Còn trong lời mở đầu bài phát biểu, Tổng thống Abdel Fattah Al Sisi đã bày tỏ cảm kích trước sự đón tiếp nồng hậu và hiếu khách - điều mà ông cho rằng “phản ánh nét truyền thống của Việt Nam, đất nước mà Ai Cập đang duy trì mối quan hệ lịch sử của tình hữu nghị và hợp tác”. Theo nhà lãnh đạo Ai Cập, trong suốt nhiều thập kỷ, quốc gia Bắc Phi và Việt Nam đã duy trì quan hệ tốt đẹp trên cơ sở tôn trọng, phối hợp và hợp tác trên nhiều khía cạnh khác nhau về chính trị, kinh tế và văn hóa.
Chủ tịch nước Trần Đại Quang và Tổng thống Ai Cập Abdel Fattah Al Sisi tại lễ đón chính thức. (Ảnh: Nguyên Hồng) |
Về phần mình, Chủ tịch nước Trần Đại Quang cho biết, trong cuộc hội đàm ngày 6/9 “rất hiệu quả và thành công” giữa ông và lãnh đạo Ai Cập, hai bên đã nhất trí nhiều biện pháp cụ thể nhằm thúc đẩy hợp tác song phương trên nhiều lĩnh vực trong thời gian tới. Hai bên đều cho rằng cần tăng cường trao đổi đoàn các cấp, đặc biệt là cấp cao; thường xuyên tham vấn về các vấn đề cùng quan tâm; tiếp tục phối hợp chặt chẽ và ủng hộ lẫn nhau tại các diễn đàn quốc tế và khu vực, đặc biệt là trong khuôn khổ Liên hợp quốc, Phong trào Không liên kết và Tổ chức Pháp ngữ… “Trước đây, hai nước đã ủng hộ, giúp đỡ lẫn nhau. Hiện nay, hai nước sẽ tiếp tục truyền thống đó”, Chủ tịch nước khẳng định.
Cột mốc lưu vào lịch sử
Chủ tịch nước Trần Đại Quang nhấn mạnh chuyến thăm Việt Nam lần này của Tổng thống Abdel Fattah Al Sisi có “ý nghĩa đặc biệt quan trọng” vì đây là lần đầu tiên một Tổng thống Ai Cập thăm cấp Nhà nước đến Việt Nam, kể từ khi hai nước thiết lập quan hệ ngoại giao năm 1963. Theo Chủ tịch nước, “điều đó thể hiện quyết tâm của Ai Cập trong việc làm sâu sắc hơn mối quan hệ hợp tác hữu nghị truyền thống đã gắn kết Việt Nam và Ai Cập trong nhiều thập kỷ qua”.
Chuyến thăm của Tổng thống Abdel Fattah Al Sisi cũng thu hút nhiều sự quan tâm của dư luận và giới truyền thông. Egypt Today đánh giá đây là “chuyến thăm lịch sử”, còn Al Messa Daily - một trong những tờ báo hàng đầu của Ai Cập - cho rằng chuyến thăm sẽ mở ra trang mới trong quan hệ song phương. Nhiều chuyên gia nhận định, việc Nguyên thủ Ai Cập thăm Việt Nam thể hiện chính sách đối ngoại hướng Đông của Cairo. Bộ trưởng Đầu tư và hợp tác quốc tế Ai Cập Sahar Nasr cho biết kể từ khi hai nước thiết lập quan hệ ngoại giao đầy đủ cách đây 54 năm, Chính phủ Ai Cập đã coi Việt Nam là người bạn gần gũi và là đối tác thành công.
Đất nước Kim tự tháp là một trong những nước Arab đầu tiên thiết lập quan hệ và mở Đại sứ quán tại Việt Nam. Chính phủ và nhân dân Ai Cập đã hết lòng ủng hộ Việt Nam trong các cuộc kháng chiến để giành độc lập dân tộc. Trong giai đoạn xây dựng đất nước, Chính phủ Ai Cập vẫn tiếp tục bày tỏ sự ủng hộ đối với Việt Nam. Năm 2011 và 2014, Ai Cập đã tích cực hỗ trợ Việt Nam trong hai đợt sơ tán lao động tại Lebanon.
Chủ tịch nước Trần Đại Quang và Tổng thống Abdel Fattah Al Sisi tại hội đàm. (Ảnh: Nguyên Hồng) |
Trong buổi tiếp Tổng thống Ai Cập Abdel Fattah Al Sisi ngày 6/9 tại Trụ sở Trung ương Đảng, Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng cho rằng chuyến thăm Việt Nam đầu tiên của một Tổng thống Ai Cập sẽ là dấu mốc lịch sử mở ra giai đoạn phát triển mới tốt đẹp hơn nữa cho quan hệ hữu nghị truyền thống giữa hai nước mà Chủ tịch Hồ Chí Minh là người đặt nền móng. |
Nơi thời gian phải sợ hãi
“Mọi thứ đều sợ thời gian, nhưng thời gian phải sợ kim tự tháp” là câu nói nổi tiếng của người Ai Cập về sự hùng vĩ và trường tồn gần 5.000 năm của các Kim tự tháp tại quốc gia này. Trong số hơn 130 Kim tự tháp được tìm thấy ở Ai Cập, cụm Kim tự tháp Giza được xem là vĩ đại nhất và cũng là kỳ quan cuối cùng trong bảy kỳ quan cổ đại còn tồn tại đến ngày nay.
Không chỉ nổi tiếng với những công trình của thế giới cổ đại, không chỉ là nơi viết lên lịch sử văn minh nhân loại, Ai Cập còn được biết đến với dòng sông Nile huyền thoại. Người Ai Cập tin rằng sông Nile là món quà độc đáo nhất mà các vị thần đã ban cho họ. Dòng sông cung cấp nước ngọt cho toàn bộ đất nước. Hai bên sông là những đô thị lớn nhỏ, những cánh đồng phì nhiêu, những thung lũng tươi tốt.
Ai Cập được coi là nước lớn ở khu vực, có uy tín và vị trí địa chiến lược quan trọng nối liền lục địa Á – Phi. Trong những năm 1950-1960, Ai Cập là một trong những lá cờ đầu của phong trào giải phóng dân tộc, một trong những nước sáng lập ra phong trào Không liên kết. Nước này có đường lối đối ngoại cân bằng, có quan hệ hợp tác chiến lược với cả Mỹ, Trung Quốc, Nga… và đóng vai trò quan trọng trong Tiến trình hòa bình Trung Đông, khủng hoảng Libya…
Thời gian qua, tình hình chính trị bất ổn tác động tiêu cực đến sự phát triển kinh tế của Ai Cập, đặc biệt với các lĩnh vực đem lại nguồn thu chính cho nước này như du lịch, xuất khẩu dầu mỏ, kiều hối, thu hút đầu tư nước ngoài… buộc chính quyền của Tổng thống Abdel Fattah Al Sisi phải áp dụng nhiều biện pháp cải cách kinh tế mạnh mẽ như cắt giảm trợ cấp, áp thuế VAT, thả nổi tiền tệ, đổi mới chính sách đầu tư, thương mại… Các cải cách trên bước đầu đạt hiệu quả tích cực, cùng với những hỗ trợ tài chính của Tổ chức Tiền tệ Quốc tế (IMF) đã giúp nền kinh tế Ai Cập dần đi vào ổn định và được dự báo sẽ tăng trưởng trở lại mức 5% trong năm 2017.
Tại cuộc hội đàm ngày 6/9, Chủ tịch nước Trần Đại Quang và Tổng thống Ai Cập Abdel Fattah Al Sisi nhắc lại việc Chủ tịch Hồ Chí Minh đã ba lần đặt chân đến Ai Cập và đề nghị ngành Văn hóa hai nước tiếp tục nghiên cứu về thời kỳ lịch sử này và coi đây là một trong những di sản của mối quan hệ hữu nghị truyền thống giữa hai nước. Hai Nguyên thủ nhất trí trong năm 2018, hai nước sẽ cùng phối hợp tổ chức các hoạt động thiết thực và có ý nghĩa để kỷ niệm 55 năm thiết lập quan hệ ngoại giao (1963 - 2018). |
Đến với giấc mơ của người Ai Cập
Năm năm trước khi chính thức thiết lập quan hệ ngoại giao, Việt Nam đã có cơ quan đại diện thương mại tại Ai Cập. Có thể thấy, hợp tác về kinh tế, thương mại được hai nước chú ý từ sớm, tuy nhiên, kim ngạch thương mại song phương trung bình trong những năm qua mới đạt trên 350 triệu USD. Một trong những nguyên nhân là do doanh nghiệp của hai nước còn thiếu những thông tin về nhau, thiếu những cơ hội để gặp gỡ, tìm hiểu thị trường hai nước. Bởi vậy, sự kiện Diễn đàn doanh nghiệp được tổ chức ngày 7/9 với sự hiện diện của Tổng thống Abdel Fattah Al Sisi và khoảng 20 tập đoàn lớn của Ai Cập, không chỉ cho thấy sự quan tâm của nước này trong việc thúc đẩy hợp tác thương mại, đầu tư với Việt Nam mà còn củng cố niềm tin về việc sớm đạt mục tiêu kim ngạch thương mại song phương đạt mức 1 tỷ USD mà hai bên đã đề ra.
Thực tế, như Chủ tịch nước Trần Đại Quang đã khẳng định trong cuộc họp báo, “cơ hội hợp tác kinh tế giữa hai nước rất lớn và có thể bổ trợ cho nhau”. Chủ tịch nước cho rằng, chín văn kiện hợp tác vừa được hai bên ký kết trong các lĩnh vực thương mại, vận tải đường biển, du lịch, văn hóa, hợp tác nghề cá… sẽ góp phần hoàn thiện khung pháp lý cho hợp tác song phương trong thời gian tới.
Ngay trong họp báo, Tổng thống Abdel Fattah Al Sisi - người ký sắc lệnh thành lập khu kinh tế đặc biệt xung quanh kênh đào Suez - mời gọi doanh nghiệp Việt Nam đầu tư vào các dự án lớn của Ai Cập, trong đó có Khu kênh đào Suez. Đây là một phần của đại dự án đầy tham vọng nhằm phát triển các khu vực tiếp giáp với tuyến đường thủy chiến lược này, biến nó thành một trung tâm công nghiệp lớn.
Kênh đào Suez nối Địa Trung Hải với Biển Đỏ là tuyến đường biển ngắn nhất từ châu Á sang châu Âu. Tháng 8/2015, kênh đào Suez mới được khánh thành sau một năm khởi công trong niềm hân hoan của cả người dân và Chính phủ Ai Cập. Kênh đào mới này được xem là “giấc mơ của người Ai Cập” với kỳ vọng sẽ giúp Cairo có thêm nhiều lợi ích kinh tế. Đây cũng là dự án lớn hàng đầu của Chính phủ Ai Cập trong nỗ lực khôi phục niềm tin của các nhà đầu tư sau những năm biến động chính trị.