📞

Trận Việt Nam – Nhật Bản: Chẳng ai đánh thuế giấc mơ!

15:17 | 24/01/2019
20h00 hôm nay (24/1), những chú ‘ngựa ô’ Việt Nam sẽ đối đầu với đối đầu ứng viên vô địch Nhật Bản tại trận Tứ kết Asian Cup 2019 tại Các Tiểu vương quốc Arab thống nhất (UAE). Đa số các chuyên gia dự đoán Việt Nam khó lòng vượt núi cao ‘Samurai Xanh’.

Chẳng bao giờ đủ

Sau khi vượt qua vòng bảng để vào vòng 16 đội Asian Cup 2019, nhiều người cho rằng ‘thế là quá tốt, là đủ với đội tuyển Việt Nam rồi... Thế nhưng, HLV Park Hang-seo và các học trò của ông không nghĩ vậy. Vẫn biết đẳng cấp của Nhật vượt trội so với Việt Nam, tuy nhiên không gì là không thể. Quả bóng tròn, trong một trận loại trực tiếp, không ai có thể nói trước điều gì!

Sau trận thua Hàn Quốc (1-2) hôm 22/1, HLV trưởng Miroslav Soukup của Bahrain chia sẻ đầy nuối tiếc: ‘Sau 90’, có thể nhiều người nghĩ về loạt đá luân lưu. Mệt mỏi đôi chút, các cầu thủ của tôi đã nghĩ 1-1 có thể là tỷ số đủ rồi. Nhưng tôi đã nói với họ rằng như vậy vẫn chưa đủ. Ngay cả khi chúng tôi chơi với Australia hay Hàn Quốc, như vậy vẫn là chưa đủ. Bởi chúng tôi có quyền khát vọng, có quyền nghĩ về một kết quả tốt hơn. Tôi vẫn nói với các cầu thủ rằng như vậy vẫn là chưa đủ’.

Các cầu thủ U.23 Việt Nam ăn mừng bàn thắng trong trận chung kết Giải Vô địch châu Á Việt Nam - Uzberkistan ngày 27/1/2018 tại SVĐ Thường Châu, Trung Quốc.

Đó có thể cũng là câu mà thầy Park Hang-seo đã nói với tuyển thủ các ĐT Việt Nam suốt một năm qua.

Bởi nếu có bất kỳ ai nghĩ rằng Vòng chung kết U23 ở Thường Châu là đủ rồi, sẽ không có ASIAD 2018, không có UAE, không có chức vô địch AFF Cup. Nếu thế là đủ rồi, các cầu thủ sẽ không còn động lực và quyết tâm tạo nên kỳ tích.

Nhiều người đã dùng từ ‘kỳ tích’ để miêu tả chiến thắng của tuyển Việt Nam trước Jordan. Nhưng thầy Park có lẽ không thích điều đó. Khi tiếng còi kết thúc trận đấu với Jordan vang lên, thầy Park chỉ lặng lẽ đứng nhìn. Ông không ăn mừng, không nhảy cẫng. Ông đứng đó vài giây, lặng ngắm các học trò rồi bước thật nhanh vào bên trong.

Ông không ăn mừng có lẽ vì muốn dành niềm vui cho những trận đấu phía trước. Ông Park không cho đó là kỳ tích có lẽ vì trí tưởng tượng của ông vẫn muốn đi xa hơn.

Trước khi bước vào quyết đấu với Jordan, khi tất cả hoài nghi về khả năng đánh bại đội bóng Tây Á, ông từ tốn bảo ‘tôi biết cần phải làm gì để xử lý họ’.

Nhớ lại cách đây một năm, cùng với việc đặt mục tiêu giúp bóng đá Việt Nam lọt vào top 100 thế giới và cạnh tranh 1 suất dự Olympic Tokyo 2020, ông thầy người Hàn quan tâm đặc biệt tới việc xoá tan nỗi ám ảnh, sợ hãi của của cầu thủ Việt Nam trước người Nhật & người Thái.

Và trước thềm Vòng Chung kết U23 châu Á, ông ‘chỉ thị’ cho các học trò phải thắng bằng được Thái Lan ở giải M150 và thắng Nhật Bản ở ASIAD 18 trên đất Indonesia. Và học trò của ông thầy họ Park đã thực hiện đúng được yêu cầu của ông.

ĐT Việt Nam đã lách qua khe cửa hẹp để tiến vào vòng 1/8 tại Vòng chung kết Asian Cup 2019. (Ảnh: AFC).

Sau chiến thắng trước U23 Thái Lan ở giải giao hữu M150, Olympic Việt Nam có chiến thắng trước Olympic Nhật Bản tại Asiad 2018. Sau trận đấu ấy, ông Park bị chuyên gia và người hâm mộ chỉ trích rằng ông để U23 Việt Nam ‘dại dột’ căng sức tìm chiến thắng khi đó chỉ là trận thủ tục, để rồi mất nhiều sức và khiến Hùng Dũng chấn thương phải rời giải trong tiếc nuối.

Nhưng HLV Park có cái lý của mình. Ông lập luận rằng, Việt Nam chưa hề thắng Nhật tại các giải chính thức, ở tất cả các cấp đội tuyển, từ U16 đến ĐTQG, và đây là cơ hội rất tốt để chúng ta vượt qua được nỗi ám ảnh này. Và như mọi người đã biết, chúng ta lần đầu tiên thắng được Nhật Bản ở một giải đấu chính thức, đồng thời xoá tan cái dớp đen đủi!

Khoảng cách châu lục đã hẹp dần

Một chiến thắng ấn tượng có thể chỉ là may mắn. Một giải đấu hay có thể là điểm rơi phong độ. Nhưng nhiều chiến thắng, nhiều giải đấu thì đó là sự thu hẹp chênh lệch về đẳng cấp.

Năm 2003, tuyển Việt Nam từng quật ngã Hàn Quốc khi ấy mới về từ WC nhờ pha lập công của Văn Quyến. Năm 2007, tiếp tục là chiến thắng của tuyển Việt Nam trước UAE tại Mỹ Đình để giành vé vào Tứ kết Asian Cup.

Điểm chung của những chiến thắng ấy là chúng diễn ra cách nhau một thời gian dài.

Mỗi trận đấu đều là trận chung kết

Ông Park thường có thói quen chuẩn bị rất kỹ lưỡng cho từng trận đấu. Riêng ĐT Nhật Bản, ông đã đích thân đi dự khán trận đội bóng này đá với tuyển Saudi Arabia.

Triết lý của ông là bóng đá tựa chiến tranh, và mỗi trận bóng là một trận chiến. Ở đó, nếu không có được một ý chí quật cường, một tinh thần quả cảm của chiến binh, thì không thể vượt qua được các đối thủ mạnh hơn, và quan trọng nhất là niềm tin vào việc có thể đánh bại được đối phương bất kể họ có mạnh đến đâu!

Trước khi Asian Cup khởi tranh, nhiều người từng lo ngại về đội tuyển Việt Nam vì cầu thủ rất trẻ - thậm chí trẻ nhất giải.

Đội tuyển Nhật Bản được cho là một tập thể mạnh hơn rất nhiều so với đội tuyển Việt Nam. (Nguồn: AFC/Fox Sports)

Nhưng các tuyển thủ trẻ của chúng ta càng đấu càng lỳ lợm, thể hiện bản lĩnh vững vàng dưới sự động viên khích lệ của người thầy cực kỳ xuất sắc.

Rõ ràng dưới bàn tay nhào nặn của vị chiến lược gia người Hàn Quốc, các đội tuyển Việt Nam đang viết tiếp những trang mới trong lịch sử bóng đá nước nhà. Chúng ta đang dần có thể cạnh tranh sòng phẳng với các đối thủ tầm châu lục.

Đó là lúc cầu thủ Việt Nam không còn quá lo lắng khi tiến ra sân chơi châu Á, là lần đầu tiên sau nhiều năm chúng ta gạt nỗi lo sợ Thái Lan hay Nhật Bản khỏi suy nghĩ!

Bất chấp kết quả của trận đấu đêm nay có ra sao, châu Á giờ không còn là giấc mơ xa vời nữa với bóng đá Việt Nam.

Tiếp tục chơi tự tin và đúng sức của mình, tuyển Việt Nam có thể tạo ra cơn địa chấn nữa!

Xuân Hồng