Hình ảnh của nhà lãnh đạo Triều Tiên Kim Jong-un và Tổng thống Mỹ Joe Biden trong một chương trình thời sự được chiếu tại Nhà ga Suseo ở Seoul, Hàn Quốc hôm 26/3. (Nguồn: AP) |
Ngày 20/6, Cố vấn An ninh Quốc gia Nhà Trắng Jake Sullivan trả lời phỏng vấn kênh truyền hình ABC News: “Chúng tôi đánh giá những bình luận mới đây của ông ấy là một tín hiệu thú vị. Chúng tôi chờ xem liệu chúng sẽ được tiếp diễn bằng bất cứ hình thức giao thiệp nào trực tiếp hơn với chúng tôi về một con đường tiềm năng hướng về phía trước hay không”.
Hôm 18/6, truyền thông nhà nước Triều Tiên đưa tin, trong Hội nghị toàn thể lần thứ 3 Ban Chấp hành Trung ương Đảng Lao động Triều Tiên khóa 8, nhà lãnh đạo Kim Jong-un tuyên bố nước này cần sẵn sàng cho cả kịch bản đối thoại và đối đầu với Mỹ, song nhấn mạnh, Bình Nhưỡng cần "chuẩn bị đầy đủ" cho kịch bản đối đầu.
Trong một tin liên quan, ngày 19/6, Đặc phái viên Mỹ về vấn đề hạt nhân Triều Tiên, Sung Kim đã tới Seoul để hội đàm với những người đồng cấp Hàn Quốc và Nhật Bản nhằm xây dựng chiến lược phối hợp giữa Washington, Seoul và Tokyo trong tiến trình giải quyết vấn đề Triều Tiên.
Theo Bộ Ngoại giao Hàn Quốc, ông Sung Kim dự kiến sẽ gặp song phương với đặc phái viên hạt nhân Hàn Quốc Noh Kyu-duk và tham dự cuộc họp ba bên với đặc phái viên hạt nhân của Nhật Bản Takehiro Funakoshi trong ngày 21/6.
Ông Sung Kim sau đó sẽ có cuộc gặp với Bộ trưởng Thống nhất Hàn Quốc Lee In-young vào ngày 22/6. Mặc dù, ông Sung Kim được cho là không có kế hoạch liên lạc với Triều Tiên trong chuyến thăm này, song có thể sẽ gửi thông điệp tới Bình Nhưỡng.
Dư luận đang rất quan tâm đến những “quân bài” mà ông Sung Kim có thể mang đến để thuyết phục Triều Tiên quay trở lại đàm phán.
Tờ JoongAng Daily ngày 20/6 dự báo, Washington sẽ lựa chọn và cung cấp viện trợ nhân đạo cho Triều Tiên theo các danh mục không trái với những biện pháp trừng phạt hiện nay của Mỹ và cộng đồng quốc tế.
Trong chuyến công du tới Áo hồi tuần trước, Tổng thống Hàn Quốc Moon Jae-in đã khẳng định, sẽ chủ động thúc đẩy hợp tác với Triều Tiên để cung cấp vaccine ngừa Covid-19 cho Bình Nhưỡng. Đồng thời, ông cũng cho biết, Mỹ đang “tích cực hỗ trợ hợp tác nhân đạo với Triều Tiên”, có thể là hỗ trợ lương thực và thuốc bảo vệ thực vật.
Một lĩnh vực hợp tác khác có thể được Mỹ tính tới là đoàn tụ các gia đình ly tán trong Chiến tranh Triều Tiên 1950-1953. Đây là vấn đề được giới lập pháp Mỹ nhấn mạnh nhằm đáp ứng mong mỏi của những người Mỹ gốc Hàn được gặp gỡ thân nhân của họ ở Triều Tiên.
Tính đến thời điểm hiện nay, đã có 3 dự luật liên quan đến vấn đề đoàn tụ của công dân Mỹ gốc Hàn với các thành viên gia đình ở Triều Tiên được đề xuất tại Quốc hội Mỹ.
Tuy nhiên, thách thức vẫn ở phía trước khi những cuộc tập trận quân sự chung thường niên mùa Hè giữa Hàn Quốc và Mỹ thường là thời điểm căng thẳng leo thang trên Bán đảo Triều Tiên.