Lần đầu tiên, Đại hội Đảng có tầm nhìn thế kỷ bằng ba mốc kỷ niệm trọng đại, cũng là tiền lệ mới đưa ra các mục tiêu phát triển xen kẽ ngắn hạn (5 năm), trung hạn (10 năm) và dài hạn (25 năm). (Nguồn: Vietnamhoinhap) |
Đầu thập niên 40 của thế kỷ trước, khi Việt Minh vừa thành lập và bước vào công việc chuẩn bị trực tiếp cho cuộc tổng khởi nghĩa giành chính quyền, lãnh tụ Nguyễn Ái Quốc đã dự báo “1945 Việt Nam độc lập”[1].
Trong điều kiện của chiến tranh thế giới lần thứ II trở thành thời cơ chiến lược cho các dân tộc bị áp bức nổi dậy, Người đã hiện thực hóa những khẩu hiệu “nước An Nam độc lập” và “Việt Nam tự do” trong Sách lược vắn tắt của Đảng, Chương trình tóm tắt của Đảng[2] từ đầu năm 1930, thành nhiệm vụ mục tiêu, hành động cụ thể: “Dân ta xin nhớ chữ đồng: Đồng tình, đồng sức, đồng lòng, đồng minh!”[3].
Hơn 3 năm sau (1942-1945), với ý chí quyết tâm “dù phải đốt cháy cả dãy Trường Sơn cũng phải kiên quyết giành cho được độc lập”[4] cả dân tộc Việt Nam “tự ta giải phóng cho ta”, đưa đến sự ra đời nước Việt Nam dân chủ cộng hòa ngày 2/9/1945.
Cuối thập niên ấy, khi cuộc kháng chiến chống thực dân Pháp xâm lược còn đang trong thời kỳ cầm cự, Chủ tịch Hồ Chí Minh viết chuyện Giấc ngủ mười năm[5] với việc người thương binh trận đèo Bông Lau (1948) kể về giấc mơ gồm những dự định, kế hoạch về “Thi đua ái quốc, về “một trận khủng khiếp nhất” và “trận cuối cùng” trong chiến tranh, về cuộc “đàm phán tiến hành rất nhanh chóng” đưa đến “kháng chiến thắng lợi” tiến tới “Thống nhất và độc lập”…
Giấc ngủ mười năm là một dạng dự báo chiến lược với những mục tiêu của công cuộc kháng chiến kiến quốc, sát hợp với thực tế lịch sử, nhất là việc diễn ra trận quyết chiến chiến lược Điện Biên Phủ, đưa đến Hội nghị Geneva kết thúc thắng lợi cuộc kháng chiến trường kỳ lần thứ nhất (1945-1954).
Trong cuộc kháng chiến trường kỳ lần thứ hai, nhất là khi cả nước có chiến tranh (1965), chống Mỹ cứu nước là nhiệm vụ thiêng liêng của cả dân tộc, toàn Đảng, toàn quân và toàn dân nêu cao quyết tâm đánh thắng giặc Mỹ xâm lược, thực hiện mục tiêu chân lý “Không có gì quý hơn Độc lập tự do” và khát vọng (như Chủ tịch Hồ Chí Minh viết trong Di chúc) về “một nước Việt Nam hoà bình, thống nhất, độc lập, dân chủ và giàu mạnh, và góp phần xứng đáng vào sự nghiệp cách mạng thế giới”[6].
Chủ tịch Hồ Chí Minh khẳng định “nhân dân ta nhất định sẽ hoàn toàn thắng lợi. Đế quốc Mỹ nhất định phải cút khỏi nước ta. Tổ quốc ta nhất định sẽ thống nhất. Đồng bào Nam, Bắc nhất định sẽ sum họp một nhà”[7] và Người đưa ra dự kiến kết thúc chiến tranh theo phương cách “Đánh cho Mỹ cút, đánh cho ngụy nhào”[8].
Những mục tiêu và khát vọng ấy trở thành động lực và nguồn sức mạnh không thể gì địch nổi; mùa xuân năm 1975, nhân dân Việt Nam đã nhận được “vinh dự lớn là một nước nhỏ mà đã anh dũng đánh thắng hai đế quốc to - là Pháp và Mỹ; và đã góp phần xứng đáng vào phong trào giải phóng dân tộc”[9].
Phân loại các nước dựa trên thu nhập bình quân đầu người năm 2017. (Đồ họa của Ngân hàng Thế giới. Nguồn: Báo Cần Thơ) |
Sau chiến tranh, đất nước bước vào “cuộc chiến đấu khổng lồ” với những “công việc cực kỳ to lớn, phức tạp và khó khăn” để “chống lại những gì đã cũ kỹ, hư hỏng, để tạo ra những cái mới mẻ, tốt tươi”[10]. Toàn Đảng toàn dân, toàn quân tập trung vào “việc cần phải làm trước tiên là chỉnh đốn lại Đảng”, thực hiện những “công việc đối với con người”[11], đồng thời bước vào công cuộc kiến thiết xây dựng và phát triển đất nước theo đường lối đổi mới.
Hơn ba thập niên khởi đầu từ “ba chương trình mục tiêu trước mắt về lương thực - thực phẩm, hàng tiêu dùng và hàng xuất khẩu”[12]; cũng là ba thập niên thực hiện cương lĩnh xây dựng đất nước trong thời kỳ quá độ lên chủ nghĩa xã hội với mục tiêu đến giữa thế kỷ XXI Việt Nam “trở thành một nước xã hội chủ nghĩa ngày càng phồn vinh, hạnh phúc”[13].
Quá trình ấy, đã có ba chiến lược trung hạn được thực hiện nhằm đảm bảo cho quá trình hiện thực hóa mục tiêu “trở thành một nước công nghiệp hiện đại”.
Cụ thể là:
(i) Chiến lược ổn định và phát triển kinh tế - xã hội đến năm 2000, mục tiêu “ra khỏi khủng hoảng, ổn định tình hình kinh tế - xã hội, phấn đấu vượt qua tình trạng nước nghèo và kém phát triển, cải thiện đời sống của nhân dân”, tổng sản phẩm trong nước (GDP) đến năm 2000 tăng khoảng gấp đôi so với năm 1990”[14].
(ii) Chiến lược phát triển kinh tế-xã hội 2001-2010, mục tiêu: “Đưa nước ta ra khỏi tình trạng kém phát triển; nâng cao rõ rệt đời sống vật chất, văn hóa, tinh thần của nhân dân; tạo nền tảng để đến năm 2020 nước ta cơ bản trở thành một nước công nghiệp theo hướng hiện đại”, thể chế kinh tế thị trường định hướng xã hội chủ nghĩa được hình thành về cơ bản[15].
(iii) Chiến lược phát triển kinh tế-xã hội 2011-2020, mục tiêu “cơ bản trở thành nước công nghiệp theo hướng hiện đại”, có “chính trị - xã hội ổn định, dân chủ, kỷ cương, đồng thuận; đời sống vật chất và tinh thần của nhân dân được nâng lên rõ rệt; độc lập, chủ quyền, thống nhất và toàn vẹn lãnh thổ được giữ vững; vị thế của Việt Nam trên trường quốc tế tiếp tục được nâng lên”[16].
Tin liên quan |
Việt Nam cần tận dụng trạng thái ‘bình thường mới’ để thúc đẩy phục hồi bền vững kinh tế - xã hội |
Mỗi thập niên thực hiện kế hoạch trung hạn như thế, trở thành một chặng đường ngắn giải quyết những những nhiệm vụ cụ thể: “phát triển mới về lực lượng sản xuất, quan hệ sản xuất và hội nhập kinh tế quốc tế; đời sống vật chất, tinh thần của nhân dân được cải thiện rõ rệt, văn hóa xã hội không ngừng tiến bộ; thế và lực của đất nước hơn hẳn 10 năm trước, khả năng độc lập tự chủ được nâng lên, tạo thêm điều kiện đẩy mạnh công nghiệp hóa, hiện đại hóa”[17]. Kết quả là đất nước “chưa bao giờ có được cơ đồ, tiềm lực, vị thế và uy tín quốc tế như ngày nay”[18].
Đây chính là cơ sở thực tế cho phép tiếp tục xác định những mục tiêu sắp tới. Đó là ba mốc cụ thể: “Đến năm 2025, kỷ niệm 50 năm giải phóng hoàn toàn miền Nam, thống nhất đất nước: Là nước đang phát triển, có công nghiệp theo hướng hiện đại, vượt qua mức thu nhập trung bình thấp"; "Đến năm 2030, kỷ niệm 100 năm thành lập Đảng: Là nước đang phát triển, có công nghiệp hiện đại, thu nhập trung bình cao"; và "Đến năm 2045, kỷ niệm 100 năm thành lập nước Việt Nam Dân chủ Cộng hòa, nay là nước Cộng hòa xã hội chủ nghĩa Việt Nam: Trở thành nước phát triển, thu nhập cao”[19].
Lần đầu tiên, Đại hội Đại biểu toàn quốc lần thứ XIII, Đảng Cộng sản Việt Nam có tầm nhìn thế kỷ bằng ba mốc kỷ niệm trọng đại; cũng là tiền lệ mới đưa ra các mục tiêu phát triển xen kẽ ngắn hạn (5 năm), trung hạn (10 năm) và dài hạn (25 năm).
Việc kết hợp ba bước đà trong một bước phát triển nhảy vọt như thế cũng là cách gắn liền mục tiêu tổng thể về giàu mạnh, hiện đại của quốc gia dân tộc, với lợi ích thiết thực về đời sống thu nhập của người dân.
Thời gian sẽ kết nối bài học lịch sử và dự báo của lãnh tụ Nguyễn Ái Quốc – Hồ Chí Minh năm 1942[20], với những thành tựu trăm năm phát triển của nền độc lập, tự do và chế độ dân chủ cộng hòa ở Việt Nam. Khi biết “tự ta giải phóng cho ta”, thì việc phấn đấu vì một nước Việt Nam “Dân giàu, nước mạnh, dân chủ, công bằng, văn minh”[21] cũng trở nên hiện thực; và bài thơ Lịch sử nước ta từ ấy đến nay có mạch nguồn vô tận.
*Tác giả PGS. TS. Hà Minh Hồng thuộc Khoa Lịch sử, Trường Đại học Khoa học Xã hội và Nhân văn TP. Hồ Chí Minh.
[1], [21] Trong bài Nên học sử ta viết năm 1942, lãnh tụ Nguyễn Ái Quốc viết: “Sử ta dạy cho ta bài học này: Lúc nào dân ta đoàn kết muôn người như một thì nước ta độc lập, tự do”; kết thúc bài thơ Lịch sử nước ta, khi liệt kê những năm quan trọng, lãnh tụ Nguyễn Ái Quốc “đoán trước”: “1945 Việt Nam độc lập”. Hồ Chí Minh Toàn tập, tập 3. Nxb CTQG H.2011 tr 256
[2], [3] Hồ Chí Minh Toàn tập, tập 3. Nxb CTQG H.2011 tr 3-4, 266
[4] Võ Nguyên Giáp, Tổng tập hồi ký, Nhà xuất bản QĐND, Hà Nội, 2011, tr.129
[5] Hồ Chí Minh Toàn tập, tập 6. Nxb CTQG H.2011 tr 81-100
[6], [7], [8], [9], [10], [11] Hồ Chí Minh Toàn tập, tập 15. Nxb CTQG H.2011 tr 615-624, 612, 532, 623, 618, 616
[12] Văn kiện Đảng Toàn tập, tập 47. Nxb CTQG H.2006 tr 898
[13], [20] Cương lĩnh xây dựng đất nước trong thời kỳ quá độ lên CNXH (bổ sung, phát triển năm 2011) tr 3,4
[14] Văn kiện Đảng Toàn tập, tập 51. Nxb CTQG H.2006 tr 160
[15], [17] Văn kiện Đảng Toàn tập, tập 60. Nxb CTQG H.2006 tr 237-238, 232
[16] Chiến lược phát triển kinh tế-xã hội 2011-2020, Văn kiện Đại hội XI, tr 5
[18], [19] Văn kiện Đại hội Đại biểu toàn quốc lần thứ XIII. Nxb CTQGST H.2021, tập 2 tr 322, 326-327
| Lãnh sự danh dự Việt Nam ở nước ngoài: Hoạt động hiệu quả với nhiều thành tích nổi bật Với vai trò góp phần thúc đẩy quan hệ hợp tác trên nhiều lĩnh vực giữa Việt Nam và các nước, mạng lưới Lãnh sự ... |
| Thiếu tướng Lê Văn Cương: Ngoại giao phải luôn đi đầu, phát hiện sớm, nhanh và đúng các nguy cơ và thách thức Theo Thiếu tướng Lê Văn Cương, nguyên Viện trưởng Viện Nghiên cứu Chiến lược (Bộ Công an), tình hình khu vực và thế giới ngày ... |