Cuộc thi Phóng viên trẻ Pháp ngữ 2021 được tài trợ bởi Tổ chức Quốc tế Pháp ngữ, Thông tấn xã Việt Nam, với sự hỗ trợ của Tổ chức các trường đại học Pháp ngữ, Phái đoàn Wallonie-Brussels tại Việt Nam, các Đại sứ quán Pháp, Bỉ, Morocco, Thụy Sĩ, Canada, các trường đại học và nhiều đối tác khác.
Ông Chékou Oussouman, Trưởng đại diện khu vực Châu Á - Thái Bình Dương của Tổ chức quốc tế Pháp ngữ (OIF), đồng Chủ tịch của Ban Tổ chức, chia sẻ: “Đây là một chủ đề đặc biệt cho một năm đặc biệt. Các tác phẩm dự thi phản ánh sự dấn thân, sự dũng cảm của phụ nữ để vượt qua những hoàn cảnh khó khăn”.
Buổi làm việc của Ban Giám khảo vòng chung kết. (Ảnh: M. Thắng) |
Bà Đoàn Thị Y Vi, Phó tổng biên tập báo Le Courrier du Vietnam, đồng Chủ tịch của Ban Tổ chức, cho biết: “Do ảnh hưởng của đại dịch Covid-19, năm nay chúng tôi gặp rất nhiều khó khăn. Ví dụ, chúng tôi không thể tổ chức các buổi gặp gỡ với các giảng viên và sinh viên tại một số trường đại học để giới thiệu cuộc thi như mọi năm. Sinh viên vẫn đang học trực tuyến tại các tỉnh, thành và không thể ra Hà Nội”.
Mặc dù gặp nhiều khó khăn, nhưng cuộc thi Phóng viên trẻ Pháp ngữ lần thứ 6 này đã nhận được 135 bài dự thi của 122 tác giả và nhóm tác giả đến từ các tỉnh thành của ba miền Bắc, Trung, Nam.
Bà Nguyễn Hồng Nga, Phó tổng biên tập báo Le Courrier du Vietnam và Trưởng Bnn giám khảo của vòng bán kết, khẳng định: “Năm nay cuộc thi được tổ chức trong bối cảnh đại dịch Covid-19, đó là lý do tại sao hầu hết các bài báo đều nói về cuộc khủng hoảng này. Nhưng cũng có những chủ đề nổi bật khác như gìn giữ bản sắc cung đình của một gia đình Huế hay các hoạt động tình nguyện giúp đỡ đồng bào bị thiên tai ở miền Trung”.
Theo bà Lê Tuyết Nhung, phụ trách các dự án văn hóa và di sản của Phái đoàn Wallonie-Brussels tại Hà Nội, “Đây là cơ hội để các bạn trẻ Pháp ngữ thể hiện mình bằng các bài viết bằng tiếng Pháp. Phái đoàn Wallonie-Brussels tại Việt Nam luôn ủng hộ các hoạt động như vậy nhằm thúc đẩy việc dạy và học tiếng Pháp, đặc biệt là ở Việt Nam, đồng thời khuyến khích giới trẻ chia sẻ ý tưởng và quan điểm của họ”.
Các thành viên trong Ban Giám khảo đã làm việc rất kĩ lưỡng để có thể chọn ra những bài viết xuất sắc nhất. Ban Giám khảo rất ấn tượng bởi kỹ năng diễn đạt cũng như trình độ tiếng Pháp của những sinh viên Việt Nam. Tiêu chí đánh giá các bài viết chủ yếu tập trung vào chất lượng cũng như chủ đề.
Kết quả là sinh viên Nguyễn Lê Diệu Thư và Lê Trọng Tường Uyên đã giành giải Nhất cuộc thi với bài viết mang tên Mong ước một tương lai màu hồng cho những phụ nữ mắc bệnh ung thư vú. Bài viết của hai sinh viên Đại học Khoa học Xã hội và Nhân văn TP. Hồ Chí Minh, kể về Mạng lưới ung thư, một hiệp hội nhằm gây quỹ giúp đỡ cho phụ nữ mắc bệnh ung thư vú.
Chân dung Công Tôn Nữ cuối cùng của Nguyễn Đức Minh Hoàng và Nguyễn Thị Thùy Trang đến từ Huế đã đạt giải Nhì. Bài viết kể về câu chuyện của Công Huyên Tôn Nữ Trí Huệ, người phụ nữ 100 tuổi vẫn miệt mài làm đệm tựa bằng tay và ngày xưa đã từng cung cấp sản phẩm cho các thành viên của triều đình nhà Nguyễn.
Giải Ba thuộc về bạn Nguyễn Thị Thu Huyền, sinh viên Đại học Hà Nội với bài viết Sống là không bao giờ bỏ cuộc. Ban Tổ chức cũng trao hai giải Khuyến khích và một số giải phụ: giải sinh viên tài năng, giải thí sinh ấn tượng, giải của công chúng, giải sinh viên năng động, giải của Đại sứ quán Bỉ và Đại sứ quán Morocco, giải của Nhóm các đại sứ quán, phái đoàn và thể chế Pháp ngữ tại Việt Nam (GADIF).
Bà Cristina Romila, Đại sứ Romania tại Việt Nam, thành viên Ban giám khảo chung khảo, nhận xét : “Tôi rất ấn tượng với chất lượng của các bài viết, các tác giả đã sử dụng tiếng Pháp rất tốt. Tôi nghĩ các bạn trẻ có kĩ năng trong việc cung cấp thông tin và thể hiện cảm xúc”.
Là thành viên Ban Giám khảo vòng bán kết, bà Lisa Bagès, phụ trách hợp tác giáo dục và kỹ thuật số của Đại sứ quán Pháp tại Việt Nam, vui mừng trước sự yêu thích tiếng Pháp của giới trẻ Việt Nam: “Chủ đề các bài viết rất phong phú, mang tính giáo dục cao và các tác phẩm có chất lượng tốt. Chúng tôi sự đánh giá cao việc các bạn sinh viên yêu thích tiếng Pháp và mong muốn nâng cao trình độ tiếng Pháp”.
Ông Fabien Méheust, Phó Giám đốc Khu vực châu Á-Thái Bình Dương của Tổ chức các trường đại học Pháp ngữ - một trong những nhà tài trợ của cuộc thi, nhấn mạnh: “Cuộc thi này dành cho những người nói tiếng Pháp từ 18 đến 35 tuổi.
Nhìn qua các bài viết, tôi có thể thấy hầu hết những người tham gia là sinh viên. Chúng ta đang ở trong một khu vực mà tiếng Pháp không phải lúc nào cũng là sự lựa chọn hàng đầu. Nhưng đối với những người tâm huyết, tiếng Pháp trở thành ngôn ngữ của sự khác biệt và thành công, vì nó mở ra triển vọng nghề nghiệp cho sinh viên”.
Năm nay, do ảnh hưởng của đại dịch Covid-19, thay vì tổ chức một lễ trao giải trực tiếp, Ban tổ chức đã thực hiện một video clip nhằm giới thiệu cuộc thi và công bố giải thưởng.