TIN LIÊN QUAN | |
Chính sách kinh tế trong chương trình tranh cử của bà Clinton | |
Bầu cử Mỹ: Bà Clinton ghi điểm trong cuộc tranh luận đầu tiên |
Cuộc tranh luận giữa hai ứng viên Tổng thống Mỹ là bà Hillary Clinton và ông Donald Trump diễn ra vào đêm 26/9 (giờ địa phương) tại New York. Trong buổi tranh luận dài 90 phút này, hai ứng viên tập trung trình bày quan điểm cá nhân đối với ba chủ đề chính, bao gồm hướng đi tương lai của Mỹ, làm thế nào để đạt sự thịnh vượng và bảo đảm an ninh cho đất nước.
Được đánh giá là một trong những cuộc đối đầu đáng mong chờ nhất trong lịch sử các kỳ bầu cử Mỹ, cuộc tranh luận Clinton - Trump đã thu hút hơn 81 triệu người Mỹ theo dõi.
Bà Clinton giành lợi thế
Ngay trước cuộc tranh luận, dư luận cho thấy ông Trump phần nào có lợi thế hơn do bà Clinton có chút vấn đề về sức khỏe tại lễ kỷ niệm sự kiện 11/9, và vụ nổ khủng bố tại Manhattan, New York hôm 17/9 làm sâu sắc thêm những lo ngại về an ninh quốc gia, điều ông Trump thường đề cập.
Bà Hillary Clinton và ông Donald Trump tại buổi tranh luận ngày 26/9 tại Đại học Hofstra, New York. (Nguồn: AP) |
Tuy vậy, trong màn “đấu khẩu” đầu tiên này, với sự chuẩn bị kĩ lưỡng, cựu Ngoại trưởng Clinton đã phần nào lấy lại lợi thế so với tỷ phú Trump. Mặc dù không thực sự hoàn hảo trong lập luận và đôi lúc hơi cứng nhắc, song bà Clinton vẫn chứng tỏ phẩm chất của một nhà lãnh đạo và khiến đối thủ của mình trở nên lép vế. Bằng cách viện dẫn lưu loát các sự kiện và dữ liệu, bà Clinton không nao núng trước những “cú đòn” công kích từ ông Trump. Thậm chí, trong nhiều trường hợp, cựu Đệ nhất phu nhân còn chủ động “xoáy vào” những điểm yếu của đối phương như thu nhập và hồ sơ thuế, việc kiểm soát tâm lý…
Trong khi đó, giới quan sát nhận định sự thể hiện của ông Donald Trump không quá tệ nhưng chưa đủ tốt. Ông Trump đưa ra nhiều câu trả lời chung chung và không có mấy bình luận, chẳng hạn như về cuộc chiến của Mỹ tại Iraq. Bên cạnh đó, ông Trump có lúc không giữ được bình tĩnh và liên tục ngắt lời người dẫn chương trình Lester Holt và bà Clinton. Ông Trump sau đó có ý cho rằng người dẫn chương trình thiên vị bà Clinton và micro của ông có vấn đề.
Dựa trên mạng xã hội và ý kiến của những người theo dõi trực tiếp buổi tranh luận, có thể thấy sự ủng hộ của đa số cử tri đang nghiêng về phía bà Clinton. Theo kết quả thăm dò của CNN/ORC ngay sau tranh luận, cựu Ngoại trưởng Mỹ nhận được 62% tỷ lệ ủng hộ, trong khi tỷ phú Trump chỉ nhận được 27%. Trong khi đó, theo Fortune, sự chênh lệch tỷ lệ ủng hộ giữa hai ứng viên Tổng thống là không nhiều, khi bà Clinton giành được 54% và ông Trump được 45%.
Một thăm dò khác trên đài CNN cho thấy 90% cử tri còn do dự ở bang Florida cho rằng bà Clinton là người chiến thắng trong cuộc tranh luận. Còn thăm dò của tờ The Hill lại cho thấy kết quả ngược lại: 54% người được hỏi cho rằng ông Trump thắng và chỉ 36% đánh giá phần thắng thuộc về bà Clinton. Khảo sát trực tuyến do CNBC thực hiện có kết quả: 67% người được hỏi cho rằng ông?Trump thắng.
Các sự kiện bất ngờ
Tranh luận trực tiếp trên truyền hình luôn là một sự kiện được dư luận chờ đợi trong các kỳ bầu cử Tổng thống Mỹ kể từ năm 1960. Đây được đánh giá là cơ hội quý báu để các ứng viên có thể bộc lộ những ưu điểm và cam kết tranh cử của mình. Tuy nhiên, nó cũng sẽ là “con dao hai lưỡi” với ứng viên nào không biết khéo léo che giấu những nhược điểm bản thân.
Dù vậy, trong lịch sử bầu cử Mỹ, các cuộc tranh luận trực tiếp trên truyền hình thường ít tác động đến quyết định cuối cùng của cử tri. Chẳng hạn như năm 1980, ông Ronald Reagan có một màn tranh luận ấn tượng, điềm tĩnh và kiểm soát được tình hình, qua đó giành chiến thắng một cách thuyết phục. Tuy nhiên, trên thực tế là đối thủ của ông Reagan - Tổng thống đương thời Jimmy Carter, đang chịu chỉ trích vì tình hình kinh tế yếu kém cũng như những rắc rối trong quan hệ Mỹ - Iran. Vì vậy, màn trình diễn của ông Reagan được đánh giá là chỉ giúp gia tăng khoảng cách với ông Carter, chứ không thực sự tạo bước đột phá.
Tuy nhiên, năm nay, giới chuyên gia cho rằng ảnh hưởng của các cuộc tranh luận sẽ khác khi cuộc đua vào Nhà Trắng là sự đối đầu kịch tích giữa một chính trị gia nhiều kinh nghiệm và một nhân vật mới bước vào chính trường. Bên cạnh đó, tính đến thời điểm hiện nay, tỷ lệ ủng hộ đối với cả hai ứng viên là khá sít sao, đặc biệt tại các bang có nhiều cử tri còn đang do dự.
Mặc dù giành nhiều lợi thế trong cuộc tranh luận đầu tiên, nhưng đó chưa hẳn là một điềm lành cho bà Clinton. Lịch sử cho thấy, sau cuộc tranh luận đầu tiên giữa ông Obama với đối thủ đảng Cộng hòa Mitt Romney hồi năm 2012, phần thắng đã thuộc về ông Romney. Tuy nhiên, người bước vào Nhà Trắng sau đó thì ai cũng rõ. Trên thực tế, bà Clinton và ông Trump đang được đánh giá là “ngang cơ”, bởi cả hai đều có những điểm mạnh - yếu riêng. Trong khi ông Trump dẫn điểm trong các vấn đề kinh tế và chống khủng bố, bà Clinton lại giành lợi thế trong đối ngoại, nhập cư và an sinh xã hội.
Cuộc đua vào Nhà Trắng đang thực sự bước vào giai đoạn nước rút khi chỉ còn 6 tuần nữa là đến ngày bỏ phiếu chính thức 8/11. Trong bối cảnh đó, theo giáo sư John Sides (Đại học George Washington), ngoài hai cuộc tranh luận còn lại sẽ diễn ra ngày 9/10 và 15/10, điều có thể làm thay đổi cục diện của cuộc cạnh tranh là các sự kiện bất ngờ, nằm ngoài kiểm soát của các ứng viên, và cách họ phản ứng với những sự kiện đó.
Tranh luận trực tiếp có thể xoay chuyển bầu cử Mỹ? Liệu các màn đối đầu giữa bà Clinton và ông Trump có thực sự là “nhân tố thay đổi cuộc chơi” như những gì dư ... |
Bầu cử Mỹ: Phong cách quyết định ưu thế tranh luận trực tiếp Cuộc tranh luận trực tiếp đầu tiên giữa hai ứng cử viên Tổng thống Mỹ sáng 27/9 (giờ Việt Nam) là sự kiện phản ánh ... |
"Khẩu chiến" Hillary – Trump: Ai hơn ai? Trước cuộc tranh luận quan trọng đầu tiên trong cuộc chạy đua vào Nhà Trắng, dự kiến diễn ra ngày 26/9, cả cựu Ngoại trưởng ... |