Về địa chính trị và địa chiến lược, đã từ lâu nay rồi ba khu vực Trung Đông, Bắc Phi và vùng Vịnh không còn tách biệt với nhau nữa mà liên quan và gắn kết mật thiết với nhau. Các đối tác bên ngoài có thể có chính sách riêng đối với từng nước trong khu vực nhưng đều phải đặt chính sách đối với nước riêng ấy trong chính sách và chiến lược chung của họ đối với cả khu vực.
Những gì đang xảy ra giữa Israel và Palestine, đặc biệt giữa Israel và Hamas, có phần bất ngờ và không đúng lúc đối với ông Biden. |
| Chuyện gì đang diễn ra ở Trung Đông? Bản chất cũ trong bối cảnh mới Trung Đông lại chứng kiến cuộc xung đột Palestine-Israel, vốn quá dai dẳng, nay lại bùng phát thành chiến sự. Câu hỏi đặt ra là: ... |
Kế thừa đống đổ nát
Trước đây, khu vực này là một trong những nơi Mỹ có lợi ích chiến lược cơ bản chủ yếu trên hai phương diện là nguồn cung ứng dầu mỏ và đối đầu về ý thức hệ với Liên Xô. Những nước trong khu vực được Mỹ coi là đồng minh chiến lược và đối tác quan trọng nhất là Israel, Saudi Arabia, Iran (cho đến cuộc Cách mạng Hồi giáo ở đất nước này năm 1979) và Thổ Nhĩ Kỳ (là thành viên NATO) cùng một vài nước thành viên khác của thế giới Ả rập.
Những vấn đề lớn đặt ra đối với Mỹ ở khu vực này là đảm bảo cung ứng dầu lửa và khí đốt, cuộc xung đột giữa Israel-Palestine, cạnh tranh ảnh hưởng với Nga ở những nước có quan hệ hữu hảo với Liên Xô, không để cho Liên Xô tranh thủ được thế giới Ả rập, từ sau khi Liên Xô tan rã thì có thêm chuyện chương trình tên lửa và hạt nhân của Iran.
Tất cả vấn đề đều không hề mới mẻ gì đối với ông Biden mà chẳng qua chỉ là ông Biden phải giải quyết chúng bởi vì tất cả những người tiền nhiệm đều đã không giải quyết chúng hoặc không giải quyết được chúng. |
Từ sau sự kiện ngày 11/9/2001 ở Mỹ, vấn đề mới đối với Mỹ là khủng bố quốc tế mà Mỹ cho là từ phía những tổ chức và lực lượng Hồi giáo chính thống cực đoan nhằm vào Mỹ cũng như chiến tranh của Mỹ ở Iraq với những hệ luỵ và hậu quả đi cùng. Liệt kê ra như thế sẽ thấy tất cả những vấn đề này đều không hề mới mẻ gì đối với ông Biden mà chẳng qua chỉ là ông Biden phải giải quyết chúng bởi tất cả những người tiền nhiệm đều đã không giải quyết chúng hoặc không giải quyết được chúng.
Bill Clinton nỗ lực đến tận cuối nhiệm kỳ cầm quyền để tìm kiếm giải pháp chính trị hoà bình cho cuộc xung đột giữa Israel-Palestine. George W. Bush coi khu vực là chiến trường chống khủng bố quốc tế. Barack Obama - và cá nhân ông Biden cũng có phần bởi 8 năm liền là Phó Tổng thống Mỹ ở thời này - thúc ép Israel đi vào hoà bình và hoà giải với Palestine đồng thời tìm kiếm giải pháp cho vấn đề hạt nhân của Iran (JCPOA). Donald Trump nuông chiều Israel như có thể được, thúc đẩy tiến trình bình thường hoá quan hệ ngoại giao giữa Israel và các nước Ả rập cũng như tiến hành cuộc thập tự chinh chống Iran. Ông Biden giờ kế thừa đống đổ nát của những người tiền nhiệm ở khu vực này.
Trọng tâm mới
Những gì đang xảy ra giữa Israel-Palestine, đặc biệt giữa Israel và Hamas, có phần bất ngờ và không đúng lúc đối với ông Biden. Người này hiện tại vẫn chưa qua thời kỳ cầm quyền phải tập trung hàng đầu cho xử lý những vấn đề đối nội cấp thiết nhất và gay gắt nhất ở Mỹ cũng như chưa hoàn tất công việc xem xét lại và hoạch định lại tổng thể chính sách và chiến lược đối ngoại cho cả nhiệm kỳ cầm quyền. Dù vậy, riêng cho khu vực Trung Đông, Bắc Phi và vùng Vịnh thì đã có thể thấy được về cơ bản diện mạo chính sách của ông Biden và có thể gói gọn tinh thần của chính sách ấy bằng cụm từ: thay trọng tâm, đổi định hướng.
Tin liên quan |
Mỹ-Iran và hồ sơ hạt nhân Iran: Ánh sáng cuối đường hầm |
Khu vực này không được ông Biden dành cho ưu tiên chính sách hàng đầu và cả việc tìm kiếm giải pháp cho cuộc xung đột giữa Israel với Palestine cũng vậy. Nguồn dầu lửa và khí đốt ở đây hiện không còn quan trọng như trước đây nữa đối với Mỹ. Israel như thế và Palestine như vậy khiến Mỹ và cả các đối tác bên ngoài nữa bắt đầu nản chí và mai một dần sự tin tưởng là sẽ đạt được giải pháp chính trị hoà bình trong thời gian tới nên ngày càng thêm giảm quan tâm và bớt can dự. Khủng bố từ nơi đây vẫn tiềm ẩn nhưng không còn là mối đe doạ an ninh trực tiếp đối với Mỹ nữa.
Ông Biden vì thế coi Iran mới là trọng tâm chính trong chính sách đối ngoại của Mỹ đối với khu vực này. Nếu có được vũ khí hạt nhân, Iran sẽ có vũ khí để làm thay đổi cơ bản cuộc chơi ở khu vực và sẽ làm phá sản mọi mưu tính chiến lược của ông Biden cho khu vực này và cho ưu tiên chính sách dành cho khu vực khác. Ông Biden tìm cách lôi kéo Iran cùng trở lại JCPOA bởi chính sách "gia tăng áp lực tối đa" và lật ngược JCPOA của người tiền nhiệm ở lần rong chơi quyền lực vừa rồi đã thất bại.
Định hướng chính sách và đối tác mới
Trọng tâm ở đây đối với ông Biden là vấn đề trọng tâm mà Mỹ cần phải giải quyết và đối tác trọng tâm mà Mỹ phải tập trung xử lý quan hệ. Ông Biden chủ ý gây dựng ở khu vực này tình trạng yên bình tương đối để Mỹ bớt phải quan tâm và can dự nhằm dành quan tâm và can dự cho khu vực khác. Cho nên ông Biden chủ ý làm cho các đồng minh và đối tác chiến lược của Mỹ trong khu vực phải nhận thức rằng không thể tiếp tục dựa cậy vào Mỹ để tạo hiệu ứng "cáo mượn oai hùm" và trục lợi riêng.
Cho nên cả Israel lẫn Saudi Arabia đều không còn chiếm vị trí then chốt trong chính sách của Mỹ đối với khu vực. Ông Biden đã buông bỏ Saudi Arabia trong cuộc chiến tranh ở Yemen, cũng không vì Saudi Arabia và Israel mà tiếp tục gây hấn với Iran, lại còn tìm cách khôi phục hiệu lực của JCPOA. Ông Biden tuy quả quyết Israel có quyền tự bảo vệ thế thôi chứ Mỹ sẽ không can dự tích cực vào chuyện hiện tại giữa Israel và Palestine theo hướng hoàn toàn chỉ có lợi cho Israel.
Ông Biden chủ ý gây dựng ở khu vực này tình trạng yên bình tương đối để Mỹ bớt phải quan tâm và can dự nhằm dành quan tâm và can dự cho khu vực khác. |
Ông Biden sẽ thực hiện việc rút hết binh lính Mỹ ra khỏi Afghanistan, Iraq và Syria. Ông Trump nỗ lực gây dựng liên minh giữa Mỹ với các đồng minh và đối tác trong khu vực cùng đối phó Iran trong khi ông Biden tiếp cận theo cách Mỹ phải xử lý chuyện của Mỹ với Iran và không xử lý thay các đồng minh và đối tác quan hệ của đồng minh và đối tác với Iran.
Israel làm quyết liệt chiến sự hiện tại với Hamas ở dải Gaza cũng còn nhằm mục đích buộc Mỹ không thể đứng ngoài cuộc. Saudi Arabia ý thức được rằng không thể dựa vào ông Biden như đã dựa vào ông Trump nên phải tự thân vận động với việc cải thiện môi trường chính trị an ninh và đối ngoại như bình thường hoá quan hệ với Qatar, Iran và Thổ Nhĩ Kỳ. Ông Biden muốn đẩy khu vực này vào trật tự chính trị an ninh và cục diện quan hệ mới ít xáo động và dễ lường trước biến động hơn so với ở thời người tiền nhiệm. Hệ luỵ của định hướng chính sách này của ông Biden là tất cả các nước trong khu vực đều phải điều chỉnh lại quan hệ của họ với Mỹ và quan hệ của họ với nhau.
Ông Biden mưu tính và chủ ý như thế, nhưng rồi đây có thành công hay không thì phải chờ thời gian trả lời bởi còn phụ thuộc vào cả các nước trong khu vực có để cho ông Biden thành công hay không.