Theo báo cáo trên, tỷ lệ chi tiêu quân sự trên Tổng sản phẩm quốc nội (GDP) của Triều Tiên hiện đang đứng đầu thế giới. Nếu tính theo sức mua tương đương (PPP) của người dân Triều Tiên, chi phí dành cho quốc phòng của nước này chiếm 23,3% GDP, cao hơn rất nhiều so với nước có chi tiêu quân sự cao thứ hai là vương quốc Oman với 11,4% GDP.
Lãnh đạo Triều Tiên Kim Jong-un theo dõi một cuộc tập trận phóng tên lửa đạn đạo. (Nguồn: Reuters) |
Các nước đứng thứ ba và thứ tư về chi tiêu quốc phòng lần lượt là Saudi Arabia với 8,5% và Nam Sudan với 8,4%. Israel xếp ở vị trí thứ sáu với 6,5%, Mỹ ở vị trí thứ 15 với 4,3%, Nga ở vị trí thứ 20 với 3,8%. Trong khi đó, chi tiêu quân sự của Hàn Quốc chỉ chiếm 2,6% GDP, xếp thứ 47. Tỷ lệ này của Trung Quốc là 2% GDP, xếp thứ 68, và Nhật Bản là 1%, đứng thứ 136.
Ngoài ra, Triều Tiên cũng là nước có tỷ lệ binh lính chiếm 7,9% trong tổng số dân có khả năng lao động, xếp thứ nhì trên thế giới, sau Eritrea. Theo báo cáo này, Triều Tiên đã sử dụng khoảng 1/4 khoản thu từ các hoạt động kinh tế cho chi tiêu quốc phòng, đầu tư quá nhiều cho lĩnh vực quân sự, đặc biệt là cho phát triển hạt nhân và tên lửa.
Cùng ngày, hãng tin Yonhap (Hàn Quốc) dẫn nguồn tin từ ông Thae Yong-ho, nguyên là Phó Đại sứ Triều Tiên tại Anh đã đào tẩu sang Hàn Quốc hồi tháng 7/2016, dự đoán rằng Triều Tiên đang tìm cách tiến hành vụ thử hạt nhân lần thứ 6 vào khoảng thời gian Hàn Quốc tổ chức cuộc bầu cử tổng thống trong năm tới.
Phát biểu tại một ủy ban của Quốc hội Hàn Quốc ngày 23/12, ông Thae Yong-ho nói: "Đặc biệt, văn bản kêu gọi tiến hành các hoạt động chuẩn bị do Triều Tiên sẽ tìm cách tiến hành vụ thử hạt nhân vào khoảng thời gian diễn ra cuộc bầu cử tổng thống (Hàn Quốc)".
Ông nêu rõ, nhà lãnh đạo Triều Tiên Kim Jong-un mong muốn Triều Tiên được công nhận là một quốc gia hạt nhân ở mức độ như Pakistan hay Ấn Độ. Ông Thae nói thêm: “Sau khi được công nhận là một quốc gia hạt nhân, Triều Tiên hy vọng sẽ giải quyết các vấn đề còn tồn tại thông qua đối thoại quốc tế...".