Người biểu tình cáo buộc Phái bộ gìn giữ hòa bình của Liên hợp quốc (GGHB LHQ) ở cộng hòa Trung Phi (MINUSCA) đã không thực hiện tốt chức năng ngăn chặn các nhóm vũ trang đồng thời phản ứng thụ động trước các vụ sát hại. Các cuộc tấn công của các nhóm vũ trang tại nhiều khu vực trong thành phố Bangui đã khiến hàng chục người thiệt mạng trong những tuần qua.
Binh lính thuộc Phái bộ gìn giữ hòa bình Liên hợp quốc. (Nguồn: AFP) |
Sáng 24/10, lực lượng biểu tình đã dựng các chướng ngại vật tại nhiều khu vực trong thành phố nhằm chặn các phương tiện đi lại, buộc nhiều ngân hàng và cửa hàng phải đóng cửa. Sau đó, người biểu tình đã tập trung trước trụ sở của MINUSCA. Đến trưa cùng ngày, các hoạt động phản kháng đã bị khống chế.
Chính phủ Cộng hòa Trung Phi đã lên án các hoạt động trên của lực lượng xã hội dân sự. Về phía mình, MINUSCA khẳng định các hành động bạo lực kể trên đe doạ làm rối loạn tiến trình khôi phục an ninh cho đất nước, và tất cả những hành vi chống lại lực lượng gìn giữ hoà bình đều có thể phải gánh chịu những biện pháp trừng phạt quốc tế.
Cộng hòa Trung Phi rơi vào tình trạng bất ổn nghiêm trọng kể từ khi Tổng thống Francois Bozize bị lực lượng nổi dậy Seleka lật đổ hồi tháng 3/2013 và đưa ông Michel Djotodia, chỉ huy của lực lượng này, lên làm Tổng thống lâm thời. Tuy nhiên, ông Djotodia đã phải từ chức vào tháng 1/2014 do không thể kiềm chế làn sóng tàn sát và cướp bóc do các tay súng Seleka cũ tiến hành nhằm vào người Cơ đốc giáo. Hội đồng chuyển tiếp dân tộc đã bầu bà Catherine Samba-Panza làm Tổng thống lâm thời.
Liên hợp quốc (LHQ) và Pháp đã gửi các lực lượng gìn giữ hoà bình nhằm hỗ trợ Cộng hòa Trung Phi sớm thoát khỏi bất ổn. Tuy nhiên, bạo lực nghiêm trọng vẫn tiếp diễn tại một trong những quốc gia nghèo nhất thế giới này.