Để kịp thời chớp lấy cơ hội, theo GS. Beer, Việt Nam và Anh sẽ phải tập trung vào những lĩnh vực ngành nghề và thị trường mà trên thực tế, hai nước có thể cùng nâng cao giá trị gia tăng cho nhau.
Về chính sách thương mại của Chính phủ Anh thời kỳ hậu Brexit, nhất là trong bối cảnh nước này có thể ra khỏi thị trường chung châu Âu, GS. Julian Beer cho rằng, vẫn có nhiều khả năng có thể xảy ra xét dưới góc độ các cuộc đàm phán về phía Anh. Rõ ràng, vẫn còn nhiều việc cần phải làm. Ví dụ, Anh sẽ phải ra khỏi tất cả các thỏa thuận, hiệp định mà hiện đang ràng buộc với Liên minh châu Âu (EU).
Giáo sư Julian Beer. (Nguồn: Vietnam+) |
Theo GS. Gulian Beer, sắp tới nước Anh có lẽ sẽ theo đuổi các thỏa thuận song phương. Tuy nhiên, mọi việc sẽ chỉ bắt đầu sau khi Anh ra khỏi các thỏa thuận hiện nay. Nước Anh rõ ràng sẽ phải đàm phán và ký kết thỏa thuận với các nước. Điều này đôi khi cũng không phải nhằm lấp đầy khoảng trống, mà trên thực tế là việc thúc đẩy các mối quan hệ mới mẻ trong khi vẫn tìm kiếm lợi ích từ những mối quan hệ cũ. Vương quốc Anh luôn là một quốc gia biết cách vươn lên phía trước. Như vậy, vào thời điểm hiện nay, Anh vẫn triển khai và thúc đẩy các hoạt động thương mại.
Theo ông, sẽ có nhiều loại hình và cách tiếp cận khác nhau đối với các thỏa thuận song phương, tất cả sẽ phụ thuộc vào những cơ hội phía trước. Anh không chỉ theo đuổi một chiến lược đơn nhất và sẽ xem xét các thỏa thuận thương mại sao cho phù hợp với mỗi loại hình đối tác theo nhiều cách thức khác nhau.
Về những tác động của Brexit đối với mối quan hệ thương mại giữa Anh và Việt Nam, GS. Gulian Beer cho rằng hai nước đang ở vào một vị thế rất thuận lợi để thảo luận các cơ hội tăng cường hợp tác ở phạm vi quốc gia. Tỷ trọng thương mại giữa Việt Nam và Anh chưa cao, trong đó khu vực miền Trung nước Anh hầu như chưa có gì. Hiện hai nước đang đứng trước thời cơ thực sự để cùng tăng cường hợp tác và mở ra những cơ hội thương mại mới.
Theo GS. Gulian Beer, Anh có cơ hội tuyệt vời để thúc đẩy mối quan hệ với Việt Nam song cũng sẽ có nhiều thách thức và khó khăn. Việt Nam và Anh cần chú ý tới cách thức mà hai nền kinh tế có thể mang lại lợi ích cho nhau.
Việt Nam và Anh cần tìm ra cơ hội, các lĩnh vực, thị trường mà trên thực tế có thể cùng nâng cao giá trị gia tăng cho nhau. Đây chính là cách thức để thúc đẩy và gặt hái thành công trong mối quan hệ thương mại giữa Anh và Việt Nam và hai nước sẽ cùng chớp lấy cơ hội, hợp tác để vượt qua khó khăn.