USD là đồng tiền dự trữ chiếm ưu thế nhất trên thế giới. Ảnh minh họa. (Nguồn: Xinhua) |
Các quốc gia bị trừng phạt như Nga và các quốc gia mới nổi như Argentina gần đây bắt đầu sử dụng đồng Nhân dân tệ để giao dịch thương mại, chủ yếu là với Trung Quốc.
Mặc dù vậy, biên tập viên Jennifer Sor của Insider cho rằng, không có dấu hiệu nào cho thấy, sự thống trị của đồng USD có thể phai nhạt trong tương lai gần, đơn giản vì đồng tiền này là một phần không thể thiếu của nền kinh tế thế giới.
Đồng bạc xanh là đồng tiền dự trữ chiếm ưu thế nhất trên thế giới. Năm 1999, hơn 70% dự trữ ngoại hối của thế giới được giữ bằng đồng USD.
Tuy vậy, theo Quỹ Tiền tệ quốc tế (IMF), tỷ lệ đó đã giảm xuống dưới 60% trong quý IV/2021. Đến quý IV/2022, tỷ lệ này đã xuống mức 54%.
Song, điều này không có nghĩa là các đối thủ cạnh tranh chiến lược của Mỹ như Trung Quốc sẽ ngừng thách thức quyền bá chủ của Mỹ.
Ngay cả các loại tiền tệ thay thế như đồng Krona của Thụy Điển, đồng Won của Hàn Quốc, AUD của Australia cũng khiến thị phần của đồng bạc xanh giảm dần.
Dưới đây là những đối thủ đang "nhăm nhe" lật đổ sự thống trị của đồng USD
Nhân dân tệ - Đối thủ nổi tiếng nhất
Đối thủ nổi tiếng nhất đối với đồng USD là đồng Nhân dân tệ của Trung Quốc. Trong nhiều năm qua, Bắc Kinh đã cố gắng tăng cường sử dụng đồng nội tệ trong giao dịch thương mại quốc tế.
Năm 2022, Trung Quốc đã thanh toán gần như toàn bộ lượng dầu nhập khẩu của Nga bằng đồng Nhân dân tệ. Quốc gia này cũng đã hợp tác với Brazil để giao dịch bằng đồng tiền này.
Ông Rory Green, nhà kinh tế trưởng về Trung Quốc tại công ty tư vấn TS Lombard có trụ sở tại London (Anh) cho rằng, điều quan trọng là phải phân biệt giữa việc tăng cường sử dụng Nhân dân tệ trên thị trường quốc tế và phi USD hóa.
Theo vị chuyên gia này, hiện tại, đồng Nhân dân tệ vẫn bị ràng buộc bởi các hạn chế, chủ yếu là do giá trị của đồng tiền vẫn do Bắc Kinh quản lý.
Vào tháng 3/2023, đồng Nhân dân tệ chỉ chiếm 2,3% thanh toán toàn cầu thông qua SWIFT. Ngược lại, gần 42% tất cả các khoản thanh toán được thực hiện bằng USD.
Mạnh tay mua vàng
Các ngân hàng trung ương đã và đang mạnh tay mua vàng, trong bối cảnh cuộc tranh luận toàn cầu về phi USD hóa gia tăng.
Theo Hội đồng vàng thế giới (WGC), lượng vàng các ngân hàng trung ương mua trong năm 2022 đã tăng 152%, lên mức 1.136 tấn.
Ngân hàng Nhân dân Trung Quốc (PboC) đã mua 62 tấn vàng trong các tháng 11 và 12/2022, qua đó lần đầu nâng tổng dự trữ vàng thỏi lên hơn 2.000 tấn. Cùng năm, dự trữ vàng chính thức của Thổ Nhĩ Kỳ tăng từ 148 tấn lên 542 tấn. Các quốc gia ở Trung Đông và Trung Á cũng tích cực mua vàng ở cùng giai đoạn.
Theo một cuộc thăm dò thường niên với 83 ngân hàng trung ương đang nắm giữ 7.000 tỷ USD dự trữ ngoại hối, hơn 2/3 cho biết sẽ tăng lượng vàng nắm giữ trong 2023.
Ông Ruchir Sharma, Chủ tịch của Rockefeller International cho hay: “Tài sản lâu đời nhất và truyền thống nhất, vàng, hiện là phương tiện khiến ngân hàng trung ương tham gia vào nỗ lực phi USD hóa".
Tiền số "lên ngôi"
Các loại tiền kỹ thuật số, bao gồm cả tiền điện tử như bitcoin cũng là một loại tài sản khác đang cạnh tranh vị trí của đồng USD.
Ông Diana Choyleva, nhà kinh tế trưởng tại Enodo econom cho rằng, đồng Nhân dân tệ kỹ thuật số "là một thành phần quan trọng trong giải pháp thay thế mà Bắc Kinh đang xây dựng".
Nhà kinh tế này nhấn mạnh: "Ngoài sự cạnh tranh địa chính trị, việc giải quyết các khoản thanh toán xuyên biên giới bằng đồng Nhân dân tệ kỹ thuật số cũng có thể rẻ hơn và dễ dàng hơn so với hệ thống dựa trên đồng USD".
Đồng Nhân dân tệ kỹ thuật số đang được triển khai ở Trung Quốc. Gần đây, thành phố Changshu đã bắt đầu trả lương cho nhân viên công bằng loại tiền này.
Ngay cả Zimbabwe cũng đã tung ra đồng đô la Zimbabwe kỹ thuật số chỉ trong tháng này.
Trong khi đó, các quốc gia mới nổi El Salvador và Cộng hòa Trung Phi đã chấp nhận bitcoin như một loại tiền tệ chính thức. Hay El Salvador thậm chí đã thêm bitcoin vào dự trữ quốc gia.
Tham vọng của châu Âu
Liên minh châu Âu và Mỹ là đồng minh nhưng điều đó không ngăn được tham vọng của Ủy ban châu Âu nhằm thúc đẩy việc sử dụng đồng Euro trong thanh toán quốc tế. Điều này thể hiện rõ qua một đề xuất vào năm 2018 nhằm thúc đẩy vai trò của đồng Euro, sau khi cựu Tổng thống Mỹ Donald Trump đơn phương rút Mỹ khỏi thỏa thuận hạt nhân Iran.
Những bình luận gần đây từ các nền kinh tế lớn của EU cũng chỉ ra những căng thẳng và sự cạnh tranh của khối với đồng minh quan trọng nhất.
Trong tháng 4/2023, Tổng thống Pháp Emmanuel Macron cho rằng, châu Âu nên cắt giảm sự phụ thuộc vào đồng bạc xanh, đồng thời cảnh báo chống lại "đặc quyền ngoại giao của đồng USD".
Dù vậy, Business Insider nhận định, đồng Euro còn lâu mới vượt qua USD để trở thành đồng tiền dự trữ của thế giới.
Theo Ngân hàng Trung ương châu Âu, đồng tiền chung này chiếm 20% ngoại hối toàn cầu và nợ quốc tế, chỉ đứng thứ hai sau đồng bạc xanh.
Tuy nhiên, "không có loại tiền tệ nào khác có tính dễ nhận biết, sự ổn định và sức mạnh kinh tế như USD", nhà quản lý tiền tệ Vestact có trụ sở tại Nam Phi nói.
BRICS ấp ủ dự định mới
Nhóm các nền kinh tế mới nổi hàng đầu thế giới (BRICS) dự định thảo luận về tính khả thi của việc giới thiệu một đồng tiền chung tại hội nghị thượng đỉnh ở Nam Phi vào cuối năm nay. Ý tưởng này được Tổng thống Nga Vladimir Putin đưa ra vào đầu tháng 6/2022, nhưng bắt đầu thu hút sự chú ý thời gian gần đây trong bối cảnh thế giới đang tranh luận về phi USD hóa.
Bloomberg đưa tin, BRICS sẽ thảo luận về vấn đề này, có thể nó sẽ nằm trong chương trình nghị sự của cuộc họp giữa các nguyên thủ quốc gia tại Johannesburg vào ngày 22/8.
"Tại sao chúng ta không thể giao dịch dựa trên đồng tiền của chính mình?", Tổng thống Brazil Luiz Inácio Lula da Silva cho biết trong chuyến thăm cấp nhà nước tới Trung Quốc vào tháng 4/2023.
Ông Zhou Yu, giám đốc Trung tâm Nghiên cứu tài chính quốc tế tại Học viện Khoa học-Xã hội Thượng Hải nhận định: "Một đơn vị tiền tệ của BRICS không hoàn toàn là điều không thể. Việc tạo ra một loại tiền tệ thống nhất cho một nhóm quốc gia thường mất nhiều thời gian và cần nhiều năm hợp tác".
Theo chuyên gia Zhou, việc thanh toán bằng đồng nội tệ, vốn đã tăng nhanh trong những tháng gần đây, hiện là minh chứng cụ thể và quan trọng của các nước BRICS nhằm giảm bớt sự thống trị của đồng USD trong thanh toán thương mại.