📞

Triển lãm và Hội thảo khoa học “Chủ tịch Hồ Chí Minh với nước Nga”

20:25 | 04/06/2013
Nhân dịp kỉ niệm 90 năm Ngày Chủ tịch Hồ Chí Minh lần đầu đặt chân đến nước Nga (30/6/1923 – 2013) và 1 năm Việt Nam và Nga ra Tuyên bố chung về tăng cường hơn nữa mối quan hệ đối tác chiến lược toàn diện (27/72012-2013), sáng ngày 4 tháng 6 tại Bảo tàng Hồ Chí Minh đã diễn ra Triển lãm và Hội thảo khoa học “Chủ tịch Hồ Chí Minh với nước Nga”.
Các đại biểu tham quan triển lãm. (Ảnh: cpv.org.vn)

Đến dự Triển lãm và Hội thảo có đồng chí Trần Quốc Vượng, Bí thư Trung ương Đảng, Chánh Văn phòng Trung ương; đồng chí Đào Trọng Thi, Ủy viên Trung ương Đảng, Chủ tịch Hội hữu nghị Việt – Nga; Ngài A.G. Kovtun Đại sứ Liên bang Nga tại Việt Nam. Triển lãm và Hội thảo đã trưng bày và giới thiệu nhiều bức ảnh, tài liệu quí, nghiên cứu mới về Chủ tịch Hồ Chí Minh đến với nước Nga, Liên bang Xô Viết trong quá trình đến với chủ nghĩa Mác-Lênin và sứ mạng giành lại độc lập của nhân dân Việt Nam, trong đó có tham luận “Hồ Chí Minh, Người đặt nền móng cho quan hệ ngoại giao Việt - Nga”.

Tùng Lâm

Chúng tôi trân trọng giới thiệu bài Phát biểu chào mừng của ngài A.G.Kovtun, Đại sứ đặc mệnh toàn quyền Liên bang Nga tại Việt Nam tại Hội thảo "Chủ tịch Hồ Chí Minh với nước Nga"

Kính thưa các bạn và đồng nghiệp thân mến!

Trước hết tôi muốn bày tỏ lòng cảm ơn chân thành Bảo tàng Hồ Chí Minh, Hội Hữu nghị Việt-Nga, Học viện Báo chí và Tuyên truyền, Khu di tích Chủ tịch Hồ Chí Minh tại Phủ Chủ tịch, Viện Hồ Chí Minh và các lãnh tụ của Đảng– tóm lại tất cả các nhà tổ chức vì có một hội thảo như ngày hôm nay chuyên về chủ đề kỷ niệm 90 năm Nguyễn Ái Quốc, người con vĩ đại của dân tộc Việt Nam, lần đầu tiên đến nước Nga.

Đây đúng là một ngày kỷ niệm hết sức có ý nghĩa đối với mọi người chúng ta. Nga và Việt Nam trong nhiều năm nay đã gắn bó với nhau bởi mối dây hữu nghị và hợp tác bền chặt. Quan hệ ngoại giao giữa hai nước chúng ta được thiết lập cách đây 63 năm, nhưng ngọn nguồn thiện cảm giữa người Nga và người Việt thì được hình thành từ trước đó lâu hơn nữa. Để minh chứng cho điều này chúng ta chỉ cần nhớ đến những trang viết, thí dụ như ghi chép của các sĩ quan thủy thủ Nga hoặc những trang nhật ký thấm đẫm sự cảm thông và thiện ý của một số nhà văn Nga đã từng đến Đông Dương từ thế kỷ XIX. Trong thế kỷ XX, những mối liên hệ giữa hai dân tộc chúng ta lại càng trở nên sâu rộng hơn.

Lãnh tụ Nguyễn Ái Quốc đã là một trong số các đại diện của Việt Nam đầu tiên sang Nga cách mạng vào đầu những năm 20 của thế kỷ trước để theo học trong các trường học của Quốc tế Cộng sản ở Liên Xô. Những năm tháng đó chính là thời gian trưởng thành những tư tưởng kiệt xuất của Hồ Chí Minh, đó là những tư tưởng hết sức cần thiết cho nhân dân Việt Nam khát vọng tự do và độc lập. Chúng tôi tự hào rằng giai đoạn này trong đời sống của Chủ tịch đầu tiên của nước Việt Nam độc lập liên quan đến nước chúng tôi.

Từ đó đến nay chúng ta đã nhiều điều nếm trải cùng nhau. Trong quá khứ chúng ta có nhiều trang sử vẻ vang mà chúng ta không xấu hổ gì khi kể lại cho con cháu của mình- đó là cuộc đấu tranh chung vì tự do và độc lập của nhân dân Việt Nam, là công cuộc khôi phục và xây dựng nền kinh tế của đất nước sau chiến tranh. Nhưng điều chủ yếu nhất – đó là chúng ta không chỉ có lịch sử với bề dày truyền thống, mà còn có cả hiện thực năng động, và tôi tin chắc chúng ta cũng có một tương lai tươi sáng.

Mối quan hệ Nga-Việt đang phát triển một cách nhanh chóng và ổn định, bao trùm ngày càng nhiều phương hướng và hình thức hợp tác. Chúng ta duy trì mối liên hệ chặt chẽ trong lĩnh vực chính trị, kinh tế, nhân văn ở tất cả mọi cấp– từ lãnh đạo cấp cao nhất cho đến người dân bình thường.Trong bối cảnh này không ngẫu nhiên gì mà năm ngoái Nga và Việt Nam đã thiết lập quan hệ đối tác chiến lược toàn diện.

Chính là Chủ tịch Hồ Chí Minh đã đặt nền móng vững chắc của sự hợp tác Nga-Việt tiếp tục tiến lên về phía trước và cho sự hiểu biết giữa chúng ta ngày càng sâu hơn. Hiện nay bổn phận của chúng ta là gìn giữ những kỷ niệm thiêng liêng về người khởi xướng tình hữu nghị giữa nhân dân hai nước ta. Ở Việt Nam có câu tục ngữ mọi người đều biết: "Uống nước nhớ nguồn, ăn quả nhớ kẻ trồng cây". Nga cũng có câu thành ngữ có ý nghĩa gần giống như thế: "Gieo gì gặt nấy". Khi được hưởng thành quả hợp tác nhiều mặt Nga - Việt Nam, - mà những thành quả ấy chúng ta có thể khẳng định là không ít – chúng ta tự hào nhớ lại rằng, người đứng ở ngọn nguồn hợp tác, người cách đây nhiều năm đã trồng cây hữu nghị Việt - Nga, chính là Chủ tịnh Hồ Chí Minh. Tôi tin tưởng rằng chúng ta ngày nay có cùng chung nhiệm vụ - đó là trân trọng giữ gìn di sản quý báu đó, phát huy những truyền thống tốt đẹp đã được tích lũy bao năm qua, để thừa kế lại cho con cháu chúng ta một cây hữu nghị lớn mạnh, sâu rễ bền gốc, xứng đáng với tên tuổi lừng lẫy Hồ Chí Minh.

Tôi tin chắc rằng các hoạt động như hội thảo ngày hôm nay đóng góp đáng kể đểc húng ta hiểu rõ hơn về vai trò lịch sử của cá nhân huyền thoại chủ tịch đầu tiên của Việt Nam, góp phần vào việc tăng cường hơn nữa nền tảng của tình hữu nghị chúng ta.

Tôi xin chúc tất cả mọi người tham gia hội thảo sức khỏe và có được nhiều thành tích sáng tạo mới vì sự phát triển quan hệ đối tác chiến lược toàn diện Nga-Việt./.