📞

Triển vọng thế giới hậu Covid-19: Rối loạn và bất ổn sẽ gia tăng?

QT 08:00 | 23/04/2021
Giám đốc Quỹ tiền tệ quốc tế (IMF) Kristalina Georgieva mới đây cho biết, các nền kinh tế thế giới sẽ phục hồi với tốc độ khác xa nhau và rất phức tạp, do tỉ lệ tiêm chủng vaccine ngừa Covid-19 trên toàn cầu khác nhau ở mỗi nước, nên vận hành nền kinh tế cũng khác nhau.
Cuộc khủng hoảng Covid-19 là nguyên nhân chính châm ngòi cho rối loạn chính trị quốc tế. (Nguồn: China Daily)

IMF cảnh báo, hiện tượng bất bình đẳng hiện nay sẽ ngày càng giãn rộng do khủng hoảng Covid-19, dẫn đến sự bất ổn của kinh tế vĩ mô, làm sâu sắc hơn sự phân hóa thành hai cực, suy yếu niềm tin của người dân đối với chính phủ và tăng nguy cơ rối ren trong xã hội.

Rối loạn là đặc trưng nổi bật của chính trị quốc tế

Đặc điểm này khiến người ta liên tưởng tới các hậu quả nghiêm trọng sau khủng hoảng tài chính thế giới năm 2007-2008. Khủng hoảng ảnh hưởng sâu rộng, không chỉ trong lĩnh vực kinh tế, còn gây ra sự rối loạn chính trị quốc tế nghiêm trọng.

Bà Georgieva kêu gọi chính phủ các nước khi triển khai gói tài chính hỗ trợ phát triển kinh tế toàn cầu với tổng trị giá trên 1.600 tỷ USD, cần tạo “cơ hội công bằng cho mỗi cá nhân”. Qua đó, có thể thấy, vấn đề hiện nay là kinh tế đang bị “phân hóa sâu sắc”, kinh tế toàn cầu đang ngày càng chịu sự lôi kéo của Mỹ và Trung Quốc.

Các nền kinh tế phục hồi với tốc độ khác nhau. Rất nhiều quốc gia khác tụt hậu ở phía sau, đặc biệt là châu Âu và Nam Mỹ, các khu vực này đang đối mặt với chủng Covid-19 mới, gây trở ngại tới sự tăng trưởng kinh tế trong tương lai. Đỉnh điểm của dư chấn chính trị hậu khủng hoảng kinh tế thế giới năm 2008-2009 là năm 2016, thời điểm ông Trump đắc cử Tổng thống Mỹ và trưng cầu dân ý về việc Anh rời EU.

Hai sự kiện lớn này đều nằm ngoài dự đoán, hai quốc gia vốn được coi là nơi chế định các quy tắc truyền thống và trật tự quốc tế, với nền tảng chính trị ổn định, lại trở thành nguồn gốc bạo loạn nghiêm trọng.

Dù năm 2016 mang tính quyết định nhưng rối loạn chính trị nghiêm trọng là đặc trưng chính trị quốc tế, diễn ra trong thời gian dài sau khủng hoảng tài chính. Điển hình là các cuộc cách mạng chính trị, bạo động và các phong trào phản đối ở các thị trường mới nổi, như “Mùa xuân Arab”, bạo động biểu tình ở các nước Algeria, cách mạng ở UKraine…

Các nước phát triển cũng chịu tác động chính trị sâu sắc, hàng triệu người châu Âu mất nhà cửa, chỉ trong năm 2012, có hơn 1/2 trong số 27 quốc gia thành viên EU thay đổi chính quyền.

Bất ổn sẽ gia tăng

Nhân tố mấu chốt dự báo tình hình thế giới 10 năm tới là rối loạn chính trị có xuất hiện với quy mô lớn không, đặc biệt ở các khu vực kinh tế tăng trưởng chậm.

Giám đốc IMF cho rằng, đáp án quyết định bởi giới hoạch định chính sách. IMF đề xuất áp dụng các biện pháp cải cách chính sách thuế và ủng hộ hệ thống phúc lợi xã hội như y tế và giáo dục; báo cáo chỉ ra rằng 121 nền kinh tế mới nổi cần đầu tư khoảng 3.000 tỷ USD cung cấp các dịch vụ và cải cách nêu trên.

IMF dự báo, để thúc đẩy sớm kết thúc cuộc khủng hoảng y tế (gồm cả cung cấp và chia sẻ vaccine tương đối bình đẳng), từ nay đến trước năm 2025 cần chi khoảng 9.000 tỷ USD. Thực tế, tại châu Phi, đến nay mới có Morocco bắt đầu tiêm chủng vaccine ngừa Covid-19.

Dù cánh cửa cơ hội ứng phó với khủng hoảng vẫn mở nhưng dịch bệnh sẽ tiếp tục gây hậu quả chính trị nghiêm trọng. Một phần do nền kinh tế nhiều nước vốn mất cân bằng, nay càng trầm trọng hơn; chủ nghĩa dân túy cánh tả và cánh hữu đều đang lợi dụng điểm này, việc Tổng thống Trump đắc cử Tổng thống năm 2016 là minh chứng điển hình.

Đại dịch Covid-19 đã kéo dài sang năm thứ hai. 10 năm tới, khả năng gia tăng rối loạn chính trị toàn cầu rất lớn, hình thức bộc phát sẽ khác nhau ở mỗi nước. Di chứng của bất bình đẳng kinh tế và cuộc khủng hoảng Covid-19 là nguyên nhân chính châm ngòi cho rối loạn chính trị quốc tế.