TIN LIÊN QUAN | |
3.500 ý kiến, kiến nghị của cử tri, nhân dân gửi đến Quốc hội | |
Toàn văn bài phát biểu của Chủ tịch Quốc hội khai mạc Kỳ họp thứ 5 |
Bảo đảm sử dụng ngân sách Nhà nước hiệu quả, tiết kiệm
Trình bày Báo cáo Quyết toán ngân sách Nhà nước năm 2016 của Chính phủ, Bộ trưởng Bộ Tài chính Đinh Tiến Dũng nêu rõ năm 2016 là năm thực hiện nghị quyết của Quốc hội và Hội đồng nhân dân các cấp trong điều kiện tiếp tục phải điều chỉnh giảm thuế theo cam kết hội nhập khu vực và quốc tế.
Bộ trưởng Bộ Tài chính Đinh Tiến Dũng trình bày Báo cáo quyết toán ngân sách nhà nước năm 2016. (Ảnh: Phương Hoa/TTXVN) |
Việc thực hiện có hiệu quả các giải pháp đồng bộ nhằm phấn đấu phục hồi tăng trưởng kinh tế, sự nỗ lực của cả hệ thống chính trị đã góp phần tác động đến kết quả thu, chi ngân sách năm 2016. Chi đầu tư phát triển hợp lý, ưu tiên đối với nông nghiệp, nông thôn, các địa phương miền núi, Tây Nguyên, thực hiện nhiệm vụ xóa đói giảm nghèo, an sinh xã hội, phòng chống, khắc phục hậu quả thiên tai, dịch bệnh; bổ sung kinh phí quốc phòng, an ninh, góp phần ổn định kinh tế vĩ mô, bảo đảm an ninh tài chính quốc gia.
Công tác quản lý, kiểm soát chi ngân sách Nhà nước chặt chẽ theo quy định của Luật Ngân sách Nhà nước và Nghị quyết của Quốc hội. Các bộ, cơ quan trung ương, địa phương đã triển khai nhiều giải pháp, điều hành dự toán ngân sách Nhà nước có hiệu quả, tiết kiệm, chống lãng phí theo Nghị quyết của Quốc hội.
Trên cơ sở đó, Chính phủ trình Quốc hội xem xét phê chuẩn quyết toán thu, chi ngân sách Nhà nước năm 2016 như sau: Tổng số thu cân đối ngân sách Nhà nước là 1.407.572 tỷ đồng (bao gồm cả nguồn năm 2015 chuyển sang năm 2016, thu kết dư ngân sách địa phương năm 2015, thu huy động đầu tư của ngân sách địa phương và thu từ quỹ dự trữ tài chính theo quy định của Luật Ngân sách Nhà nước). Tổng số chi cân đối Ngân sách Nhà nước là 1.574.448 tỷ đồng (bao gồm cả chuyển nguồn từ năm 2016 sang năm 2017); bội chi Ngân sách Nhà nước 248.728 tỷ đồng, bằng 5,52% GDP.
Theo Báo cáo Kiểm toán quyết toán Ngân sách Nhà nước năm 2016, thu ngân sách Nhà nước năm 2016 mặc dù vượt dự toán 92.881 tỷ đồng nhưng tăng thu chủ yếu từ tiền sử dụng đất 49.619 tỷ đồng và lợi nhuận, cổ tức được chia cho phần vốn Nhà nước đầu tư tại doanh nghiệp 19.346 tỷ đồng, như vậy vượt thu chỉ còn 23.916 tỷ đồng.
Một số bộ, ngành, địa phương lập, giao dự toán thu chưa đúng quy định; dự kiến chưa đầy đủ, bao quát hết nguồn thu trên địa bàn; chưa đảm bảo mức phấn đấu tăng thu bình quân tối thiểu 15% theo quy định. Bên cạnh đó, tình trạng người nộp thuế kê khai thiếu doanh thu, xác định sai chi phí, từ đó tính thiếu thuế giá trị gia tăng, thuế thu nhập doanh nghiệp và lợi nhuận còn lại phải nộp ngân sách Nhà nước vẫn diễn ra khá phổ biến.
Đáng chú ý, về cơ chế, chính sách và hiệu quả của một số chương trình, dự án, báo cáo của Kiểm toán Nhà nước nêu rõ một số bộ, ngành, địa phương giao biên chế công chức vượt Bộ Nội vụ giao 5.087 biên chế; sử dụng lao động thực tế trong các cơ quan hành chính, đơn vị sự nghiệp công lập vượt quy định 63.279 người.
Tổng quỹ lương bố trí cho biên chế công chức, viên chức, lao động do vượt chỉ tiêu được giao làm tăng chi ngân sách Nhà nước 859 tỷ đồng. Ngoài ra, một số đơn vị được chọn mẫu kiểm toán có số lượng cấp phó của người đứng đầu các sở, ban, ngành vượt so với quy định; giữ chức danh hàm và hưởng phụ cấp hàm không có trong quy định của Nhà nước.
Báo cáo thẩm tra Quyết toán ngân sách Nhà nước năm 2016 của Ủy ban Tài chính-Ngân sách của Quốc hội cho rằng, mặc dù giá dầu thô giảm sâu và giảm thuế theo lộ trình cam kết quốc tế nhưng tổng thu ngân sách cơ bản đạt dự toán để bố trí nguồn lực cho các nhiệm vụ chi theo dự toán Quốc hội quyết định.
Tuy nhiên, bên cạnh kết quả đạt được, việc thực hiện một số nội dung liên quan đến chính sách tài khóa năm 2016 chưa thực sự hiệu quả; cơ cấu thu ngân sách chưa bền vững, tăng thu chủ yếu từ tài nguyên và đất đai; tỷ trọng các khoản thu, chi ngân sách Nhà nước còn khoảng cách so với mục tiêu phấn đấu giai đoạn 2016-2020.
Việc chậm cải cách chính sách thu cùng với giao dự toán vượt quá khả năng thực hiện dẫn đến năm 2016 có 12 địa phương (loại trừ thu sử dụng đất) hụt thu cân đối khoảng 5.300 tỷ đồng; loại trừ khoản vượt thu viện trợ, tiền sử dụng đất ghi thu-ghi chi cho các dự án để chi cho mục tiêu thì ngân sách Trung ương hụt thu cân đối 1.398 tỷ đồng và không có nguồn để thưởng vượt thu cho 7 địa phương đủ điều kiện được thưởng vượt thu.
Ngoài ra, việc giao dự toán cho một số địa phương vượt quá khả năng thực hiện và hụt thu ngân sách Trung ương vẫn tiếp tục diễn ra. Việc cơ cấu lại chi ngân sách chậm nên tỷ trọng chi thường xuyên/tổng chi ngân sách Nhà nước có xu hướng tăng (chi thường xuyên năm 2015 chiếm 62,3% tổng chi ngân sách Nhà nước nhưng năm 2016 tăng lên mức 63,5%). Đây cũng là hệ quả của việc chậm triển khai sắp xếp bộ máy, tinh giản biên chế và việc thực hiện cơ chế tự chủ của các đơn vị sự nghiệp công lập còn bất cập.
Từ hạn chế này, Ủy ban Tài chính-Ngân sách của Quốc hội đề nghị Chính phủ chỉ đạo các cơ quan quản lý thu tiếp tục tăng cường công tác điều hành thu, tập trung thực hiện triệt để các giải pháp chống thất thu thuế, chống chuyển giá, đôn đốc thu hồi nợ đọng; thu đúng, thu đủ, thu kịp thời các khoản thuế phát sinh.
Ngoài ra, Chính phủ cần phân tích, đánh giá nguyên nhân của các bất cập, hạn chế trong chi thường xuyên, chi đầu tư, làm rõ trách nhiệm của các bộ, ngành, địa phương đồng thời thực hiện các giải pháp để nâng cao chất lượng điều hành chi ngân sách Nhà nước, bảo đảm việc quản lý, sử dụng ngân sách Nhà nước hiệu quả, tiết kiệm.
Phát triển trồng trọt theo định hướng thị trường
Theo Tờ trình dự án Luật Trồng trọt do Bộ trưởng Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn Nguyễn Xuân Cường trình bày việc ban hành Luật Trồng trọt là rất cần thiết nhằm thiết lập khung pháp lý điều chỉnh các quan hệ xã hội trong lĩnh vực trồng trọt, đảm bảo tính minh bạch, hiệu quả, khả thi để phát triển trồng trọt theo định hướng thị trường; có cơ cấu quản lý, sản xuất, kinh doanh hợp lý; tạo lập được nền sản xuất hàng hóa quy mô lớn, chất lượng, đảm bảo an ninh lương thực, nâng cao thu nhập, cải thiện đời sống nông dân, thích ứng với biến đổi khí hậu và hội nhập kinh tế quốc tế. Dự thảo Luật Trồng trọt được xây dựng gồm 7 Chương và 82 Điều.
Cơ bản tán thành các nội dung nêu trong Tờ trình của Chính phủ, Ủy ban Khoa học, Công nghệ và Môi trường của Quốc hội - cơ quan thẩm tra dự án Luật, đề nghị Ban soạn thảo tiếp tục nghiên cứu, rà soát một số nội dung trong dự thảo Luật chưa thực sự phù hợp với Luật Phí và lệ phí, Luật Hải quan, Luật Dự trữ quốc gia...; quy định rõ hơn về lộ trình xây dựng, ban hành đủ các tiêu chuẩn, quy chuẩn kỹ thuật quốc gia để kiểm soát được chất lượng giống, chất lượng phân bón; việc bảo tồn, khai thác, sử dụng vật liệu nhân giống cây trồng, đặc biệt là nguồn gen quý hiếm, bản địa đem lại lợi thế cạnh tranh cho sản phẩm trồng trọt.
Ngoài ra, ban soạn thảo cũng cần cụ thể hóa tối đa các điều, khoản còn quy định giao Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ, Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn hoặc Bộ trưởng Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn ban hành; rà soát, chỉnh sửa một số quy định trong dự thảo Luật cho phù hợp với thực tế để bảo đảm tính thống nhất trong hệ thống văn bản pháp luật và tính khả thi khi Luật được ban hành.
Phân định rõ đặc xá với các chính sách khoan hồng khác
Tại phiên làm việc chiều 21/5, Bộ trưởng Bộ Công an Tô Lâm thừa ủy quyền của Thủ tướng Chính phủ đã trình bày Tờ trình dự án Luật Đặc xá (sửa đổi).
Đặc xá là sự khoan hồng đặc biệt của Nhà nước đối với người phạm tội bị kết án phạt tù có thời hạn, tù chung thân đã được giảm xuống tù có thời hạn, đồng thời khuyến khích họ ăn năn hối cải, tích cực học tập, lao động cải tạo để được hưởng sự khoan hồng của Nhà nước, trở thành người có ích cho xã hội. Để kế thừa, phát huy truyền thống nhân đạo của dân tộc, chính sách khoan hồng của Nhà nước, căn cứ Hiến pháp năm 1992 và kết quả thực tiễn thực hiện đặc xá, ngày 21/11/2007, tại Kỳ họp thứ 2, Quốc hội Khóa XII đã thông qua Luật Đặc xá.
Bộ trưởng Bộ Công an Tô Lâm trình bày Tờ trình dự án Luật Đặc xá (sửa đổi). (Ảnh: Phương Hoa/TTXVN) |
Bộ trưởng Tô Lâm cho biết, tổng kết thực tiễn trên 10 năm thi hành Luật Đặc xá năm 2007 cho thấy, nhiều quy định của Luật không còn phù hợp, cần phải sửa đổi, bổ sung. Theo đó, trong tình hình hiện nay, việc sửa đổi, bổ sung Luật Đặc xá năm 2007 nhằm cụ thể hóa thẩm quyền của Chủ tịch nước về đặc xá quy định trong Hiến pháp năm 2013; bảo đảm sự đồng bộ, thống nhất của hệ thống pháp luật.
Dự thảo Luật Đặc xá (sửa đổi) bao gồm 6 chương, 39 điều. So với Luật Đặc xá năm 2007 thì dự thảo Luật Đặc xá (sửa đổi) giữ nguyên số chương, tăng 3 điều quy định về trách nhiệm của Tổ thẩm định liên ngành, Bộ Tư pháp và Bộ Ngoại giao trong thực hiện công tác đặc xá.
Cơ bản tán thành với quan điểm, định hướng xây dựng dự án Luật được nêu trong Tờ trình của Chính phủ, Ủy ban Tư pháp của Quốc hội nhấn mạnh, đặc xá là sự khoan hồng đặc biệt của Nhà nước do Chủ tịch nước quyết định đối với người bị kết án phạt tù, do đó các quy định về đặc xá phải có sự khác biệt cơ bản so với các chính sách khoan hồng khác đang được giao cho các cơ quan tư pháp thực hiện. Tính chất đặc biệt này phải được thể hiện ở các nội dung chủ yếu là thẩm quyền, thời điểm, điều kiện, trình tự, thủ tục đặc xá.
Đáng lưu ý, Bộ luật Hình sự đã bổ sung chế định Tha tù trước thời hạn có điều kiện, nếu không sửa đổi cơ bản về điều kiện đặc xá mà áp dụng song song hai chế định này thì dẫn tới trùng lặp về chính sách. Vì vậy, một mặt cầnphân định rành mạch tính chất đặc trưng của đặc xá so với các chính sách khoan hồng khác để khắc phục hạn chế về số lượng người được đặc xá lớn, đối tượng rộng như thời gian qua, bảo đảm ý nghĩa đặc ân của người đứng đầu Nhà nước.
Mặt khác, việc sửa đổi Luật Đặc xá cũng phải bảo đảm cân đối giữa việc thực hiện chính sách khoan hồng đặc biệt với tính nghiêm minh trong thực thi bản án của Tòa án, không làm ảnh hưởng đến hiệu lực, hiệu quả của toàn bộ quá trình tố tụng trước đó.
Bên cạnh đó, qua phản ánh của cử tri cho thấy còn có ý kiến băn khoăn về công tác đặc xá thời gian qua triển khai gấp gáp nên chưa bảo đảm đầy đủ sự tham gia, giám sát của nhân dân, từ đó có thể làm ảnh hưởng nhất định đến chất lượng công tác đặc xá. Ý kiến này đề nghị Luật sửa đổi phải khắc phục được những hạn chế nêu trên, nâng cao chất lượng công tác đặc xá, đồng thời tránh việc hiểu sai đặc xá ngoài việc thực hiện chính sách khoan hồng của Nhà nước thì còn có mục đích nhằm giảm tình trạng quá tải ở các cơ sở giam giữ.
Theo chương trình, ngày mai (22/5), Quốc hội thảo luận ở tổ về đánh giá bổ sung kết quả thực hiện kế hoạch phát triển kinh tế-xã hội và ngân sách Nhà nước năm 2017; tình hình thực hiện kế hoạch phát triển kinh tế-xã hội và ngân sách Nhà nước những tháng đầu năm 2018 (trong đó có kết hợp thảo luận cùng Báo cáo về kết quả thực hành tiết kiệm, chống lãng phí năm 2017) và quyết toán ngân sách Nhà nước năm 2016.
Khai mạc trọng thể Kỳ họp thứ 5 Quốc hội khóa XIV Đúng 9 giờ ngày 21/5, Kỳ họp thứ 5, Quốc hội khóa XIV khai mạc trọng thể tại Nhà Quốc hội (Thủ đô Hà Nội). |
Quốc hội khoá XIV chỉ còn 487 đại biểu 2 người bị bác tư cách đại biểu, 3 đại biểu được cho thôi nhiệm vụ, 2 người bị mất quyền đại biểu và 2 ... |
Quốc hội sẽ thông qua 8 dự án luật tại kỳ họp thứ 5 Sáng nay (19/5), Văn phòng Quốc hội đã tổ chức cuộc họp báo về dự kiến chương trình kỳ họp thứ 5 Quốc hội khóa ... |