Chủ tịch nước Nguyễn Xuân Phúc phát biểu tại Lễ kỷ niệm 45 năm Việt Nam gia nhập Liên hợp quốc. (Ảnh: Nguyễn Hồng) |
Thưa Ngài António Guterres, Tổng Thư ký Liên hợp quốc, Thưa các vị Đại sứ, Trưởng đại diện các Tổ chức Liên hợp quốc tại Việt Nam,
Thưa quý vị và các bạn,
Trong tiết trời thu thanh bình của thủ đô Hà Nội - Thành phố vì Hòa bình, Tôi rất vui mừng chào đón Ngài Tổng Thư ký António Guterres thăm chính thức Việt Nam, đúng vào dịp kỷ niệm 45 năm Việt Nam gia nhập Liên hợp quốc, tổ chức đa phương lớn nhất hành tinh. Đây là sự kiện đối ngoại lớn của Việt Nam, đánh dấu bước tiến mới về hợp tác nhiều mặt giữa Việt Nam và Liên hợp quốc.
Cách đây đúng 77 năm, vào những ngày thu năm 1945, sự ra đời của Liên hợp quốc trên đống tro tàn của cuộc Chiến tranh Thế giới thứ hai, đã thắp sáng niềm hy vọng của cộng đồng quốc tế về một thế giới hòa bình, ổn định và thịnh vượng hơn. Liên hợp quốc, cùng với bản Hiến chương cao cả, chính là khát vọng hoà bình của nhân loại và cam kết chung của cộng đồng quốc tế với những giá trị căn bản về độc lập dân tộc, chủ quyền quốc gia, công bằng, công lý và tiến bộ xã hội. Một sự trùng hợp tuyệt vời của lịch sử, đó là, cũng vào những ngày mùa thu năm 1945, tại khu vực Đông Nam Á, một quốc gia mới - nước Việt Nam dân chủ cộng hòa, đã ra đời. Ngay từ những ngày đầu kiến quốc, Chủ tịch Hồ Chí Minh, người Anh hùng giải phóng dân tộc của Việt Nam và Danh nhân văn hoá thế giới, đã gửi thư tới Chủ tịch Đại hội đồng và lãnh đạo các nước đề nghị công nhận nền độc lập của Việt Nam, bày tỏ mong muốn gia nhập và khẳng định sẵn sàng tham gia các công việc của Liên hợp quốc. Kể từ đó, lớp lớp các thế hệ người Việt Nam đã anh dũng chiến đấu, hy sinh để giữ vững nền độc lập theo chân lý “không có gì quý hơn độc lập tự do”, và đó cũng chính là giá trị cơ bản mà Liên hợp quốc theo đuổi. Cho tới ngày 20/9/1977, nước Cộng hoà xã hội chủ nghĩa Việt Nam, trước đây là nước Việt Nam dân chủ cộng hòa, đã chính thức trở thành thành viên thứ 149 của Liên hợp quốc, khởi đầu chặng đường lịch sử mới trong xây dựng và bảo vệ Tổ quốc.
Chặng đường đó đã chứng kiến đất nước Việt Nam hồi sinh từ đổ nát của chiến tranh, thực hiện Đổi mới, hội nhập quốc tế sâu rộng, vươn lên trở thành quốc gia đang phát triển có nền kinh tế năng động, đạt mức thu nhập trung bình với Chỉ số Phát triển Con người (HDI) ở mức cao. Việt Nam luôn là bạn, đối tác tin cậy, có trách nhiệm của cộng đồng quốc tế, là thành viên của nhiều tổ chức quốc tế, chủ động hội nhập, tham gia Tổ chức Thương mại Thế giới (WTO), 17 Hiệp định thương mại tự do (FTA) và là một phần quan trọng trong chuỗi cung ứng toàn cầu.
Tục ngữ Việt Nam có câu “Ăn quả nhớ kẻ trồng cây”. Phương ngôn quốc tế cũng có câu “Lúc hoạn nạn mới biết người bạn thực sự là ai”. Trong những năm tháng gian khổ nhất, Liên hợp quốc là kênh viện trợ đa phương duy nhất giúp Việt Nam tái thiết hạ tầng kinh tế-xã hội, ổn định cuộc sống của người dân. Trong tâm trí nhiều người Việt Nam hôm nay còn vẹn nguyên ký ức về những bao bột mì, những can dầu ăn, những hộp sữa bột, có in đậm tên của Chương trình Lương thực Thế giới (PAM/WFP), những chiếc ba lô của Quỹ Nhi đồng Liên hợp quốc (UNICEF) trên vai các em nhỏ tới trường ở vùng xa, hay hình ảnh các bác sỹ của Tổ chức Y tế thế giới (WHO) trong những chương trình tiêm chủng mở rộng... Khi Việt Nam tiến hành công cuộc Đổi mới từ năm 1986 và trong suốt quá trình phát triển sau này, Liên hợp quốc là đối tác luôn “kề vai sát cánh”, giúp đỡ Việt Nam hiệu quả về xây dựng thể chế của nền kinh tế thị trường, phát triển nguồn nhân lực, thực hiện các mục tiêu phát triển, giải quyết các vấn đề xã hội, đưa hàng triệu người dân thoát nghèo. Đặc biệt, gần đây, trong bão xoáy Covid-19 tàn phá, 62 triệu liều vắc-xin quý báu, kịp thời của chương trình COVAX đã mang đến niềm tin và chạm đến trái tim của mỗi người dân chúng tôi về một Liên hợp quốc thấm đượm giá trị nhân văn cao cả.
Chào đón Ngài Tổng Thư ký Liên hợp quốc hôm nay, chúng tôi tự hào về nỗ lực thực hiện các sứ mệnh cao cả của Liên hợp quốc, triển khai các mục tiêu, chương trình của Liên hợp quốc, các sáng kiến của Ngài Tổng Thư ký và thật vui mừng là nhiều nội dung đã trở thành hiện thực. Từ một nước tiếp nhận viện trợ nhân đạo, Việt Nam đã vươn lên trở thành đối tác tin cậy và trách nhiệm trên tất cả các lĩnh vực trụ cột của Liên hợp quốc, thực hiện có hiệu quả nhiều Mục tiêu Phát triển Bền vững (SDG). Từ nước thiếu lương thực, Việt Nam ngày nay là nước xuất khẩu hàng đầu một số nông sản, góp phần bảo đảm an ninh lương thực tại khu vực và quốc tế. Trong khả năng của mình, chúng tôi sẵn sàng tham gia cùng Liên hợp quốc ứng phó với khủng hoảng lương thực hiện nay. Chúng tôi đã đi tiên phong trong các nỗ lực cải tổ hệ thống phát triển Liên hợp quốc ở cấp quốc gia. Các chiến sĩ quân đội nhân dân Việt Nam, trong đó có Vi nhiều nữ quân nhân, đã có mặt tại các Phái bộ của Liên hợp quốc tại Nam Sudan, Cộng hòa Trung Phi và vùng A-bi-ây, mà một số chiến sĩ đang có mặt hôm nay. Tại Hội đồng Bảo an và Hội đồng Nhân quyền Liên hợp quốc, Việt Nam đã thúc đẩy chương trình nghị sự về phụ nữ, hòa bình và an ninh, tác động của biến đổi khí hậu đối với việc thụ hưởng quyền con người. Việt Nam vừa vinh dự được bầu vào Hội đồng Nhân quyền nhiệm kỳ 2023-2025. Hiện nay, chúng tôi đang nỗ lực chuyển đổi năng lượng, chuyển đổi xanh, hướng tới Giảm phát thải bằng “0” vào 2050.
Thưa Ngài Tổng thư ký,
Thời gian tới, thế giới phải đối mặt với nhiều thách thức, biến động khó lường, vượt quá năng lực xử lý của từng quốc gia, dù đó là cường quốc giàu mạnh đến đâu và như Ngài đã nói: “thế giới đang đối mặt với thử thách khó khăn nhất kể từ khi Liên hợp quốc được thành lập”.
Hơn bao giờ hết, chúng ta kỳ vọng Liên hợp quốc sẽ tiếp tục đóng vai trò trung tâm trong quản trị toàn cầu, là hạt nhận kết nối đoàn kết quốc tế, là đầu mối điều phối các nỗ lực đa phương giúp củng cố hoà bình, an ninh và hợp tác phát triển, điều vì một thế giới không có chiến tranh, xung đột, bất công, nhân loại không còn đói nghèo, lạc hậu. Đối với Việt Nam, từ lịch sử trải qua nhiều năm chiến tranh, chúng tôi hiểu sâu sắc ý nghĩa của hòa bình và giá trị của phát triển thực hiện dân giàu, nước mạnh, xã hội công bằng, dân chủ, văn minh với khát vọng Việt Nam hùng cường, hướng tới trở thành nước phát triển, có thu nhập cao vào năm 2045. Trên chặng đường đi lên đó, hợp tác với Liên hợp quốc luôn giữ vị trí quan trọng trong đường lối đối ngoại độc lập, tự chủ, đa phương hoá, đa dạng hoá quan hệ, hội nhập quốc tế toàn diện, sâu rộng và có hiệu quả của Việt Nam. Chúng tôi sẽ phấn đấu thực hiện hiệu quả những hoạt động hợp tác với Liên hợp quốc, đóng góp xử lý các thách thức toàn cầu, phấn đấu vì hòa bình, hợp tác và phát triển trên thế giới.
Cuối cùng, thưa Ngài Tổng Thư ký, tôi xin gửi tới Ngài, và thông qua Ngài tới tất cả các tổ chức, các thế hệ cán bộ, nhân viên Liên hợp quốc, lời cảm ơn chân thành nhất, lòng biết ơn sâu sắc nhất vì những hỗ trợ, đóng góp hết sức quý báu dành cho Việt Nam trong suốt 45 năm qua.
Tôi cũng xin gửi lời cảm ơn tới tất cả các quốc gia thành viên, các đối tác luôn đồng hành, giúp đỡ Việt Nam trên các chặng đường phát triển. Trong niềm tự hào và hi vọng về tương lai tươi sáng của Liên hợp quốc cũng như triển vọng hợp tác tốt đẹp Việt Nam – Liên hợp quốc, chúng ta hãy cùng nâng cốc: Chúc mừng những thành quả của chặng đường 45 năm Việt Nam tham gia Liên hợp quốc và chúc quan hệ hợp tác Việt Nam – Liên hợp quốc tiếp tục đơm hoa, kết trái! Chúc Liên hợp quốc dưới sự lãnh đạo của Ngài Tổng Thư ký tiếp tục là ngọn hải đăng của hợp tác đa phương, thúc đẩy những sáng kiến và hành động “Vì một ngày mai tốt đẹp hơn”!
Chúc sức khoẻ Ngài Tổng thư ký và tất cả các Quý vị!
| Lễ kỷ niệm 45 năm Việt Nam gia nhập Liên hợp quốc Chiều ngày 21/10, tại Hà Nội, nhân chuyến thăm chính thức của Tổng thư ký Liên hợp quốc António Guterres tại Việt Nam, Chủ tịch ... |
| Những hình ảnh tại lễ kỷ niệm 45 năm Liên hợp quốc Tối ngày 21/10, tại Hà Nội đã diễn ra Lễ kỷ niệm 45 năm Việt Nam gia nhập Liên hợp quốc. Chủ tịch nước Nguyễn ... |
| Chủ tịch nước Nguyễn Xuân Phúc chủ trì lễ đón chính thức và hội đàm với Tổng thư ký Liên hợp quốc Ngày 21/10, Chủ tịch nước Nguyễn Xuân Phúc đã chủ trì lễ đón chínht hức và hồi đàm với Tổng thư ký Liên hợp quốc ... |
| Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng tiếp Tổng thư ký Liên hợp quốc António Guterres Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng khẳng định, Việt Nam nhất quán thực hiện đường lối đối ngoại độc lập, tự chủ, hòa bình, hữu ... |
| Tổng thư ký Liên hợp quốc thăm Nhà sàn Chủ tịch Hồ Chí Minh Sau cuộc hội đàm hiệu quả với Chủ tịch nước Nguyễn Xuân Phúc và Tổng thư ký Liên hợp quốc António Guterres cùng đi dạo, ... |