Tiềm năng to lớn
Quỹ Tiền tệ quốc tế (IMF) cho biết, các nước BRICS có tổng GDP danh nghĩa đạt trên 16 nghìn tỷ USD trong năm 2013. Dự báo, BRICS có thể vượt nhóm 7 nước công nghiệp phát triển (G7) vào năm 2027... Mặc dù nhịp độ tăng trưởng gần đây chậm lại, các nền kinh tế BRICS vẫn được cho là có tiềm năng thúc đẩy kinh tế toàn cầu đang cần tăng trưởng một cách cân đối hơn.
Về mặt chiến lược, các nước BRICS đều là các cường quốc ở tầm khu vực hoặc toàn cầu, đồng thời là các nước có tiềm lực quân sự to lớn như Nga, Trung Quốc, Ấn Độ. Ngoại trừ hai nước trong nhóm đã là thành viên thường trực Hội đồng Bảo an LHQ, ba nước còn lại đều là những ứng viên sáng giá khi Hội đồng Bảo an mở rộng trong tương lai. Do đó, BRICS có thể là đối trọng với các cường quốc phương Tây do Mỹ dẫn đầu hiện nay. Không quá lời khi cho rằng, nếu BRICS liên kết chặt chẽ, kết thành đồng minh thì sẽ tạo thành một khối có sức mạnh to lớn chi phối nền kinh tế, chính trị toàn cầu.
Từ trái sang: Tổng thống Nga Vladimir Putin, Thủ tướng Ấn Độ Narendra Modi, Tổng thống Brazil Dilma Rousseff, Chủ tịch Trung Quốc Tập Cận Bình và Tổng thống Nam Phi Jacob Zuma tại HN thượng đỉnh BRICS ở Fortaleza (15/7). |
Tại Hội nghị lần này, năm quốc gia thành viên BRICS đã thảo luận và nhất trí thành lập Ngân hàng phát triển BRICS - theo mô hình của Ngân hàng Thế giới (WB) - với số vốn điều lệ lên đến 50 tỷ USD. Theo kế hoạch, ngân hàng của BRICS sẽ đi vào hoạt động từ năm 2016 với mục đích cung cấp các khoản vay cho các dự án xây dựng hệ thống cơ sở hạ tầng tại các nước đang phát triển....
Sự ra đời của ngân hàng chung được coi là thành tựu lớn, mang tính biểu tượng cho quyền lực lớn mạnh của nhóm BRICS. Hướng tới một ngân hàng chung cũng được xem là một giải pháp để BRICS giành ảnh hưởng lớn hơn trên trường quốc tế, trong bối cảnh khủng hoảng khiến nền kinh tế của EU và Bắc Mỹ đang gặp nhiều khó khăn.
Cùng với một ngân hàng chung, một quỹ dự trữ nhằm bảo vệ các nền kinh tế BRICS trước biến động của thị trường cũng đã được thiết lập với số vốn ban đầu là 100 tỷ USD. Quỹ BRICS ra đời để giúp các nước cân đối cán cân thanh toán mà không cần phá giá đồng nội tệ. Trong bối cảnh nhiều nhà đầu tư trên thế giới đang có xu hướng rút vốn khỏi các thị trường mới nổi và đưa trở lại Mỹ khiến đồng tiền của các nước đang phát triển bị mất giá, quỹ này được kỳ vọng sẽ tăng sức mạnh của các nền kinh tế thành viên.
Bên cạnh hợp tác kinh tế, Hội nghị cũng là cơ hội để các cường quốc, nhất là Nga, Trung Quốc tận dụng tuyên truyền sức mạnh của mình và tìm kiếm sự hậu thuẫn của các nước trong nhóm. Sau cuộc gặp với các nhà lãnh đạo nhóm BRICS, Chủ tịch Trung Quốc Tập Cận Bình tham dự diễn đàn Trung Quốc-Mỹ Latinh, tại đó ông sẽ bày tỏ sự quan tâm ngày càng lớn của Bắc Kinh đối với Mỹ Latinh, khu vực vốn có quan hệ truyền thống về kinh tế với Mỹ. Về phía Nga, Tổng thống Putin đề nghị các đối tác trong khối cùng chống lại "cuộc truy kích" các quốc gia không có chung quan điểm với Mỹ và các đồng minh của Mỹ, ám chỉ chiến dịch cô lập Nga do Mỹ và phương Tây thực hiện sau sự kiện Ukraine.
Cơ hội và thách thức
Tiềm năng của BRICS là rất to lớn, tuy nhiên con đường hợp tác vẫn còn nhiều khó khăn. Theo các chuyên gia tài chính, để có một quỹ chung đi vào hoạt động sẽ còn rất nhiều việc phải làm. Quỹ BRICS chỉ có thể hoạt động sau khi quốc hội các nước thành viên phê chuẩn. Thủ tục này có thể sẽ cần nhiều thời gian. Các nhà phân tích còn cho rằng, các ngân hàng trung ương sẽ không sẵn sàng bỏ tiền góp quỹ vì lo ngại rủi ro vào thời điểm giới đầu tư đang rút vốn khỏi các quốc gia đang phát triển mà BRICS được cho là đại diện. Bên cạnh đó, tổng vốn của Ngân hàng và Quỹ đầu tư BRICS cũng chưa đủ lớn để kích thích tăng trưởng, trong bối cảnh nhà đầu tư nước ngoài không còn mặn mà nhiều, còn các nước thành viên thì tập trung chủ yếu vào các vấn đề nội bộ sát sườn.. Chuyên gia Arvind Subramanian thuộc Viện Nghiên cứu kinh tế quốc tế Peterson cho rằng với Ấn Độ, tăng trưởng kinh tế và kiềm chế lạm phát sẽ quan trọng hơn chuyện hợp tác của BRICS. Nga thì kỳ vọng các nhà lãnh đạo BRICS sẽ thảo luận các vấn đề quốc tế và lên tiếng chống lại sức ép cấm vận từ các nước phương Tây.
Giờ đây các nước thành viên BRICS đang đứng trước cơ hội mới để gia tăng ảnh hưởng của mình trong đời sống kinh tế - chính trị thế giới từ sau cuộc khủng hoảng tài chính năm 2008. Cơ hội cho BRICS là rất to lớn, vấn đề là các nước trong nhóm sẽ thực sự hợp tác vì lợi ích của nhóm hay chỉ tận dụng diễn đàn này để củng cố sức mạnh, tìm kiếm đồng minh cho mục đích riêng của mình.
P.Hoa