Tham dự và chủ trì cuộc họp có Thứ trưởng Bộ Thông tin và Truyền thông Nguyễn Thành Hưng và Trợ lý Bộ trưởng Ngoại giao Phạm Sanh Châu cùng các thành viên của Hội đồng công nghệ thông tin của cơ quan nhà nước khối cơ quan trung ương năm 2018.
Toàn cảnh cuộc họp. (Ảnh: Tuấn Anh) |
Quyết tâm xây dựng Chính phủ điện tử
Phát biểu dẫn đề phiên họp, Thứ trưởng Nguyễn Thành Hưng nhấn mạnh, hiện Chính phủ đang có quyết tâm rất lớn trong vấn đề thúc đẩy phát triển xây dựng Chính phủ điện tử.
Tháng 5/2018, Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc đã có cuộc họp với các Bộ, ngành liên quan bàn về một số nội dung nhằm đẩy mạnh triển khai Chính phủ điện tử; đánh giá những mặt làm được và chưa được của công tác xây dựng Chính phủ điện tử trong thời gian qua và đề ra những giải pháp trong thời gian tới.
Tại cuộc họp trên, Thủ tướng Chính phủ đã đánh giá một số thành công của các bộ, ngành, địa phương giai đoạn vừa qua trong việc triển khai xây dựng Chính phủ điện tử nhưng đồng thời, Thủ tướng Chính phủ cũng đặt ra nhiều yêu cầu để giải quyết những tồn tại như: các cơ chế chính sách, vấn đề nguồn lực… “Thực tiễn triển khai xây dựng Chính phủ điện tử cho thấy, hiện vẫn thiếu những cơ chế để kết nối liên thông, xây dựng các cơ sở dữ liệu; thiếu các cơ chế để đẩy mạnh sử dụng văn bản điện tử…”, Thứ trưởng nói.
Cùng với đó, Thủ tướng Chính phủ đã quyết định trong thời gian tới sẽ thành lập Ủy ban Quốc gia về Chính phủ điện tử do Thủ tướng Chính phủ đứng đầu để triển khai quyết liệt hơn nữa việc xây dựng Chính phủ điện tử. Việc nhóm họp phiên đầu tiên của Ủy ban này được dự kiến sẽ diễn ra sớm, có thể ngay trong tháng 7/2018.
Thứ trưởng Bộ Thông tin và Truyền thông Nguyễn Thành Hưng phát biểu dẫn đề cuộc họp. (Ảnh: Tuấn Anh) |
Thứ trưởng Nguyễn Thành Hưng cũng cho biết, trong ngày hôm nay, 3/7, Văn phòng Chính phủ sẽ gửi xin ý kiến các bộ, ngành về dự thảo Nghị quyết mới của Chính phủ về một số nhiệm vụ, giải pháp trọng tâm phát triển Chính phủ điện tử giai đoạn 2018 - 2020, định hướng đến năm 2025.
Bản dự thảo Nghị quyết mới gồm 1 danh mục khá dài các nội dung công việc liên quan đến triển khai Chính phủ điện tử. Đây là một bước tiến mới trong triển khai xây dựng Chính phủ điện tử. Bởi lẽ, sau 3 năm thực hiện Nghị quyết 36a, đã đạt được một số thành công nhưng cũng tồn tại một số bất cập. Hy vọng rằng Nghị quyết mới, với danh mục nhiều nội dung công việc, sẽ từng bước giải quyết được các vấn đề tồn tại.
Thứ trưởng Nguyễn Thành Hưng đề nghị các các bộ, ngành nhận được dự thảo Nghị quyết này, cần nghiên cứu, góp ý để làm sao đóng góp vào việc triển khai thành công Nghị quyết mới.
Cũng tại phiên họp, các thành viên Hội đồng đã tập trung trao đổi, bàn luận về các vấn đề đang còn tồn tại, cần giải quyết trong việc triển khai xây dựng Chính phủ điện tử cũng như một số công việc dự kiến trong Nghị quyết mới, Chính phủ sẽ giao cho các Bộ, ngành thời gian tới, bao gồm: việc triển khai Nghị định 61 ngày 23/4/2018 của Chính phủ về thực hiện cơ chế một cửa, một cửa liên thông trong giải quyết thủ tục hành chính; về dự thảo Quyết định của Thủ tướng Chính phủ về việc gửi, nhận văn bản điện tử giữa các cơ quan trong hệ thống hành chính nhà nước; một số vấn đề về đảm bảo an toàn thông tin, vai trò của việc cảnh báo sớm các mối nguốn nguy hại an toàn thông tin đối với các cơ quan, tổ chức; định hướng về phát triển Mạng truyền số liệu chuyên dùng phục vụ triển khai Chính phủ điện tử; triển khai công nghệ IPv6 và tiêu chuẩn DNSSEC trong các cơ quan Đảng và nhà nước.
Đại diện Cục Tin học hóa trình bày tham luận tại cuộc họp. (Ảnh: Tuấn Anh) |
Hai nghị định: Nghị định về kết nối, chia sẻ dữ liệu trong hoạt động của cơ quan nhà nước và Nghị định về định danh điện tử của cá nhân, tổ chức cũng đã được các cơ quan chuyên môn của Bộ là Cục Tin học hóa và Trung tâm Chứng thực điện tử quốc gia trình bày, lấy ý kiến đóng góp của các thành viên Hội đồng tại phiên họp.
Ông Nguyễn Thành Phúc, Cục trưởng Cục Tin học hóa, cơ quan thường trực Hội đồng CIO cho biết, với mục tiêu phát huy hơn nữa vai trò tham mưu của Hội đồng trong việc triển khai Chính phủ điện tử một cách hiệu quả, các ý kiến đóng góp, trao đổi, đề xuất của các thành viên Hội đồng tại phiên họp đầu tiên năm 2018 này sẽ được Bộ TT&TT tổng hợp, báo cáo Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ.
Phát triển CNTT là nhiệm vụ trọng tâm
Phát biểu dẫn đề tại phiên họp, Trợ lý Bộ trưởng Phạm Sanh Châu nhấn mạnh, hiện nay, Chính phủ đang xác định ứng dụng và phát triển CNTT là một trong những nhiệm vụ trọng tâm chiến lược. Điều này đã được thể hiện cụ thể ở Nghị quyết 36a ngày 14/10/2015 của Chính phủ về Chính phủ điện tử. Thực hiện chỉ đạo của Thủ tướng Chính phủ, Bộ Ngoại giao xác định việc ứng dụng và phát triển CNTT là một nhiệm vụ trọng tâm trong việc nâng cao năng lực chỉ đạo điều hành, hiện đại hóa bộ máy hành chính, nhanh chóng, công khai, minh bạch trong xử lý, giải quyết công việc.
Trợ lý Bộ trưởng Ngoại giao Phạm Sanh Châu phát biểu dẫn đề cuộc họp. (Ảnh: Tuấn Anh) |
Trong thời gian qua, việc triển khai ứng dụng CNTT và phát triển Chính phủ điện tử tại Bộ Ngoại giao đã đạt được nhiều kết quả rõ ràng, nhất là trong công tác chỉ đạo, điều hành và giải quyết các TTHC cho công dân Việt Nam, người nước ngoài và các tổ chức quốc tế. Trợ lý Bộ trưởng Phạm Sanh Châu cho biết, từ năm 2005, Bộ Ngoại giao đã triển khai thành công phần mềm quản lý văn bản và điều hành công việc để áp dụng việc gửi, nhận, quản lý các văn bản nội bộ giữa các đơn vị trong Bộ và thực hiện quản lý, theo dõi, đôn đốc công việc bằng sổ nhắc việc điện tử. Đến nay, 100% các đơn vị của Bộ Ngoại giao sử dụng hệ thống CNTT để chuyển nhận văn bản và quản lý điều hành công việc; hơn 95% văn bản không mật được trao đổi qua môi trường mạng; 100% các văn bản trao đổi giữa Bộ và các cơ quan đại diện Việt Nam ở nước ngoài được giao dịch điện tử.
Bên cạnh việc triển khai ứng dụng CNTT trong quản lý văn bản và xử lý công việc, Bộ Ngoại giao còn tập trung xây dựng nhiều ứng dụng CNTT để tin học hóa các nghiệp vụ quản lý trong Bộ: thực hiện ứng dụng quản lý cấp phát hộ chiếu ngoại giao, hộ chiếu công vụ; quản lý hồ sơ điện tử của cán bộ, công chức; hệ thống quản lý về ưu đãi miễn trừ cho các cơ quan đại diện Việt Nam ở nước ngoài; phần mềm quản lý phóng viên và các cơ quan báo chí nước ngoài tại Việt Nam; xây dựng các cơ sở dữ liệu về biên giới lãnh thổ, về người Việt Nam ở nước ngoài, về điều ước quốc tế; cùng nhiều ứng dụng, phần mềm khác triển khai phục vụ công tác tại 97 cơ quan đại diện Việt Nam ở nước ngoài.
Về ứng dụng CNTT trong giải quyết thủ tục hành chính (TTHC), Bộ Ngoại giao đã đạt được những kết quả nhất định từ rất sớm, như năm 2008, triển khai Nghị quyết 36 của Bộ Chính trị về công tác người Việt Nam ở nước ngoài và Quyết định 135 về quy chế miễn thị thực cho người Việt Nam định cư ở nước ngoài, Bộ Ngoại giao đã nhanh chóng xây dựng và ứng dụng thành công hệ thống tiếp nhận, quản lý và giải quyết giấy miễn thị thực Việt kiều trực tuyến để áp dụng tại các cơ quan đại diện Việt Nam ở nước ngoài, cấp phát giấy tờ xuất nhập cảnh đến bà con Việt kiều đáp ứng nguyện vọng trở về đóng góp cho Tổ quốc một cách nhanh chóng, thuận lợi và tiết kiệm chi phí nhất.
Từ kinh nghiệm triển khai nhiệm vụ trên, những năm tiếp theo, Bộ Ngoại giao đẩy mạnh xây dựng những dự án liên quan đến các dịch vụ công như: năm 2009 xây dựng chức năng kê khai trực tuyến hộ chiếu ngoại giao, hộ chiếu công vụ, công hàm xin thị thực; năm 2010, tin học hóa hệ thống quản lý công tác ưu đãi miễn trừ ngoại giao, kê khai xử lý qua mạng đối với các đoàn ngoại giao đóng tại Hà Nội; năm 2013, đầu tư xây dựng hệ thống cấp phát trực tuyến dịch vụ hợp pháp hóa chứng nhận lãnh sự tại Cục Lãnh sự và Sở Ngoại vụ TP.HCM. Và đặc biệt, cũng trong năm 2013, với sự hỗ trợ của Bộ TT&TT, Bộ Ngoại giao đã tranh thủ được nguồn vốn của Ngân hàng Thế giới để xây dựng hệ thống cấp phát thị thực trực tuyến tại Cục Lãnh sự, Sở Ngoại vụ TP.HCM và 97 cơ quan đại diện Việt Nam ở nước ngoài.
(Ảnh: Tuấn Anh) |
Khẳng định rõ công tác đảm bảo an toàn thông tin được Bộ Ngoại giao hết sức coi trọng, ông Phạm Sanh Châu cho biết, trong bối cảnh tình hình ngày càng diễn biến theo chiều hướng phức tạp và khó lường, các sự kiện liên quan của Bộ Ngoại giao luôn là mục tiêu của nhiều cuộc tấn công mạng.
Để đảm bảo an toàn thông tin cho các hệ thống CNTT của Bộ Ngoại giao, Bộ đã thành lập Phòng chuyên trách về an toàn thông tin trực thuộc Trung tâm thông tin của Bộ; chú trọng đầu tư một số thiết bị an ninh thông tin. Bộ Ngoại giao cũng đã nhận được sự hỗ trợ của một số đơn vị như Cục An toàn thông tin và Trung tâm VNCERT của Bộ TT&TT, Ban Cơ yếu Chính phủ đã giám sát 24/7 và cảnh báo cho Bộ về các nguy cơ mất an toàn thông tin để kịp thời xử lý, bảo đảm hệ thống thông tin của Bộ thông suốt, an toàn và hiệu quả.
Hiện nay, Bộ Ngoại giao đang thúc đẩy triển khai dự án hộ chiếu điện tử. Đây là dự án lớn với quy mô triển khai rộng tại tất cả cơ quan đại diện Việt Nam ở nước ngoài, 63 tỉnh thành phố trên cả nước và 2 địa điểm của Bộ Ngoại giao là Cục Lãnh sự và Sở Ngoại vụ TP.HCM. “Chúng tôi đang phối hợp với Bộ Công an và Bộ TT&TT để hoàn thiện dự án khả thi của dự án hộ chiếu điện tử. Thời gian tới, đề nghị Bộ TT&TT hỗ trợ thẩm định hồ sơ dự án khả thi để đẩy nhanh tiến độ dự án”, đại diện Trung tâm Thông tin của Bộ Ngoại giao nêu.