Cho đến nay, 'bão' trừng phạt từ phương Tây mang đến những kết quả trái chiều với kinh tế Nga. (Nguồn: EIU) |
Các lệnh trừng phạt từ phương Tây với Nga khiến cuộc sống của Alexander (23 tuổi), một nhân viên làm việc tại bảo tàng nghệ thuật ở Moscow thêm phức tạp. Giá cả hàng hóa tăng cao buộc anh phải cắt giảm chi tiêu và tìm kiếm một công việc phụ. Đồng thời, việc mua một số hàng hóa đơn giản như đồ nội thất và các vật dụng gia đình khác trở nên khó khăn hơn rất nhiều.
Tuy nhiên, Alexander lạc quan rằng, các lệnh trừng phạt sẽ mang lại một số lợi ích bất ngờ cho Nga về lâu dài.
Trong sáu tháng qua, các lệnh trừng phạt đã thay đổi đáng kể mối quan hệ kinh tế Nga với thế giới. Sau khi Điện Kremlin tiến hành chiến dịch quân sự đặc biệt tại Ukraine, Mỹ và các đồng minh ở châu Âu đã nhanh chóng áp đặt các biện pháp trừng phạt chưa từng có đối với nền kinh tế Nga.
Một số biện pháp mà phương Tây đã áp dụng bao gồm đóng băng gần một nửa dự trữ tài chính của Nga, trục xuất một số ngân hàng lớn nhất của đất nước khỏi hệ thống thanh toán SWIFT, cấm tàu và máy bay của Nga đi vào các cảng và không phận của các quốc gia này, đưa ra các hạn chế xuất khẩu đối với một số lĩnh vực công nghệ tiên tiến và đặt lệnh cấm vận đối với dầu mỏ, than đá của Nga.
Đồng thời, theo dữ liệu từ Đại học Yale, hơn 1.200 công ty nước ngoài đã đình chỉ hoặc cắt giảm hoạt động tại Nga. Trong số đó, có những tên tuổi lớn như Apple, McDonald's, IKEA, Visa và MasterCard.
Đồng Ruble ổn định, hậu cần được cải thiện
Cho đến nay, “bão” trừng phạt từ phương Tây mang đến những kết quả trái chiều với Moscow. Mặt khác, Tổng sản phẩm quốc nội (GDP) của Nga đã giảm 4% trong quý II/2022 so với cùng kỳ năm ngoái, mức giảm dự kiến sẽ tăng lên 7% trong quý III/2022.
Các hạn chế nhập khẩu từ phương Tây không chỉ khiến lạm phát tại Nga leo lên mức hai con số mà còn làm giảm giá trị của các nhà sản xuất Msscow. Ví dụ, sản lượng ô tô của Nga đã giảm mạnh tới 61,8% trong sáu tháng đầu năm nay.
Nhiều quan chức Nga thừa nhận rằng, sẽ đặc biệt khó khăn trong việc tìm kiếm sự thay thế cho một số linh kiện điện tử cao cấp, chẳng hạn như vi mạch - vốn vẫn đang được phát triển bằng công nghệ từ phương Tây.
Tuy nhiên, thời gian qua, nền kinh tế Nga đã chứng tỏ khả năng phục hồi mạnh hơn so với dự đoán của nhiều chuyên gia. Mặc dù đã mất hơn 30% giá trị vào cuối tháng 2, đầu tháng 3 nhưng đồng Ruble của Nga đã “quay xe” phục hồi nhanh và trở thành đồng tiền hoạt động tốt nhất trong năm.
Lạm phát tại quốc gia này cũng đã bắt đầu giảm dần trong những tháng gần đây, từ mức cao nhất là 17,8% vào tháng 4; xuống 14,9% vào tháng 8. Trong khi đó, thặng dư tài khoản vãng lai của Nga đã tăng lên mức cao kỷ lục 167 tỷ USD từ tháng 1 đến tháng 7, tăng hơn gấp ba lần so với một năm trước.
Thêm vào đó, các biện pháp trừng phạt ít nhất không quá ảnh hưởng đến cuộc sống ở Moscow. Các nhà hàng, quán bar và quán cà phê ở trung tâm thành phố vẫn huyên náo. Các trung tâm mua sắm cũng chật kín người, mặc dù nhiều cửa hàng thuộc sở hữu của phương Tây đã đóng cửa trong nhiều tháng.
Tháng trước, Quỹ Tiền tệ quốc tế (IMF) dự báo, GDP của nước này sẽ giảm 6%, thay vì 8,5% dự kiến ban đầu. Đó vẫn là một sự sụt giảm đáng kể, nhưng ít hơn nhiều so với một số dự báo thảm khốc ban đầu.
Theo nhà kinh tế Anton Tabakh tại tổ chức đánh giá tín dụng Expert RA có trụ sở tại Moscow, hai yếu tố đã thúc đẩy nền kinh tế Nga trong sáu tháng đầu tiên “hứng” đòn trừng phạt.
Thứ nhất, xuất khẩu hàng hóa của Nga tăng vọt, đặc biệt là trong lĩnh vực năng lượng. Theo một tài liệu được hãng tin Reuters đưa tin, Nga dự kiến sẽ kiếm được hơn 337 tỷ USD từ việc bán năng lượng trong năm nay, tăng 38% so với năm 2021.
Thứ hai, chi tiêu của chính phủ tăng.
Nhà kinh tế Tabakh cho biết, sự bùng nổ xuất khẩu năng lượng của Nga có thể đã lên đến đỉnh điểm do nhu cầu toàn cầu giảm và các lệnh cấm vận mới có hiệu lực. Bên cạnh đó, hoạt động nhập khẩu của nước này dần nhộn nhịp trở lại, sau khi giảm mạnh vào đầu năm nay. Các động lực chính đằng sau sự phục hồi này là sự ổn định của đồng Ruble và cải thiện hậu cần.
Ông Tabakh nói: “Vấn đề quan trọng hiện giờ là nền kinh tế Nga sẽ trải qua quá trình chuyển đổi cơ cấu như thế nào. Người tiêu dùng đang chuyển sang các sản phẩm mới, các trung gian tài chính và các công ty đang thích ứng với các lệnh hạn chế. Theo ước tính của tôi và của Ngân hàng Trung ương Nga, Moscow hiện đang ở trong giai đoạn khó khăn nhất của quá trình này, có thể kéo dài từ 9 tháng đến một năm”.
Lệnh trừng phạt trở thành cơ hội
Đối với một số doanh nhân Nga, các lệnh trừng phạt đã trở thành một cơ hội không ngờ.
Nikolai Dunaev, Phó Chủ tịch Opora Russia, Hiệp hội các chủ doanh nghiệp vừa và nhỏ cho biết, sự di cư ồ ạt của các công ty đa quốc gia khỏi Nga đã tạo cơ hội cho các công ty trong nước mở rộng thị phần - đặc biệt là trong các lĩnh vực như thực phẩm, mỹ phẩm, quần áo, du lịch và xây dựng.
Ông Nikolai Dunaev nói: “Có sự sụt giảm tổng thể về nhu cầu ở người tiêu dùng, nhưng điều này không quá nghiêm trọng vì phần lớn nhu cầu còn lại đã chuyển sang các nhà sản xuất trong nước”.
Các nền kinh tế ngoài phương Tây cũng ngày càng đóng vai trò quan trọng trong chiến lược đáp trả các lệnh trừng phạt của Nga. Ông Tabakh chỉ rõ, sự tăng trưởng trong lĩnh vực sản xuất ở châu Á và Trung Đông trong những thập kỷ gần đây đã giúp Nga dễ dàng hơn trong việc tìm kiếm sản phẩm thay thế cho hầu hết các loại hàng hóa phương Tây.
Đồng thời, Moscow đã bắt đầu “lấp đầy khoảng trống” kinh tế thông qua các chương trình nhập khẩu qua bên thứ ba. Cụ thể, các công ty Nga nhập khẩu hàng hóa mang nhãn hiệu phương Tây bao gồm điện thoại thông minh, ô tô và quần áo từ các nước bên thứ ba, sau đó, bán lại trên thị trường Moscow.
Tuy nhiên, câu hỏi lớn hơn là nền kinh tế Nga sẽ có thể chuyển đổi cơ cấu ở mức độ nào trong dài hạn? Liệu Nga có thể tái thiết thành công nền kinh tế của mình trên một nền tảng mới hay sẽ phải chịu nhìn kinh tế suy giảm và “cách ly” công nghệ phương Tây?
Theo ông Chris Devonshire-Ellis, người sáng lập Dezan Shira & Associates, một công ty tư vấn đầu tư toàn châu Á, Moscow sở hữu nhiều tài nguyên thiên nhiên quan trọng đối với nền kinh tế toàn cầu rộng.
Ông Chris Devonshire-Ellis nói: “Từ năng lượng đến kim cương, nước ngọt, đất hiếm và các khoáng chất khác, Nga là quốc gia cực kỳ giàu có tài nguyên thiên nhiên. Và bất chấp sự ‘xa lánh’ của phương Tây, Điện Kremlin vẫn có những người ‘bạn thân’ như Trung Quốc, Ấn Độ và Iran”.