📞

Triều Tiên trước ngưỡng cửa mới

17:00 | 12/05/2016
Đại hội lần thứ 7 của Đảng Lao động Triều Tiên được kỳ vọng là bước ngoặt về chính trị và kinh tế, đem lại sự đổi thay cho quốc gia Đông Bắc Á này.

Diễn ra trong 4 ngày (6-9/5), Đại hội Đảng Lao động Triều Tiên năm nay đã thông qua hai phương hướng quan trọng: thúc đẩy phát triển kinh tế quốc dân và tăng cường năng lực vũ khí hạt nhân “cả về chất và về lượng”. Đại hội lần này cũng bầu ông Kim Jong-un làm Chủ tịch Đảng Lao động, qua đó góp phần củng cố quyền lực của nhà lãnh đạo trẻ sau hơn 4 năm cầm quyền.

Phát triển “song tiến”

Hiện nay, kinh tế Triều Tiên đang phải hứng chịu các lệnh trừng phạt nặng nề của Liên hợp quốc sau khi quốc gia này tiến hành một loạt vụ thử hạt nhân và tên lửa. Chính vì vậy, tại Đại hội Đảng vừa qua, nhà lãnh đạo Kim Jong-un đã đưa ra kế hoạch 5 năm (2016-2020) nhằm tăng trưởng kinh tế về mọi mặt, trong đó nhấn mạnh tới sự cần thiết cải thiện nguồn cung cấp và phát triển năng lượng nội địa, đặc biệt là điện hạt nhân. Bên cạnh đó, kế hoạch nói trên cũng đề cập đến nhiều vấn đề quan trọng khác như cơ khí hóa nông nghiệp, tự động hóa các nhà máy, tăng sản lượng than đá…

Người dân Bình Nhưỡng tham gia diễu hành mừng kết quả của Đại hội Đảng Lao động Triều Tiên lần thứ 7 hôm 9/5. (Nguồn: AP)

Chuyên gia về Triều Tiên Michael Madden (Đại học Johns Hopkins) cho rằng, tuy kế hoạch kinh tế mà ông Kim Jong-un đề ra thiếu các chi tiết rõ ràng song điều quan trọng là ít nhất, nhà lãnh đạo trẻ này cũng đã khởi xướng một chính sách mới. Ông Madden nhận định trên mạng 38North rằng: “Khác với cha mình, ông Kim Jong-un công khai gánh vác trách nhiệm đối với nền kinh tế và vấn đề phát triển của đất nước”. Trong suốt thời gian nắm quyền trước đây, cố Chủ tịch Kim Jong-il chủ yếu thực thi chính sách “tiến quân” - chỉ chú trọng đầu tư vào các hoạt động của quân đội và phát triển vũ khí, bất chấp thực tế Triều Tiên ngày càng bị cô lập nặng nề.

Song song với kế hoạch thúc đẩy nền kinh tế còn yếu kém, ông Kim Jong-un khẳng định Triều Tiên sẽ tiếp tục là một quốc gia hạt nhân, tuy nhiên sẽ không sử dụng vũ khí hạt nhân trong trường hợp chủ quyền không bị các quốc gia khác đe dọa. Theo ông Kim Jong-un, Bình Nhưỡng sẽ “hoàn thành mọi cam kết về không phổ biến vũ khí hạt nhân và đóng góp công sức cho mục tiêu phi hạt nhân hóa toàn cầu”. Ngoài ra, nhà lãnh đạo Triều Tiên cũng kêu gọi thúc đẩy đối thoại với Hàn Quốc nhằm mở ra chương mới cho việc cải thiện quan hệ giữa hai miền, vì thịnh vượng chung và mục tiêu cuối cùng là thống nhất đất nước.

Củng cố quyền lãnh đạo

Giới quan sát nhìn chung đều cho rằng, Đại hội Đảng lần thứ 7 của Triều Tiên là sự kiện quan trọng của nước này khi đóng vai trò củng cố đoàn kết toàn dân, đồng thời đánh dấu “sự khởi đầu chính thức và toàn diện của thời đại Kim Jong-un”.

Sự kiện diễn ra trong bối cảnh nhà lãnh đạo cao nhất của Triều Tiên Kim Jong-un lên cầm quyền sắp tròn 5 năm nên nó mang ý nghĩa kế thừa truyền thống, vừa để nhìn lại và tổng kết những thành tựu mà Đảng Lao động Triều Tiên giành được dưới thời các cố lãnh đạo Kim Il-sung và Kim Jong-il, vừa để xác định đường lối, chính sách và định hướng trong thời kỳ mới.

Có thể thấy, dư luận quốc tế quan tâm đến kỳ Đại hội Đảng lần này của Bình Nhưỡng không chỉ vì mong chờ một sự chuyển biến chính trị sẽ diễn ra tại đất nước bí ẩn nhất thế giới này mà còn hy vọng “giải mã” được phần nào chính sách hạt nhân và định hướng phát triển kinh tế ở Triều Tiên.

Ngân hàng Trung ương Hàn Quốc ước tính kinh tế Triều Tiên tăng trưởng khoảng 1% trong giai đoạn 2011 - 2014, một phần do sự trỗi dậy của thị trường chợ đen - nơi quy mô kinh doanh nhỏ được chấp nhận. Triều Tiên cũng gần như tránh được các thảm họa thiên nhiên lớn và nạn đói lan rộng như trong quá khứ. Vì vậy, trong bối cảnh Đại hội vừa qua xác định biện pháp quản lý kinh tế mới, giới phân tích dự báo công cuộc xây dựng nền kinh tế và nâng cao đời sống dân sinh ở Triều Tiên có triển vọng được cải thiện đáng kể.

Trong khi đó, đường lối phát triển hạt nhân và đề xuất đối thoại mà nhà lãnh đạo Triều Tiên đưa ra tại Đại hội lại đang khiến các nước nghi ngờ. Hàn Quốc cho rằng đề xuất đó thiếu thiện chí và chỉ là cách để biện minh cho chương trình phát triển vũ khí hạt nhân vốn được coi là một thành tựu lớn của Bình Nhưỡng. Truyền thông phương Tây thậm chí cho biết những chuyển động quan sát được thời gian gần đây tại địa điểm thử hạt nhân của Triều Tiên cho thấy nước này đang chuẩn bị cho vụ thử hạt nhân lần thứ 5.

Vì vậy, Chính quyền Kim Jong-un cần cho thấy những nỗ lực thực sự để loại bỏ mối quan ngại của cộng đồng quốc tế thông qua những hành động cụ thể. Tuy nhiên, sự ổn định của khu vực không chỉ phụ thuộc vào thiện chí của Bình Nhưỡng, mà còn đòi hỏi các bên liên quan phải có những chính sách phù hợp và tích cực, nhằm xây dựng lòng tin và có những nhượng bộ cần thiết để hiện thực hóa mục tiêu phi hạt nhân hóa bán đảo Triều Tiên, góp phần vào hòa bình và ổn định ở Đông Bắc Á cũng như trên thế giới nói chung.