; một Tuyên bố báo chí về vụ tấn công khủng bố ở Indonesia; Tuyên bố Hà Nội về Phụ nữ, hòa bình và an ninh. Việt Nam cũng đã thúc đẩy một cách hiệu quả các sáng kiến khác trong khuôn khổ LHQ, như giới thiệu và thúc đẩy Đại hội đồng LHQ thông qua Nghị quyết về Ngày quốc tế phòng chống dịch bệnh; thành lập và đưa vào hoạt động Nhóm bạn bè Công ước LHQ về Luật biển (UNCLOS) với hơn 113 nước tham gia; tái cử thành công vào Ủy ban Luật pháp quốc tế LHQ (ILC) nhiệm kỳ 2021-2026; vận động ứng cử vào các cơ quan LHQ khác như Hội đồng Nhân quyền nhiệm kỳ 2023-2025. |
| Hội đồng Bảo an tháng 11: Đa dạng chủ đề thảo luận, Việt Nam khéo léo trước vấn đề phức tạp Trong tháng 11, Hội đồng Bảo an Liên hợp quốc (HĐBA LHQ) đã tiến hành 31 cuộc họp cấp Đại sứ trở lên về các ... |
| Hội đồng Bảo an họp định kỳ về tình hình Trung Đông, bao gồm vấn đề Palestine và thông qua một số nghị quyết Ngày 21/12, Hội đồng Bảo an Liên hợp quốc (HĐBA LHQ) họp định kỳ về tình hình Trung Đông, bao gồm vấn đề Palestine, và ... |