Nhiều mặt hàng của Nhật Bản gặp khó khi phải đối mặt với làn sóng tẩy chay của Hàn Quốc. (Nguồn: Yonhap) |
Theo số liệu khảo sát của 31 công ty Nhật Bản do công ty theo dõi quản lý doanh nghiệp CEO Score công bố ngày 5/7, lợi nhuận hoạt động của các công ty này trong năm 2019 đã giảm 71,3% so với năm trước đó, trong khi doanh thu cũng sụt giảm 6,9%.
Căng thẳng giữa Seoul và Tokyo gia tăng kể từ tháng 7/2019 sau khi Nhật Bản đột ngột đưa ra các hạn chế xuất khẩu ba nguyên liệu công nghiệp quan trọng sang Hàn Quốc, cụ thể là các chất cản màu, khí ăn mòn và nhựa nhiệt dẻo. Những nguyên liệu này đóng vai trò quan trọng trong việc sản xuất chip và màn hình của Hàn Quốc.
Nhật Bản nói rằng, Hàn Quốc đã không kiểm soát một cách hiệu quả các mặt hàng nhạy cảm có thể được sử dụng cho mục đích quân sự, trong khi Seoul coi đó là sự trả đũa đối với quyết định của tòa án nước này về vấn đề lao động cưỡng bức thời chiến.
CEO Score cho hay, trong bối cảnh người tiêu dùng Hàn Quốc thực hiện phong trào "tẩy chay Nhật Bản", các nhà sản xuất thực phẩm Nhật Bản đã chứng kiến doanh thu giảm gần 20% và bắt đầu ghi nhận lỗ ròng.
Lotte Asahi Liquor Co., công ty phân phối bia Nhật Bản tại Hàn Quốc có doanh thu giảm một nửa xuống còn 62,4 tỷ Won (52 triệu USD) vào năm 2019, và báo lỗ 30,8 tỷ Won. Hàn Quốc từng là thị trường nước ngoài lớn nhất của bia Nhật Bản trước khi căng thẳng thương mại leo thang.
“Người khổng lồ” trong lĩnh vực thời trang, may mặc của Nhật Bản Uniqlo cũng chứng kiến doanh thu tại Hàn Quốc giảm 31,3% trong năm 2019, chỉ đạt 443,9 tỷ Won trong khi báo cáo hoạt động kinh doanh thua lỗ 240 tỷ Won.
Các nhà sản xuất và bán lẻ mỹ phẩm Nhật Bản cũng cho biết doanh thu của họ tại các chi nhánh ở Hàn Quốc giảm lần lượt 7,3% và 3,4% trong năm ngoái.
Trong năm 2019, xuất khẩu của Hàn Quốc sang Nhật Bản giảm 6,9% xuống 28 tỷ USD, trong khi kim ngạch nhập khẩu giảm 12,9% xuống còn 47 tỷ USD.