Hệ quả của khủng hoảng “kép”
Đầu năm nay, Quốc vương Saudi Arabia tổ chức lễ kỷ niệm mừng một vụ mùa mới, mẻ gạo đầu tiên thu hoạch được từ một cánh đồng ở Ethiopia. Các nhà đầu tư Saudi Arabia đã chi 100 triệu USD để trồng mỳ, lúa mạch và lúa trên mảnh đất họ thuê của Chính phủ Ethiopia. Các nhà đầu tư được miễn giảm thuế trong năm đầu tiên và có thể đưa tất cả vụ mùa thu hoạch được trở về nước. Trong khi đó, Tổ chức Lương thực thế giới (WFP) đã viện trợ 230.000 tấn lương thực từ năm 2007-2011 cho 4,6 triệu người Ethiopia đang đối mặt với nạn đói và suy dinh dưỡng.
Cách làm này của Saudi Arabia là một ví dụ về xu hướng đang nổi lên trên thế giới: các nước giàu nhưng phải nhập khẩu lương thực đang tìm cách mua đất nông nghiệp của các nước có nhiều đất “nông nhàn” nhưng không có vốn. Thay vì mua lương thực trên thị trường thế giới, các chính phủ và các công ty có thế lực chính trị lớn mua hay thuê đất nông nghiệp của nước ngoài, trồng cây lương thực và chuyển về nước. Con số hơn 20 triệu ha đất nông nghiệp ở châu Phi và Mỹ Latinh hiện đang nằm trong tay các chính phủ và công ty nước ngoài, cho thấy tình trạng “thôn tính đất đai” trên toàn cầu vốn bùng phát từ cuộc khủng hoảng lương thực năm 2008 vẫn không hề có dấu hiệu chững lại.
Trong báo cáo mang tựa đề Cú sốc lương thực toàn cầu mới đây, nhà kinh tế Jean Yves Carfantan, một cố vấn nông nghiệp tại Brazil, cho biết tính đến cuối năm 2008, Trung Quốc, Hàn Quốc, Các tiểu vương quốc Ảrập thống nhất (UEA), Nhật Bản và Saudi Arabia là 5 nước có diện tích đất trồng thuê ở nước ngoài lớn nhất, với tổng cộng hơn 7,6 triệu ha, gấp 5-6 lần diện tích đất nông nghiệp của Bỉ.
Theo một báo cáo gần đây của nhóm bảo vệ quyền lợi nông nghiệp Grain có trụ sở tại Tây Ban Nha, việc xảy ra đồng thời khủng hoảng tài chính và khủng hoảng lương thực càng làm “nóng” các vụ mua bán đất nông nghiệp trên toàn cầu. Báo cáo này cho biết, một số thoả thuận trong vấn đề này đặt ra mục tiêu thúc đẩy an ninh lương thực thông qua việc đẩy mạnh sản xuất, trong khi một số khác nhằm vào việc mở các đồn điền mang lợi như đồn điền cao su và cọ. Hai xu hướng này đã dẫn đến việc các vùng đất nông nghiệp màu mỡ của một số quốc gia nghèo đói nhất thế giới đang bị các công ty nước ngoài tư nhân hoá và hợp nhất một cách nhanh chóng. Báo cáo kết luận rằng các nước giàu đang mua lại chất màu của đất, nước và ánh nắng mặt trời của các nước nghèo để chuyển thực phẩm và nhiên liệu về theo lối thực dân kiểu mới.
Đổi đất lấy... lời hứa
Đầu tư vào đất nông nghiệp nước ngoài không phải là trào lưu mới. Trung Quốc bắt đầu thuê đất sản xuất lương thực ở Cuba và Mexico 10 năm trước và tăng cường thuê mướn đất canh tác ở châu Phi - trong đó có các thỏa thuận thuê hàng triệu héc-ta ở CHDC Congo, Zambia, Zimbabwe, Uganda, Tanzania. Hàng nghìn lao động người Trung Quốc được cử đến làm việc ở những vùng đất này.
Trong tháng 11/2008, Công ty Daewoo Logistics của Hàn Quốc đã đầu tư khoảng 6 tỷ USD để cải tạo 1,3 triệu ha đất ở Madagascar. Công ty này có kế hoạch sản xuất 4 triệu tấn ngô và 500.000 tấn dầu cọ mỗi năm. Phần lớn trong số này sẽ được vận chuyển bằng đường biển ra khỏi quốc gia vốn đã nghèo đói, vẫn phải nhận lương thực viện trợ từ WFP này.
Các nước Vùng Vịnh, trong đó có Saudi Arabia, hiện sở hữu hoặc kiểm soát đất nông nghiệp lớn nhất ở châu Phi, đặc biệt là ở Sudan. Năm 2008, Các Tiểu vương quốc Ảrập thống nhất đã đàm phán một vài thỏa thuận đất nông nghiệp với Pakistan, trong khi Qatar đã sở hữu đất ở Indonesia, Philippines, Myanmar... Tháng 8/2008, quốc gia giàu dầu mỏ Kuwait đã đồng ý cho Campuchia vay 546 triệu USD cho sản xuất nông nghiệp. Thứ trưởng Bộ Ngoại giao Campuchia, Sous Yara, cho biết, nước này cũng đang trong quá trình đàm phán với Qatar, Hàn Quốc, Philippines và Indonesia về các dự án đầu tư vào nông nghiệp, trong đó có việc nhượng đất. Nếu đàm phán thành công, Campuchia có thể nhận được ít nhất 3 tỷ USD.
Tổ chức Nông Lương LHQ (FAO) và Ngân hàng Thế giới (WB) cho biết các nước châu Phi đang gần như cho không các nhà đầu tư nước ngoài các vùng đất nông nghiệp của mình để nhận được những lời hứa hẹn rất mù mờ về việc làm và cơ sở hạ tầng.
Tình trạng đầu tư ồ ạt vào đất nông nghiệp hoặc các vùng đất hoang cũng là nguyên nhân đẩy giá tăng lên chóng mặt. Những cơn sốt giá đất khiến đời sống nông dân chẳng những không được cải thiện mà còn bị đẩy đến chỗ bấp bênh. Ông Walden Bello, thuộc nhóm tư vấn luật Focus on the Global South có trụ sở tại Bangkok cho rằng, các loại thoả thuận này sẽ ngày một nhiều thêm, đẩy những người nông dân từ các vùng nông thôn tràn vào các thành phố, nơi mà cùng với suy thoái kinh tế toàn cầu, họ sẽ gia nhập đội ngũ những người thất nghiệp. Tình trạng này sẽ bùng phát mạnh mẽ ở các quốc gia có tỷ lệ nông dân mất ruộng đất cao, nơi cứ 10 nông dân thì có 7 người mất ruộng.
Điệp Hoa (Theo Economist, Finacial Times…)