Triều Tiên phóng các tên lửa trong một cuộc tập trận. (Ảnh minh họa, Nguồn: Getty) |
Theo Yomiuri, Nhật Bản sẽ cập nhật đánh giá này về năng lực hạt nhân Triều Tiên trong Sách Trắng Quốc phòng năm 2019, dự kiến sẽ được Nội các Nhật thông qua vào giữa tháng 9 trước khi được phát hành.
Đây được coi là một bước tiến lớn của Triều Tiên nếu so với bản đánh giá trong Sách Trắng Quốc phòng năm 2018 của nước này. Khi đó, Chính phủ Nhật Bản chỉ nói rằng, có khả năng Triều Tiên đã chế tạo được đầu đạn hạt nhân thu nhỏ.
Theo Sách Trắng, việc thu nhỏ đầu đạn hạt nhân sẽ giúp Triều Tiên có thể gia tăng sức huỷ diệt của các loại tên lửa đạn đạo do nước này phát triển.
Sách Trắng này cũng duy trì nhận định rằng, chương trình hạt nhân và tên lửa Triều Tiên là “mối đe doạ nghiêm trọng” đối với an ninh Nhật Bản và các nước trong khu vực, sau khi các cuộc gặp gỡ giữa Tổng thống Mỹ Donald Trump và nhà lãnh đạo Triều Tiên Kim Jong-un không mang lại nhiều tiến triển.
Tuy nhiên, sau đó, cuộc gặp thượng đỉnh Mỹ - Triều lần thứ hai vào tháng 2 tại Hà Nội đã kết thúc mà không có thỏa thuận và kể từ đó, Triều Tiên đã nối lại các vụ thử tên lửa.
Trong những tuần gần đây, Triều Tiên đã thực hiện 6 vụ phóng thử nghiệm vũ khí mới có sự giám sát và chỉ đạo trực tiếp của Chủ tịch nước này Kim Jong-un.
Trước đó, vào đầu năm nay, một báo cáo của Viện Nghiên Cứu Rand Corporation ở California, nơi có quan hệ mật thiết với Quân đội Mỹ, cho biết, Triều Tiên có thể sẽ sở hữu lên đến 100 đầu đạn hạt nhân từ nay đến năm 2020.
“Việc Triều Tiên vẫn đang tiếp tục phát triển vũ khí hạt nhân và tên lửa đạn đạo làm tăng khả năng họ sẽ sử dụng chúng để chống lại các nước trong khu vực. Việc này sẽ gia tăng bất bình ổn trong và cả ngoài khu vực, ảnh hưởng đến lợi ích sống còn của Mỹ”, báo cáo viết.
Năm 2017, một bản đánh giá của tình báo Mỹ bị rò rỉ kết luận, Triều Tiên đã phát triển được công nghệ sản xuất các đầu đạn hạt nhân với kích thước nhỏ để lắp vừa vào tên lửa. Về lý thuyết, điều này đồng nghĩa với việc Bình Nhưỡng sẽ có khả năng phóng các tên lửa đạn đạo xuyên lục địa được trang bị đầu đạn hạt nhân đến mục tiêu ở rất xa, bao gồm cả lục địa Mỹ.
Ngoài ra, các tên lửa tầm ngắn và tầm trung của Triều Tiên có thể bắn vào Hàn Quốc và Nhật Bản, trong đó có cả các tài sản quân sự của Mỹ ở hai nước này.