Một tàu chở dầu gần thành phố cảng Nakhodka, Nga. (Nguồn: Reuters) |
Lệnh trừng phạt phát huy tác dụng
Cơ quan Năng lượng Quốc tế (IEA) cho biết, một năm kể từ khi Nga bắt đầu chiến dịch quân sự ở Ukraine, phương Tây đã tung loạt lệnh trừng phạt, khiến những khách hàng lớn nhất (như các quốc gia tại châu Âu) quay lưng lại với dầu thô Moscow.
Tháng 12/2022, Liên minh châu Âu (EU), Nhóm các nước công nghiệp hàng đầu thế giới (G7) và Australia đã bắt đầu áp giá trần đối với dầu thô Nga nhập khẩu bằng đường biển ở mức 60 USD/thùng.
Sau đó, các nước này tiếp tục đưa ra những biện pháp trừng phạt mới, cấm gần như toàn bộ hoạt động nhập khẩu các sản phẩm dầu mỏ của Nga, đồng thời áp đặt giá trần đối với dầu diesel và các sản phẩm dầu mỏ khác của Moscow. Lệnh cấm có hiệu lực từ ngày 5/2.
Các biện pháp trừng phạt này nhằm nhằm đảm bảo rằng, dầu của Nga tiếp tục lưu thông, giữ cho thị trường toàn cầu ổn định, đồng thời hạn chế nguồn thu của Moscow từ hoạt động xuất khẩu dầu để dùng cho chiến dịch quân sự đặc biệt của Nga ở Ukraine.
Trích dẫn nhận định của Bộ Tài chính Nga, IEA cho rằng, so với một năm trước, doanh thu xuất khẩu dầu của Nga đã giảm gần một nửa, trong khi xuất khẩu dầu của nước này hầu như không thay đổi. Điều này cho thấy các biện pháp trừng phạt của phương Tây đang có hiệu lực. Thu nhập của Moscow đã giảm và dòng chảy dầu toàn cầu không bị ảnh hưởng.
Không chỉ thế, các tàu chở dầu của Nga buộc phải thực hiện hành trình dài hơn để đến châu Á - nơi những khách hàng mới nỗ lực mua dầu.
Dầu Nga "gõ cửa" châu Phi
Sau khi lệnh trừng phạt được áp đặt lên Nga, quốc gia này đã chuyển hướng xuất khẩu dầu thô sang Trung Quốc và Ấn Độ, làm đảo lộn dòng chảy dầu toàn cầu và ngành hàng hải. Để "thay chân" châu Âu, Nga không chỉ mạnh tay bán dầu cho châu Á mà quốc gia này còn "gõ cửa" thị trường Bắc và Tây Phi.
rong tháng 1/2023, đã nhập 2 triệu thùng diesel từ Nga, gấp hơn 3 lần con số 600.000 thùng của năm 2021. Dự kiến, khối lượng nhiên liệu diesel mà Morocco mua của Nga trong tháng 2/2023 cũng lên đến hơn 1,2 triệu thùng.
Tunisia, quốc gia hầu như không nhập khẩu sản phẩm xăng dầu nào của Nga vào năm 2021, trong những tháng gần đây đã mua lượng lớn dầu diesel, dầu gazole, xăng và naphtha - loại sản phẩm từ dầu mỏ được dùng để sản xuất hóa chất hoặc nhựa.
Trong tháng 1/2023, Tunisia nhập 2,8 triệu thùng sản phẩm các loại từ dầu mỏ của Nga và dự kiến nhập khoảng 3,1 triệu thùng trong tháng 2/2023.
Tương tự, các nước Algeria và Ai Cập cũng đang tăng cường mua các sản phẩm dầu mỏ Nga, nhưng con số cụ thể không được tiết lộ. Nga được cho là đang thay thế các nhà cung cấp truyền thống của các quốc gia này ở Trung Đông và Bắc Mỹ.
Tuy nhiên, giới chuyên gia tin rằng, có khả năng những sản phẩm dầu mỏ của Nga bán cho các nước châu Phi sẽ quay lại châu Âu bằng nhiều cách. Chuyên gia Viktor Katona từ hãng phân tích Kpler tiết lộ, lượng sản phẩm dầu mỏ mà các nước Bắc Phi nhập từ Nga là quá lớn, vượt nhu cầu sử dụng của họ.