Các chuyên gia cho rằng kinh tế khu vực ASEAN dù còn đối mặt với nhiều khó khăn nhưng vẫn có những tín hiệu lạc quan. (Nguồn: Pinterest) |
Hội thảo có sự góp mặt của những chuyên gia hàng đầu từ Viện Nghiên cứu kinh tế ASEAN và Đông Á (ERIA), Ngân hàng Phát triển châu Á (ADB) và công ty Refinitiv - nhà cung cấp toàn cầu về cơ sở hạ tầng và dữ liệu thị trường tài chính).
Mở đầu hội thảo, ông Winfried Wicklein, Phó Tổng giám đốc ADB chia sẻ rằng kinh tế Đông Nam Á đang phục hồi từ sau đại dịch Covid-19. Có thể thấy thông qua số liệu năm 2021 khi tăng trưởng GDP trong khu vực đã tăng ở mức 2,9% và dự báo sẽ tiếp tục tăng trưởng tới 4,9% vào năm 2022.
Trình bày Báo cáo Triển vọng phát triển châu Á năm 2022 (ADO 2022), ông Henry Ma, nhà kinh tế cấp cao của ADB chi nhánh Indonesia nêu rõ diễn biến xung đột Nga- Ukraine đã tác động tới thương mại, các kết nối và hội nhập tài chính của khu vực Đông Nam Á.
Dưới điều hành của bà Nikita Puri, chuyên gia giải pháp đầu tư của công ty Refinitiv, các cuộc thảo luận nhóm xoay quanh vấn đề về tình hình kinh tế khu vực và những thách thức sẽ phải đối mặt.
Cụ thể, những bất ổn toàn cầu sẽ là rào cản trong việc hoạch định chính sách. Làn sóng đại dịch Covid-19 tiếp tục làm gián đoạn thương mại và chuỗi cung ứng toàn cầu, đồng thời tác động lớn nguồn cung lao động thông qua tình trạng thất nghiệp kéo dài. Trong tương lai có thể khu vực Đông Nam Á cũng phải đối mặt với các biến thể mới của bệnh dịch.
Ngoài ra, căng thẳng Nga-Ukraine gần đây đã làm gia tăng lạm phát trong khu vực thông qua giá dầu, hàng hóa và thực phẩm tăng cao, ảnh hưởng đến tiêu dùng và tỷ giá hối đoái.
Bên cạnh đó, việc tăng lãi suất quỹ liên bang gần đây cũng là một thách thức khiến cho chi phí vay vốn tăng. Điều này gây cản trở đối với các nền kinh tế đang cần ưu tiên hỗ trợ người nghèo và các đối tượng dễ bị tổn thương.
Mặc dù còn nhiều khó khăn, các chuyên gia cũng dự báo kinh tế khu vực sẽ có những tín hiệu lạc quan hơn. Trước tình hình hiện nay, khu vực cần tập trung xây dựng quan hệ đối tác, đầu tư vào cơ sở hạ tầng xanh, giảm phát thải carbon, cải thiện tính bền vững và bảo tồn biển, vùng nước và hệ sinh thái biển.
Theo các chuyên gia, việc thực hiện những chính sách này sẽ là bước đà để vực dậy triển vọng tăng trưởng của kinh tế Đông Nam Á.