Trong khuôn khổ Chương trình Đông Nam Á của OECD, Báo Thế giới và Việt Nam thực hiện Press Corner chủ đề "Định vị Việt Nam trong chuỗi cung ứng tự cường và bền vững". Phiên 2, Xây dựng chuỗi cung ứng bền vững đáp ứng tiêu chuẩn toàn cầu. (Ảnh: Nguyễn Hồng) |
Tại phiên 2 của Tọa đàm với chủ đề "Xây dựng chuỗi cung ứng bền vững đáp ứng tiêu chuẩn toàn cầu", các diễn giả đã cùng thảo luận về những nhân tố cấu thành chuỗi cung ứng bền vững tiêu chuẩn toàn cầu: Cơ hội và thách thức của doanh nghiệp Việt Nam.
Toạ đàm có sự tham gia của ông Nguyễn Đức Cường, Chuyên gia Kinh tế trưởng, Ngân hàng Phát triển châu Á tại Việt Nam (ADB Việt Nam); ông Ngô Biên Cương, Giám đốc Sở Ngoại vụ Bắc Giang; Bà Hà Thị Thu Thanh, Chủ tịch HĐTV Deloitte Việt Nam; Ông Lê Văn Thương, Giám đốc Truyền thông và Thương hiệu, Công ty Cổ phần mạng xã hội du lịch Hahalolo.
Ông Nguyễn Minh Cường, Chuyên gia Kinh tế trưởng ADB Việt Nam cho rằng, chúng ta rất quen khái niệm chuỗi cung ứng thế giới, với các tập đoàn đa quốc gia, xuyên quốc gia. Chuỗi cung ứng có lịch sử lâu đời, nhưng hiện nay, chuỗi cung ứng được gắn với khái niệm bền vững, tạo công ăn việc làm, chuyển giao công nghệ, thích ứng trong tăng trưởng xanh, bảo vệ môi trường...
Hiện tại, có các câu hỏi đặt ra rằng, liệu chuỗi cung ứng truyền thống có thể đảm bảo trong bối cảnh mới không?
Đối với các nước đang phát triển, đặc biệt là Việt Nam, vấn đề cần lưu ý trong thời gian này là đặc tính chuyển giao công nghệ, tăng trưởng xanh, bảo vệ môi trường để bảo đảm chuỗi cung ứng mang lại lợi ích cho tăng trưởng kinh tế.
Ông Nguyễn Minh Cường, Chuyên gia Kinh tế trưởng ADB Việt Nam. |
Đề cập lộ trình hội nhập của chuỗi cung ứng toàn cầu của Việt Nam nên như thế nào, ông Nguyễn Minh Cường thẳng thắn cho rằng "chúng ta cần phải loại bỏ ngay ảo tưởng rằng tham gia chuỗi cung ứng sẽ được chuyển giao công nghệ, vì vậy để có công nghệ cao chúng ta phải nỗ lực tăng trưởng, phải tự lực".
Ảo tưởng thứ hai đó là tiếp cận thị trường xuất khẩu. Chúng ta có thể thấy, rất nhiều doanh nghiệp không tham gia chuỗi cung ứng nhưng vẫn có thể xuất khẩu được. Chỉ cần tham gia phát triển mạng lưới phân phối, gắn kết hệ thống phân phối thì lập tức đến doanh nghiệp nhỏ của Việt Nam cũng có thể xuất khẩu được.
Từ đó, chúng ta cần phải có nhìn nhận mới về việc tham gia chuỗi cung ứng. Tham gia được chuỗi cung ứng là hữu ích nhưng không phải là tất yếu để Việt Nam thúc đẩy được xuất khẩu.
Vì thế, lộ trình của Việt Nam thời gian tới cần tăng cường tiếp cận thị trường thông qua thương mại điện tử, tập trung vào các doanh nghiệp nhỏ và vừa; tăng cường quản trị, tính chuyên nghiệp của từng doanh nghiệp.
Việc thu hút FDI và tham gia chuỗi cung ứng là rất cần thiết nhưng không nên đặt đó là mục đích chính. Về dài hạn, cần phải tập trung vào đào tạo, nghiên cứu, phát triển (R&D) để tăng tính tự lực, tự cường trong sản xuất, có như thế chúng ta mới có được một nền sản xuất và xuất khẩu bền vững.
Bà Hà Thị Thu Thanh, Chủ tịch HĐTV Deloitte Việt Nam. |
Trao đổi về tính minh bạch của doanh nghiệp Việt Nam khi tham gia chuỗi cung ứng toàn cầu, bà Hà Thị Thu Thanh, Chủ tịch HĐTV Deloitte Việt Nam nói: “Tôi rất quan tâm đến chủ đề Tọa đàm hôm nay, đó là xây dựng chuỗi cung ứng tự cường, bền vững. Xu thế hiện nay, chúng ta đã nghe nói nhiều tới, đó là sau 2 năm bị ảnh hưởng bởi dịch Covid-19, chuỗi cung ứng bị dứt gãy và xuất hiện xu thế chuyển dịch từ các vùng Á-Âu về gần châu Á, Đông Nam Á. Và Việt Nam chúng ta là một trong các nước có thể được hưởng lợi”.
Bà Thanh cho rằng, chuỗi cung ứng liên quan chặt chẽ đến đầu vào của phát triển nền kinh tế của một quốc gia, một vùng lãnh thổ, một doanh nghiệp.
Chính vì thế, vai trò của các doanh nghiệp trong việc kết nối chuỗi cung ứng một cách bền vững ngay cả khi đứt gãy là quan trọng, để xây dựng chuỗi cung ứng tích cực, tự cường.
Để duy trì chuỗi cung ứng liên tục mà ở đó đầu vào của sản xuất, kinh doanh kiến tạo chuỗi giá trị không chỉ cho một doanh nghiệp mà còn cho cả quốc gia và vùng lãnh thổ thì vai trò của doanh nghiệp quan trọng. Để có khả năng kết nối với các đối tác, tạo ra các giá trị mềm thì yếu tố rất quan trọng là quản trị bền vững.
Chuỗi cung ứng bền vững gắn rất chặt với quản trị bền vững. Rất nhiều nhà cung cấp toàn cầu sẽ tìm đến các doanh nghiệp mà ở đó họ có thể hợp tác, có thể kết nối một cách lâu dài.
Theo bà Thanh, các doanh nghiệp có thể bắt đầu kết nối từ giá trị thông tin, được thể hiện trong lõi về quản trị công ty. Ví dụ, các ngân hàng như Ngân hàng Á châu, World Bank, trước khi đầu tư vào doanh nghiệp, họ tìm hiểu rất kỹ về lõi quản trị công ty. Ở đó tính minh bạch được thể hiện, ở đó chính sách, chiến lược được thể hiện, nên vai trò của quản trị minh bạch mà nền tảng là quản trị công ty được coi là điều kiện cần đầu tiên, là yếu tố quan trọng cần phát triển để mà có chuỗi cung ứng bền vững, kiến tạo chuỗi cung ứng để liên kết các doanh nghiệp với nhau, với các khu vực kinh tế và với các doanh nghiệp ở nước ngoài.
“Để có chuỗi cung ứng bền vững, kiến tạo chuỗi cung ứng giữa các doanh nghiệp, yếu tố quan trọng và được quan tâm chính là quality (chất lượng) và productivity (năng suất).
Khi quản trị minh bạch được kết nối và kiến tạo nềm tin thì sẽ tạo ra chất lượng, năng suất”, bà Thanh nhấn mạnh.
Nhận định về thách thức và cơ hội của doanh nghiệp, bà Hà Thị Thu Thanh nói, cùng với chia sẻ, doanh nghiệp Việt Nam phải thay đổi nhận thức trong điều hành. Phát triển bền vững là yếu tố nội tại trong từng doanh nghiệp, gắn với phát triển toàn cầu, theo cách tiếp cận mới về kinh tế số.
Do đó, theo bà Thanh, doanh nghiệp cần phải thay đổi, phát triển bền vững từ trong chính nội tại doanh nghiệp.
Bà Thanh nhấn mạnh: “Có 3 yếu tố duy trì hoạt động của một doanh nghiệp, đó là nguồn lực con người, nguồn lực tài chính và thị trường. Vậy điều gì để các doanh nghiệp thấy rõ mình có khả năng? Đó chính là lõi ở bên trong, chính là quản trị công ty. Tuy nhiên, quản trị công ty không phải là công cụ”.
Theo bà Thanh, tại Việt Nam chúng ta, quản trị công ty được thể hiện qua 1 số luật nhưng chưa đủ và được thực thi trên điều kiện khuyến khích. Các doanh nghiệp Việt Nam đang coi quản trị công ty dừng ở mức độ công cụ. Nếu lãnh đạo doanh nghiệp thay đổi nhận thức, coi quản trị công ty là yếu tố gắn với năng lực cạnh tranh, là công cụ bắt buộc phải tuân thủ thì sẽ tăng cường năng lực và phát triển bền vững.
Việc thay đổi nhận thức của các nhà lãnh đạo doanh nghiệp là yếu tô vô cùng quan trọng để khởi đầu cho việc đón đầu chuỗi cung ứng, làm mạnh hơn nền tảng doanh nghiệp để đối đầu với các rủi ro, luôn giữ vững và phát triển bền vững.
Ông Ngô Biên Cương, Giám đốc Sở Ngoại vụ tỉnh Bắc Giang. |
Ông Ngô Biên Cương, Giám đốc Sở Ngoại vụ tỉnh Bắc Giang chia sẻ, với lợi thế và tiềm năng thuận lợi, những tháng đầu năm, Bắc Giang luôn là một trong những tỉnh thu hút đầu tư nước ngoài đứng trong top 7, top 8 cả nước. Tỉnh cũng xác định thường xuyên cải thiện cơ sở hạ tầng, môi trường đầu tư để thu hút đầu tư, tăng cường cho chuỗi cung ứng của các đối tác.
Đến với Bắc Giang, doanh nghiệp sẽ được tạo điều kiện tốt nhất, không phải lo về nước sạch, lao động. Lực lượng lao động của tỉnh khá dồi dào, khoảng 1,2 triệu lao động, trong đó 80% đã qua đào tạo. Bắc Giang cũng có hệ thống các trường trung cấp, cao đẳng, dạy nghề, cung ứng nguồn lao động qua đào tạo ổn định và lâu dài cho các doanh nghiệp đầu tư trên địa bàn tỉnh.
Trao đổi về sự phối hợp, hỗ trợ của Bộ Ngoại giao trong phát triển kinh tế địa phương, ông Ngô Biên Cương, Giám đốc Sở Ngoại vụ Bắc Giang cho biết: Thời gian qua, Bộ Ngoại giao đặc biệt quan tâm hỗ trợ tỉnh trong phát triển ngoại giao kinh tế.
Theo ông Cương, thông qua các hoạt động thiết thực như kết nối với Đại sứ quán các nước, các tổ chức quốc tế tại Việt Nam, Bộ đã hỗ trợ tỉnh rất nhiều trong việc phát triển kinh tế địa phương, đưa các sản phẩm của Bắc Giang ra thị trường thế giới.
Giám đốc Truyền thông và Thương hiệu Hahalolo Lê Văn Thương. |
Chia sẻ về thực tế doanh nghiệp, Giám đốc Truyền thông và Thương hiệu Hahalolo Lê Văn Thương nhận định, đại dịch Covid-19 và tình hình thế giới biến động đã khiến chuỗi cung ứng dịch chuyển, tạo cơ hội và thách thức song hành đối với doanh nghiệp Việt Nam.
Để đón đầu cơ hội này, Hahalolo - công ty tiên phong trong thương mại điện tử, đại lý du lịch đã xác định, thương mại điện tử đóng vai trò quan trọng.
Trong thời kỳ đại dịch, thương mại điện tử tăng trưởng mạnh, thúc đẩy các doanh nghiệp đẩy nhanh chuyển đổi số. Đây là cơ hội để các doanh nghiệp thay đổi và tiến gần hơn đến mục tiêu chuyển đổi số.
Trong thời điểm này, theo ông Lê Văn Thương, Hahalolo nỗ lực đầu tư, hoàn thiện, cải tiến sản phẩm, tận dụng công nghệ để tối ưu hóa chi phí.
Bên cạnh đó, linh hoạt, đưa ra các giải pháp thông minh để liên kết với các doanh nghiệp đa ngành nghề. Đặc biệt, Hahalolo phối hợp chặt chẽ, đồng hành cùng chính phủ và địa phương để tìm điểm yếu, khắc phục khó khăn và cập nhật cơ chế pháp lý.
Chia sẻ về vấn đề làm thế nào để đưa thương hiệu Việt Nam ra thế giới, ông Lê Văn Thương nhận thấy, doanh nghiệp cần cải thiện sản phẩm phù hợp với thị hiếu người tiêu dùng, tích cực kết nối với các doanh nghiệp khác.
“Covid-19 và tình hình thế giới biến động cho thấy, chúng ta cần gần nhau hơn, cần kết nối nhiều hơn để đưa thương hiệu Việt ra biển lớn”.
Ông Thương cho biết thêm, ngay từ khi thành lập, chiến lược của Hahalolo là xây dựng sức mạnh nội tại, xây dựng nguồn nhân lực đủ giỏi để tạo ra các sản phẩm khác biệt, độc đáo, duy nhất.
Có như vậy, những sản phẩm này mới cạnh tranh được với các “ông lớn” thế giới.
Khu vực doanh nghiệp vừa và nhỏ của Việt Nam chưa thực sự liên kết với nhau, vì vậy, thời gian tới, Hahalolo mong muốn có thể kết nối hệ sinh thái này, tạo sức mạnh để cùng vươn ra thế giới.
Giám đốc Truyền thông và Thương hiệu Hahalolo nhấn mạnh: “Hahalolo muốn tạo một đại dương xanh, trong đó, tất cả những con cá cùng nhau sinh sống”.
Ông Koh Poh Tiong - Chủ tịch HĐQT Tổng Công ty Bia-Rượu-Nước giải khát Sài Gòn (SABECO) và Quyền Tổng biên tập Báo Thế giới và Việt Nam Nguyễn Trường Sơn. |
Trao đổi bên lề Diễn đàn OECD với chủ đề là Kết nối Khu vực: Hợp tác vì Chuỗi cung ứng tự cường và bền vững, ông Koh Poh Tiong - Chủ tịch HĐQT Tổng Công ty Bia-Rượu-Nước giải khát Sài Gòn (SABECO) cho biết, sự kiện đã có những trao đổi rất hay về những hành động có thể đóng góp vào sự phát triển chung của nền kinh tế, như các hiệp định tự do thương mại, số hóa, chính sách... Đây là những lĩnh vực cực kì quan trọng đối với nỗ lực toàn cầu hóa của các doanh nghiệp. Với tư cách là một đại diện đến từ khu vực tư nhân, ông Koh Poh Tiong đánh giá cao sự chuẩn bị của Diễn đàn cho các cuộc thảo luận như vậy.
Theo ông Koh Poh Tiong, Việt Nam đã kiên cường vượt qua những thách thức to lớn của Covid-19 trên các khía cạnh khác nhau, nhờ những biện pháp và chỉ đạo sáng suốt từ Chính phủ. Nhưng tương lai phía trước vẫn còn "âm u". Ông Koh Poh Tiong cho rằng, một nền kinh tế lý tưởng phải có sự cân bằng của 3 yếu tố: lạm phát thấp, tỷ lệ việc làm cao và lãi suất phù hợp. Trong bối cảnh nhiều vấn đề kinh tế vĩ mô và địa chính trị hiện nay, các nền kinh tế liên tục đứng trước nguy cơ rằng sự cân bằng này sẽ bị lung lay, khi mà chi phí nguyên liệu đầu vào tăng, chuỗi cung ứng bị gián đoạn, khan hiếm lao động chất lượng…
"Cần có những thay đổi trong trái tim của chúng ta, tránh vụ lợi cá nhân, xung đột, mục đích ẩn để thế giới sẵn sàng làm việc cùng nhau để hướng tới một tương lai tốt đẹp hơn. Diễn đàn đã mang đến một nền tảng khởi xướng cho các nỗ lực nhằm tập hợp trí tuệ và sức lực của cả khu vực công và tư nhân ở các quốc gia vì sự bền vững của chuỗi cung ứng. Doanh nghiệp của chúng tôi đã có kinh nghiệm và thực sự thấu hiểu được giá trị của điều này, với sự hợp tác giữa Chính phủ Việt Nam - đại diện cho khu vực công, và ThaiBev - một tập đoàn đa quốc gia ASEAN vì sự phát triển của SABECO. Từ những điều trên, tôi thật sự đánh giá cao Diễn đàn vì đã tạo nên thêm nhiều câu chuyện thành công về “làm việc cùng nhau”, ông Koh Poh Tion chia sẻ.