Nhỏ Bình thường Lớn

Trung Đông “yên tĩnh”

Vượt trên những bất ổn chính trị, vùng đất giao thoa giữa 3 châu lục Á - Âu - Phi, gồm 15 quốc gia với khoảng 250 triệu dân, đang trở thành một điểm nóng phát triển, điểm đến an toàn cho các nhà xuất khẩu trong bối cảnh các thị trường truyền thống như Mỹ, EU, Nhật Bản ngày càng đưa ra nhiều rào cản...

Phát triển giao thương giữa Việt Nam (VN) và Trung Đông được hội thảo Xuất khẩu sang thị trường Trung Đông, do Cục Xúc tiến Thương mại (Bộ Công thương) tổ chức ngày 7/10, đánh giá là đầy tiềm năng. Hoạt động xuất khẩu của VN sang Trung Đông có sự chuyển dịch cơ cấu thị trường rất khả quan. Ngoài UAE, hàng VN đã sang được các thị trường khác như Thổ Nhĩ Kỳ, Israel, Saudi Arabia. Hiệp định tự do di chuyển người và hàng hóa trong nội bộ thị trường chung của Hội đồng hợp tác vùng Vịnh cũng đã bắt đầu được thực hiện.

 

Nhiều thuận lợi

 

VN có quan hệ chính trị kinh tế với khu vực này rất tốt đẹp, nhiều hiệp định và nghị định thư song phương đã được ký kết, tạo khuôn khổ pháp lý cho các hoạt động hợp tác như Hiệp định thương mại, Hiệp định hợp tác kinh tế và khoa học kỹ thuật, Hiệp định vận tải hàng hải… Vì thế đã động viên DN trong nước tích cực tìm kiếm thị trường, đa dạng hóa bạn hàng, đa dạng hóa hình thức bán hàng tại Trung Đông. Bên cạnh đó, các bộ, ngành liên tục tổ chức các chương trình xúc tiến thương mại, khảo sát thị trường, tham gia các hội chợ, hội nghị, hội thảo tại Trung Đông.

 

Một thuận lợi nữa là các nước Trung Đông đang cải cách kinh tế vĩ mô, tư nhân hóa rộng rãi, có hệ thống ngân hàng thông thoáng trong trao đổi, thanh toán, kinh tế đang phát triển nên có nhu cầu tiêu thụ hàng hóa cao, đa dạng chủng loại, cấp độ. Và hiện Trung Đông đang hướng hoạt động thương mại, đầu tư sang phía Đông, như Trung Quốc, Hàn Quốc, ASEAN.

 

Chính phủ VN xác định năm 2008 là năm trọng điểm trong quan hệ hợp tác với Trung Đông, nên đã có nhiều hoạt động để tăng cường các mối quan hệ với khu vực này.

 

Và hai điểm yếu

 

Trung Đông là khu vực có nhiều diễn biến an ninh chính trị phức tạp và tiềm ẩn nhiều nguy cơ bùng nổ xung đột cao. Vì thế khi hợp tác hay triển khai hoạt động thương mại, DN nên xem xét cẩn thận, cân nhắc để có quyết định cụ thể vào thời điểm phù hợp với tình hình khu vực. Một khó khăn nữa là hiện hai bên vẫn còn thiếu thông tin về thị trường của nhau, nên việc hợp tác về kinh tế thương mại, công nghiệp còn nhiều hạn chế.

 

Trên thực tế, nhiều lô hàng xuất sang đợt đầu thường đúng chất lượng đã thỏa thuận, song đợt hai, đợt ba chất lượng không đảm bảo làm giảm uy tín. Thời gian giao hàng cũng chưa làm hài lòng các đối tác, đợt đầu giao đúng hẹn, song các lần sau thì trễ hẹn, gây khó khăn cho đối tác. Các DN nên khắc phục hai điểm yếu này khi thực hiện hợp đồng xuất khẩu.

 

Các ngành hàng “trong mơ”

 

Các mặt hàng chính mà VN đang xuất sang Trung Đông là gạo, cà phê, sản phẩm dệt may, máy tính - linh kiện điện tử, giày dép các loại, hải sản, cao su, than đá, chè, sản phẩm gỗ… và nhập xăng dầu, sản phẩm hóa dầu, phân bón, hoá chất, sắt thép, chất dẻo… từ Trung Đông.

 

Trung Đông có nhiều tiềm năng về dầu khí với trữ lượng lớn nhất thế giới, vì thế chúng ta nên tranh thủ thúc đẩy hợp tác trong lĩnh vực này. Ngoài ra, một số thế mạnh của VN như dệt may, da giày, thuốc lá, chế biến nông sản thực phẩm, cơ khí tiêu dùng, cơ khí nông nghiệp, cũng có nhu cầu rất lớn ở khu vực này.

 

Minh Anh