Ảnh minh họa. |
Trước khi Đối thoại Kinh tế và Chiến lược thường niên Mỹ - Trung lần thứ bảy diễn ra, chuyên gia uy tín của Viện Brookings (Mỹ) David Dollar đã dự đoán rằng “chắc chắn không có kết quả cụ thể nào vì vấn đề duy nhất cần bàn thảo là Hiệp định đầu tư song phương (BIT). Hơn nữa, cả hai bên đều muốn dành các tuyên bố quan trọng cho chuyến thăm Mỹ của Chủ tịch Trung Quốc Tập Cận Bình vào tháng Chín tới”. Đúng, đã không có một kết quả cụ thể nào, cũng không “nóng” như chính trị… nhưng không vì thế các vấn đề kinh tế, thương mại và đầu tư bớt quan trọng trên bàn thảo luận...
Khó phân thắng bại
Trên lĩnh vực kinh tế, Mỹ và Trung Quốc có sự phụ thuộc vào nhau rất lớn khi kim ngạch thương mại hai chiều năm 2014 đã lên tới 590 tỷ USD. Tuy nhiên, Mỹ không thể ngồi yên khi Trung Quốc ngày càng mở rộng ảnh hưởng ở khắp các châu lục và công khai thách thức vị trí thống trị của Mỹ trên thị trường tài chính toàn cầu. Bảy thập kỷ sau Thế chiến II, cấu trúc kinh tế thế giới do Mỹ tạo nên đang thực sự lung lay.
Trung Quốc cũng không giấu giếm tham vọng quốc tế hóa đồng Nhân dân tệ (NDT). Bằng việc lập ra Ngân hàng Đầu tư hạ tầng châu Á (AIIB) mới đây, Bắc Kinh có ý đồ làm giảm vai trò của định chế tài chính quốc tế mà Mỹ có vai trò chi phối như Ngân hàng Thế giới (WB) và Quỹ Tiền tệ Quốc tế (IMF).
Trong chiến lược tái cân bằng sang châu Á, Mỹ đang tích cực thúc đẩy sự ra đời của Hiệp định Đối tác xuyên Thái Bình Dương (TPP), quy tụ 12 nền kinh tế chiếm 40% tổng sản lượng toàn cầu nhưng không có Trung Quốc. Tuy TPP chưa thể hoàn tất, nhưng những động thái mà lưỡng viện Quốc hội Mỹ đã thể hiện trong việc trao quyền Đàm phán nhanh (TPA) cho Tổng thống vừa qua có thể cho Bắc Kinh thấy rõ quyết tâm duy trì ảnh hưởng kinh tế của Mỹ ở khu vực châu Á.
Về phía Trung Quốc, ba tổ chức tín dụng với số vốn tối thiểu 190 tỷ USD do Trung Quốc sáng lập đang được hình thành. Một trong số chúng, Ngân hàng Đầu tư Cơ sở hạ tầng châu Á (AIIB), được ví như Kế hoạch Marshall - chương trình tái thiết châu Âu mà Mỹ tạo ra sau Thế chiến II. Cũng trong năm 2015 này, NDT của Trung Quốc có thể được IMF đưa vào danh sách đồng tiền dự trữ chính thức, công nhận việc phổ biến NDT trong hệ thống thương mại và tài chính.
Tăng trưởng kinh tế trong những thập kỷ qua đã giúp Trung Quốc dễ dàng tiếp cận các nguồn lực trên thế giới và mơ tới vị thế siêu cường như Mỹ. Hàng Trung Quốc tràn ngập toàn cầu. Tài chính dồi dào giúp họ “làm mưa, làm gió” khắp năm châu. Nước cờ chiếm ưu thế mới đây của Trung Quốc là đã kéo được các đồng minh của Mỹ như Anh, Đức, Pháp, Italy, Australia… ủng hộ và tham gia cổ phần tại AIIB.
Trong khi đó, IMF và WB đều đang trở nên lỗi thời so với thời cuộc và nhu cầu cần đáp ứng. Điểm mấu chốt là suốt thời gian qua, trước những yêu cầu khách quan, Mỹ đã không làm mới IMF, nhằm giúp các nước đang phát triển có tiếng nói lớn hơn và đưa Trung Quốc thành thành viên lớn thứ ba IMF thay vì thứ sáu như hiện nay. Tuy nhiên, người Trung Quốc ngày càng nắm vị trí cao trong WB và IMF và việc NDT được đưa vào rổ tiền tệ của IMF chỉ còn là vấn đề thời gian.
Chờ đến tháng Chín
Tại Đối thoại Kinh tế và Chiến lược Mỹ - Trung lần này, như thường lệ, Trung Quốc đã rất thành công khi sử dụng lợi ích kinh tế để xoa dịu Mỹ. Theo Phó Thủ tướng Trung Quốc Uông Dương, đầu tư trực tiếp của Trung Quốc tại Mỹ đã tăng gấp năm lần với trị giá gần 50 tỷ USD, tạo ra 80.000 việc làm khắp nước Mỹ. Bắc Kinh dự tính, con số này sẽ tăng từ 100 đến 200 tỷ USD vào năm 2020 và tiếp tục tạo ra hàng trăm ngàn việc làm cho người Mỹ.
Trung Quốc cũng không quên hứa hẹn về BIT. Nếu ký kết, doanh nghiệp Mỹ sẽ được hưởng quy chế ưu đãi giống như doanh nghiệp Trung Quốc. Ông Uông Dương cũng nhắc lại báo cáo của IMF nêu rõ, NDT đã lên giá 35% so với USD và không còn là đồng tiền bị đánh giá thấp hơn thực tế. Có nghĩa là, hàng xuất khẩu của Mỹ đang trở nên rẻ hơn ở Trung Quốc. Đây là cơ hội rất lớn cho doanh nghiệp Mỹ.
Trên thực tế, Washington cần có sự hợp tác đầy đủ của Bắc Kinh như một cổ đông có trách nhiệm của cộng đồng thế giới. Còn Bắc Kinh cần “xuống thang” để cuộc Đối thoại năm nay diễn ra suôn sẻ, đặt nền tảng thuận lợi cho chuyến thăm tháng Chín của ông Tập. Trung Quốc cũng mong muốn Washington bật đèn xanh cho NDT được lọt vào rổ tiền tệ dự trữ chính thức của IMF, và kết thúc được đàm phán Hiệp định đầu tư song phương Mỹ - Trung đã kéo dài bảy năm qua, mở cửa cho doanh nghiệp Trung Quốc được tự do đầu tư vào thị trường Mỹ.
Trước những vấn đề mang tính lịch sử, giới phân tích cho rằng, Mỹ - Trung đã có những tính toán riêng. Nhưng có vẻ cả hai đều muốn để dành các tuyên bố quan trọng vào tháng Chín tới.
Minh Anh