Để phòng tránh say nắng, hãy đảm bảo cơ thể luôn đủ nước vào mùa Hè, nhất là những ngày nắng nóng cực điểm, tránh xa rượu và caffeine - những chất làm trầm trọng thêm tình trạng mất nước. Lựa chọn thời trang phù hợp thấm hút mồ hôi, rộng rãi, thoáng mát và không quên bảo vệ làn da trước khi ra ngoài. Hạn chế ra ngoài nếu không thực sự cần thiết, nhất là trong thời gian nắng nóng cao điểm trong ngày từ 11h đến 16h.
Những triệu chứng cho thấy cơ thể say nắng là nhiệt độ cơ thể cao từ 40 độ C trở lên - đây là dấu hiệu chính của say nắng. Cùng với đó, người bị say nắng có các hành động nhầm lẫn, kích động, nói ngọng, khó chịu, mê sảng, co giật và hôn mê.
Các dấu hiệu khác như đổ mồ hôi quá nhiều, buồn nôn và nôn, da ửng đỏ, nhịp tim tăng nhanh và xuất hiệu những cơn đau đầu dữ dội đều là một trong những triệu chứng cho thấy bạn đang bị say nắng.
Vậy khi xảy ra tình trạng say nắng, chúng ta cần làm gì? Trước hết, ngay lập tức tìm kiếm sự trợ giúp y tế. Bởi say nắng có thể đe doạ tính mạng và gây ra những ảnh hưởng nghiêm trọng nếu không được xử lý nhanh chóng.
Đồng thời, đưa bệnh nhân vào môi trường có bóng râm, mát hơn hoặc có điều hoà. Chườm khăn mát hoặc túi nước đá lên đầu, cổ, nách và háng. Ngoài ra, tắm nước mát có thể giúp giảm nhiệt độ cơ thể, tiếp tục làm như trên cho đến khi cơ thể hạ nhiệt 38-39 độ C.
Nếu bệnh nhân có thể nuốt, hãy bổ sung nước mát hoặc đồ uống khác không chứa caffeine hoặc rượu để bù nước. Tránh cho người bệnh dùng các loại thuốc như aspirin hoặc acetaminophen
Điều quan trọng là cần phải xử lý say nắng như một trường hợp khẩn cấp và hành động nhanh chóng và hiệu quả.
(theo The Health Site)