📞

Trung - Ấn chạy đua chinh phục Mặt Trăng

20:05 | 20/11/2010
Sau khi Mỹ tuyên bố từ bỏ ý định trở lại mặt trăng hồi tháng 2/2010 vì thiếu tiền chi cho chương trình không gian của NASA, Trung Quốc và Ấn Độ nổi lên như là hai ứng viên hàng đầu cho chức vô địch trong cuộc chạy đua lên cung trăng không phải chỉ để ngắm chị Hằng.
Ảnh minh họa

Ai sẽ thắng?

Trung Quốc tuyên bố sẽ đặt chân lần đầu tiên lên mặt trăng vào năm 2025, trong khi Ấn Độ là 2020. Các chuyên gia cho rằng, những tuyên bố này đã thiết lập một phiên bản thế kỷ 21 của cuộc đua không gian tương tự giữa Mỹ và Liên Xô trong thời kỳ chiến tranh lạnh. Trên thực tế, cả hai nước đều đang đổ tiền của và nguồn lực vào các chương trình chinh phục mặt trăng. Giới phân tích cũng tin rằng, vì uy tín quốc gia và sự khuyếch trương tài năng sẽ khiến cả hai nước này không muốn là nước thứ hai ở châu Á đưa người lên mặt trăng. Ouyang Ziyuan, người đứng đầu dự án thám hiểm mặt trăng của Trung Quốc tin rằng Bắc Kinh chắc chắn sẽ biến tham vọng thành hiện thực. Nhưng nếu Trung Quốc đặt chân lên mặt trăng sau Ấn Độ thì “điều đó cho thấy các nhà khoa học Trung Quốc còn thiếu khả năng”.

Xét về mặt thành tích thực tế trong lĩnh vực không gian, cho đến nay Trung Quốc có phần vượt lên Ấn Độ. Trung Quốc đã đưa 6 người vào không gian, còn Ấn độ là con số “không”. Các tàu vụ trũ bay theo quỹ đạo mặt trăng của Trung Quốc hoạt động có phần tốt hơn so với Ấn Độ. Tàu thăm dò mặt trăng đầu tiên của Ấn Độ Chandrayaan-1, được phóng lên vũ trụ hồi tháng 10/2008, đã buộc phải cắt giảm thời gian nghiên cứu bề mặt mặt trăng từ 2 năm xuống còn 1 năm do trục trặc. Trong khi đó, các con tàu vụ trụ của Trung Quốc hầu như không xảy ra sự cố nào và nước này đã phóng thành công Hằng Nga 2 vào quỹ đạo chỉ cách mặt trăng 100km. Trung Quốc còn đang lên kế hoạch xây dựng trạm không gian cho riêng mình vào năm 2020 và mọi công việc đang được chuẩn bị gấp rút. Sự thành công của các kế hoạch này sẽ quyết định khả năng người Trung Quốc đặt chân lên mặt trăng nhanh chóng thế nào. Tuy nhiên, Ấn Độ có một lợi thế mà rất có thể giúp nước này vượt qua đối thủ Trung Quốc: đó là sự hợp tác chặt chẽ với Nga, một quốc gia biết rất rõ con đường dẫn lên cung trăng. Dự kiến vệ tinh không người lái thứ hai của Ấn Độ mang tên Chandrayaan-2 sẽ được phóng vào năm 2011.

Tầm nhìn dài hạn

Tăng cường sức mạnh quân sự là một động lực của cuộc đua này. Cuộc đua thời chiến tranh Lạnh cho thấy, công nghệ không gian được ứng dụng trong quân sự, đặc biệt là phát triển tên lửa và hệ thống giám sát từ xa. “Bất kỳ một quốc gia nào quan tâm tới việc chinh phục không gian thì họ đều hiểu rằng công nghệ vũ trụ sẽ có những ứng dụng quân sự”, Dean Cheng, chuyên gia về chương trình không gian của Trung Quốc nói. Điều này tiếp tục được chứng minh trong trường hợp của Trung Quốc bởi theo Dean Cheng, quân đội đã tham gia vào chương trình không gian tổng thể của nước này.

Đối với Trung Quốc và Ấn Độ, chú trọng nghiên cứu mặt trăng không chỉ là “chủ nghĩa dân tộc trong lĩnh vực khoa học” hay vì mục đích quân sự mà còn là bước đi đầu tiên trong việc thám hiểm nguồn tài nguyên. Hai nước này đều tuyên bố khai thác tiềm năng khoáng sản của mặt trăng là mục tiêu dài hạn. Xứ sở láng giềng cách Trái đất chừng 385.000 km được cho là rất giàu uranium, quặng titan, đất hiếm và Heli-3 - một chất rất hiếm trên trái đất, nhưng lại có rất nhiều trên mặt trăng. Các nhà khoa học cho rằng nếu có được Heli-3 từ mặt trăng, con người sẽ giải quyết được vấn đề về an ninh năng lượng trong 10 năm tới.

Nam Hải