Theo tài liệu trên đã được đăng tải trên Rodong Sinmun, tờ báo của đảng Lao động Triều Tiên số ra ngày 5/8. Trong đó, Ủy ban Hòa bình châu Á - Thái Bình Dương cho biết kể từ năm 1988 - thời điểm Mỹ và Nhật Bản ký kết thỏa thuận hạt nhân nói trên, đến nay, Nhật Bản đã tích trữ được 518 tấn plutoni, và Tokyo đã sử dụng 47 tấn. Theo ủy ban này, với 47 tấn plutoni, Nhật Bản có thể sản xuất khoảng 7.800 quả bom nguyên tử giống loại Mỹ đã ném xuống thành phố Nagasaki năm 1945.
Tháng 7/2018, thỏa thuận hạt nhân ký năm 1988 giữa Mỹ và Nhật Bản tự động được gia hạn khi cả hai bên đều không có những bước đi nhằm xem xét lại thỏa thuận này trước khi nó hết hạn. Thỏa thuận này cho phép Nhật Bản tái chế thanh nhiên liệu đã sử dụng và chiết xuất plutoni, mặc dù nước này giới hạn việc sử dụng năng lượng hạt nhân vì các mục đích hòa bình, như sản xuất điện.
Lò phản ứng Monji của Nhật Bản. (Nguồn: Nikkei Asean Review) |
Ủy ban Hòa bình châu Á - Thái Bình Dương chỉ trích Mỹ có nguyên tắc "hai mặt" trong vấn đề hạt nhân, cho rằng trong khi Washington kêu gọi Bình Nhưỡng có hành động cụ thể đáng tin cậy hơn trong tiến trình phi hạt nhân hóa bán đảo Triều Tiên, Mỹ vẫn khuyến khích việc sở hữu vũ khí hạt nhân của nước đồng minh là Nhật Bản thông qua việc tự động gia hạn thỏa thuận hạt nhân trên.
Những lời lẽ chỉ trích trên được công bố trong bối cảnh Washinton thông báo nước này đang gia tăng sức ép buộc Bình Nhưỡng thực hiện các bước đi cụ thể trong tiến trình phi hạt nhân hóa, trong khi Triều Tiên yêu cầu Mỹ trước hết đồng ý với kế hoạch chính thức chấm dứt tình trạng chiến tranh giữa hai miền Triều Tiên đã kéo dài 65 năm qua.
Tại cuộc gặp thượng đỉnh giữa Tổng thống Mỹ Donald Trump và nhà lãnh đạo Triều Tiên Kim Jong-un hồi tháng Sáu tại Singapore, hai bên đã nhất trí "hoàn toàn phi hạt nhân hóa" bán đảo Triều Tiên mà không đưa ra bất cứ lịch trình hay biện pháp cụ thể nào cho tiến trình này.