📞

(Trực tuyến) Tọa đàm "50 năm ASEAN: Cộng đồng Kinh tế ASEAN và cơ hội cho doanh nghiệp Việt Nam"

09:08 | 19/07/2017
Nhân kỷ niệm 50 năm ASEAN hình thành và phát triển, ngày 19/7, các đơn vị thuộc Bộ Ngoại giao gồm: Vụ ASEAN, Vụ Tổng hợp Kinh tế, Báo Thế giới & Việt Nam phối hợp tổ chức chuỗi sự kiện Tọa đàm, triển lãm, giao lưu “50 năm ASEAN: Cộng đồng kinh tế ASEAN và cơ hội cho doanh nghiệp Việt Nam".      

Chương trình có sự tham gia của Tổng Thư ký ASEAN Lê Lương Minh, Thứ trưởng Ngoại giao Nguyễn Quốc Dũng, Trợ lý Bộ trưởng Ngoại giao Vũ Quang Minh và các khách mời đến từ các Bộ, Ngành Trung ương, cơ quan nghiên cứu uy tín và cộng đồng doanh nghiệp Việt Nam.

Các đại biểu tham dự Tọa đàm. (Ảnh: Nguyễn Hồng)

Năm 2017 là năm đánh dấu mốc quan trọng cho chặng đường 50 năm hình thành và phát triển của Hiệp hội các quốc gia Đông Nam Á (ASEAN). Trải qua nửa thế kỷ với nhiều chuyển biến sâu sắc của tình hình quốc tế và khu vực, ASEAN đã trở nên lớn mạnh, đạt nhiều thành tựu mang tính bước ngoặt, được thế giới công nhận như một tổ chức hợp tác đa phương thành công nhất. Điều đó càng được khẳng định mạnh mẽ hơn khi Cộng đồng ASEAN chính thực được hình thành với 3 trụ cột: Chính trị- An ninh, Kinh tế và Văn hoá xã hội vào ngày 31/12/2015.

Là một trong 3 trụ cột quan trọng trong cộng đồng ASEAN, sau hơn một năm thành lập, Cộng đồng kinh tế (AEC) đã phát huy vai trò kiến tạo môi trường, tăng cường cơ hội để các doanh nghiệp có thể tham gia sâu rộng hơn vào thị trường ASEAN. Tuy nhiên, lợi ích và cơ hội AEC có thể đem lại cho cộng đồng doanh nghiệp các nước thành viên ASEAN, trong đó có doanh nghiệp Việt Nam, vẫn chưa được biết đến một cách đầy đủ, thấu đáo. Bên cạnh đó, cộng đồng doanh nghiệp Việt Nam cũng đang phải đối mặt với những thách thức khi tham gia AEC, trong đó nổi lên là áp lực cạnh tranh từ các nước ASEAN cả trong sản xuất, kinh doanh và cung cấp dịch vụ. 

Trợ lý Bộ trưởng Vũ Quang Minh phát biểu tại Tọa đàm. (Ảnh: Nguyễn Hồng)

Phát biểu khai mạc Tọa đàm, ông Vũ Quang Minh - Trợ lý Bộ trưởng Ngoại giao, khẳng định sự ra đời của AEC đánh dấu một nấc thang hội nhập mới của các nền kinh tế ASEAN với mục tiêu xây dựng một không gian kinh tế ASEAN gắn kết, cạnh tranh, năng động, sáng tạo và lấy người dân làm trung tâm. Theo ông, hơn bao giờ hết, doanh nghiệp cần phải hiểu rõ những cơ hội và thách thức khi AEC được thành lập. Ở Việt Nam, đa số doanh nghiệp có sự quan tâm và tìm hiểu về AEC, thế nhưng một số khảo sát cho thấy chỉ có khoảng 16% doanh nghiệp thực sự hiểu về AEC. Chính vì vậy, việc tuyên truyền, quảng bá về Cộng đồng kinh tế ASEAN tới cộng đồng doanh nghiệp luôn là công tác ưu tiên của mỗi quốc gia ASEAN thời gian qua trong đó có Việt Nam.

Trợ lý Bộ trưởng Vũ Quang Minh cho rằng Tọa đàm là cơ hội tốt để cùng chia sẻ, trao đổi, làm rõ và đặc biệt là tìm ra các ý tưởng, phương thức mới để giúp cộng đồng doanh nghiệp nắm bắt cơ hội, sẵn sàng đối phó với thách thức trong quá trình hội nhập AEC đang diễn ra mạnh mẽ hiện nay.

Tọa đàm quy tụ các đại biểu đến từ nhiều Bộ, ban, ngành và cộng đồng doanh nghiệp. (Ảnh: Nguyễn Hồng)

Cũng tại phiên khai mạc Tọa đàm, GS. Hidetoshi Nishimura, Chủ tịch Viện Nghiên cứu kinh tế ASEAN và Đông Á (ERIA) chia sẻ, qua nửa thế kỷ, ASEAN đã đạt được rất nhiều thành tựu to lớn, đảm bảo hòa bình và ổn định trong khu vực Đông Nam Á. Đây là một yếu tố vô cùng quan trọng cho toàn bộ khu vực châu Á nói chung.

GS. Hidetoshi Nishimura. (Ảnh: Nguyễn Hồng)

Theo GS. Nishimura, sự thịnh vượng của khu vực Đông Nam Á dựa vào 3 yếu tố chính mà ông gọi tắt là PPN - Hòa bình, Dân số và Sự ổn định bình thường. Việc duy trì 3 yếu tố này đòi hỏi các nước phải có những nỗ lực hết sức mạnh mẽ.

GS. Nishimura cho biết, ASEAN đang nỗ lực triển khai một thị trường chung và một khu vực nền tảng sản xuất chung, qua đó mang lại cơ hội cho tất cả các quốc gia thành viên và cư dân của ASEAN.

Tổng Thư ký Lê Lương Minh phát biểu tại Tọa đàm. (Ảnh: Nguyễn Hồng)

Tổng Thư ký ASEAN Lê Lương Minh khẳng định trong quá trình hình thành và phát triển, ASEAN đã đạt được nhiều thành tựu, là điểm đến hấp dẫn của nhà đầu tư nước ngoài. Bất chấp những cuộc khủng hoảng trong thời gian vừa qua, tốc độ phát triển của ASEAN đạt bình quân phát triển của thế giới và là nền kinh tế lớn thứ 6 trên thế giới với 640 triệu dân.

Trong quá trình hội nhập liên kết, ASEAN đã đóng góp nhiều sáng kiến cho sự phát triển của khu vực như nhập khẩu nội khối, mở cửa thị trường dịch vụ, hải quan, quy định xuất xứ. Môi trường kinh doanh đầu tư ở khu vực cũng được cải thiện thông qua những sáng kiến, khuôn khổ trong lĩnh vực hợp tác, sáng tạo, bảo vệ sở hữu trí tuệ, kết nối cơ sở hạ tầng, giao thông, FTA với các đối tác thương mại chính.

Tuy nhiên, Tổng thư ký Lê Lương Minh cho rằng ASEAN cũng cần vượt qua nhiều khó khăn như khoảng cách phát triển giữa các nước, khác biệt giữa trình độ phát triển, luật pháp, thể chế, nhận thức của cộng đồng doanh nghiệp và người dân. Nhiều vấn đề cũng nảy sinh trong quá trình hội nhập như mục tiêu phát triển khác nhau, già hóa dân số, bẫy thu nhập trung bình, bất bình đẳng và các mối đe dọa phi truyền thống.

Theo ông Lê Lương Minh, thực tế trên đòi hỏi ASEAN nói chung và Việt Nam nói riêng cần vượt qua những thách thức. Việt Nam có vai trò quan trọng trong thúc đẩy sự phát triển của ASEAN. Kể từ khi tham gia ASEAN, Việt Nam đã đẩy mạnh hợp tác với các quốc gia thành viên khác trong thương mại nội khối, cũng như tham gia sâu hơn vào chuỗi giá trị toàn cầu, với việc tham gia vào TPP, đàm phán RCEP và kí FTA với EU và Liên minh Kinh tế Á-Âu. Năng lực cạnh tranh của Việt Nam sẽ tận dụng được sức mạnh tập thể của ASEAN, trong khi đó đầu tư thương mại giữa Việt Nam và ASEAN sẽ mạnh mẽ hơn.

Thứ trưởng Ngoại giao Nguyễn Quốc Dũng. (Ảnh: Nguyễn Hồng)

Về phần mình, Thứ trưởng Ngoại giao Nguyễn Quốc Dũng nhấn mạnh sự ra đời và phát triển trong gần 2 năm qua của AEC đã mang những dấu ấn của Việt Nam bởi trên thực tế, Việt Nam đã tham gia tiến trình hội nhập kinh tế ASEAN ngay từ những ngày đầu khi Khu vực Thương mại Tự do ASEAN (AFTA) mới chỉ manh nha. Trong suốt 22 năm gia nhập ASEAN, kinh tế Việt Nam đã từng bước gắn kết chặt chẽ với nền kinh tế ASEAN.

Thứ trưởng Nguyễn Quốc Dũng cho biết, ASEAN đã trở thành đối tác thương mại đứng thứ hai của Việt Nam với tốc độ tăng trưởng bình quân 14,5%/năm trong thập kỷ qua. Kim ngạch thương mại hai chiều của Việt Nam với ASEAN tăng từ khoảng 19 tỷ USD năm 2006 lên 41,36 tỷ USD năm 2016. ASEAN là thị trường lớn thứ 3 và cũng là đối tác thương mại cung cấp nguồn hàng hoá lớn thứ 3 cho các doanh nghiệp Việt Nam.

Thứ trưởng Nguyễn Quốc Dũng trao đổi với các đại biểu tại Tọa đàm. (Ảnh: Nguyễn Hồng)

Theo Thứ trưởng Nguyễn Quốc Dũng, hiện thực hoá AEC ở tầm phát triển mới chính là nhiệm vụ của chính phủ các nước thành viên và của cộng đồng doanh nghiệp. Thu hẹp khoảng cách phát triển trong nội khối ASEAN và giữa ASEAN với các khu vực khác, thúc đẩy hội nhập kinh tế để nâng cao năng lực cạnh tranh của ASEAN, tăng cường kết nối từ hạ tầng đến người dân là những việc các Chính phủ cần thúc đẩy.

Thứ trưởng cũng nhấn mạnh, doanh nghiệp chỉ có thể tận dụng được những lợi thế của AEC khi thực sự “đặt chân” vào thị trường ASEAN, trở thành “người chơi” trên thị trường đó và là một người chơi có đủ năng lực. Hơn lúc nào hết, cộng đồng doanh nghiệp không chỉ còn là người thụ hưởng mà phải trở thành người tham gia đặt ra luật chơi, chủ động quan tâm và đóng vai trò lớn hơn trong định hình ASEAN và AEC vì lợi ích của chính các doanh nghiệp.

Sau phiên khai mạc, Tọa đàm bước vào 2 phiên thảo luận chuyên sâu.

Trong phiên 1, các diễn giả giới thiệu bức tranh tổng thể của AEC và tác động của nó đối với kinh tế Việt Nam, cả về cơ hội và thách thức. Bên cạnh đó, các diễn giả thảo luận chính phủ Việt Nam đã có những nỗ lực gì để vượt qua thách thức đến từ AEC và tranh thủ tối đa lợi ích AEC mang lại.

Trong phiên 2, các diễn giả gồm cựu Đại sứ Michael Michalak, đại diện JETRO, VCCI, TS. Võ Trí Thành, TS. Rebecca Fatima Sta Maria đã thảo luận chi tiết về cách thức doanh nghiệp Việt Nam nắm bắt cơ hội của AEC, qua đó khuyến khích sáng tạo, khởi nghiệp và nâng cao năng lực kinh doanh.

Theo TS. Võ Trí Thành, AEC cần 4 yếu tố “đủ”: đủ hấp dẫn, đủ thuận lợi, đủ sáng tạo và đủ hỗ trợ về chính trị. Bên cạnh đó, TS. Thành cũng cho rằng doanh nghiệp cần có khát vọng, bản lĩnh và chuyên nghiệp, kết nối chính sách - thị trường…

Đại diện Ngân hàng Đầu tư Phát triển Việt Nam (BIDV), cho rằng qua thực tế tiếp xúc với các doanh nghiệp, việc làm đối tác của các tập đoàn lớn như Samsung hay Canon cần đạt được một yêu cầu nhất định về máy móc, thiết bị trong khi các doanh nghiệp không dám bỏ tiền đầu tư vì sợ rủi ro. Vì vậy, cần giải quyết thách thức này để các doanh nghiệp tự tin khi tham gia chuỗi giá trị toàn cầu.