Trung Quốc cam kết không ngừng 'mở rộng cửa', hỗ trợ tối đa các doanh nghiệp nước ngoài. (Ảnh: Linh Chi) |
Tuyên bố trên được đưa ra khi Thủ tướng Lý Cường đến thăm trụ sở công ty sữa Fonterra của New Zealand ở Auckland cùng với Thủ tướng New Zealand Christopher Luxon, nhân chuyến thăm chính thức nước này.
Thủ tướng Trung Quốc cho biết, Bắc Kinh đã sẵn sàng đưa quan hệ thương mại với New Zealand tăng gấp đôi trong thập kỷ tới, sẵn sàng mở cửa lĩnh vực dịch vụ để các công ty đối tác có thể tham gia. Trung Quốc cũng đồng thời có thể hợp tác với New Zealand trong các vấn đề đang nổi lên như kinh tế số, kinh tế xanh, phương tiện giao thông sử dụng năng lượng mới, ngành công nghiệp sáng tạo và sẵn sàng đầu tư vào giao thông và hạ tầng cơ sở tại New Zealand.
Ông Lý Cường cũng cho hay, Trung Quốc đã nới lỏng việc tiếp cận thị trường nước này cho các hàng hóa nông sản của New Zealand và sẽ tiếp tục mở cửa thị trường cho các doanh nghiệp viễn thông của New Zealand.
Không chỉ dừng lại ở đó, Thủ tướng Lý Cường cho biết, Trung Quốc sẵn sàng thảo luận với New Zealand về việc tạo điều kiện thuận lợi hơn nữa cho việc đi lại giữa hai nước, Trung Quốc mở rộng việc miễn thị thực đơn phương cho công dân New Zealand và tạo điều kiện để New Zealand tổ chức sự kiện xúc tiến du lịch tại nền kinh tế lớn nhất châu Á.
Thủ tướng Trung Quốc Lý Cường cũng thông báo trong 5 năm tới, nước này sẽ cấp 100 học bổng cho các giáo viên dạy tiếng Trung của New Zealand, 1.000 cơ hội trại hè và 5.000 sách dạy tiếng Trung cho New Zealand.
Ông Lý Cường đang có chuyến công du 6 ngày (13-18/6) đến New Zealand và Australia. Theo kế hoạch, trong thời gian này, ông Lý sẽ đến 5 thành phố khác nhau ở hai nước, gặp Thủ tướng New Zealand Jacinda Ardern và Thủ tướng Australia Anthony Albanese, hội đàm với một loạt lãnh đạo doanh nghiệp và triển khai hoạt động ngoại giao gấu trúc.
Trước đó, ngày 14/6, các nhà lãnh đạo Nhóm Các nước công nghiệp phát triển hàng đầu thế giới (G7) tuyên bố sẽ "hành động" và "khắc phục những tổn hại đang diễn ra" để xử lý các hoạt động kinh doanh “không công bằng” của Trung Quốc.
Theo bản thảo thông cáo của hội nghị thượng đỉnh G7 diễn ra ở Italy mà Reuters thu thập được, G7 đã kêu gọi Trung Quốc "kiềm chế áp dụng các biện pháp kiểm soát xuất khẩu, đặc biệt là đối với các khoáng sản quan trọng".
Các nhà lãnh đạo G7 cho biết, họ sẽ "tiếp tục thực hiện các hành động để bảo vệ doanh nghiệp của chúng tôi khỏi các hành vi không công bằng, nhằm tạo sân chơi bình đẳng và khắc phục những tác hại đang diễn ra".
Mới đây, chỉ chưa đầy một tháng sau khi Mỹ công bố kế hoạch tăng gấp 4 lần thuế đối với xe điện Trung Quốc lên 100%, đến lượt Liên minh châu Âu (EU) ngày 12/6 tuyên bố sẽ phản ứng với chính sách trợ cấp của Trung Quốc bằng cách áp thêm thuế quan, từ 17,4% đối với hãng BYD lên đến 38,1% đối với hãng SAIC, ngoài mức thuế hiện tại 10%, từ tháng 7/2024.
Trung Quốc mới đây đã lên tiếng phàn nàn các mức thuế quan mà EU áp lên ô tô điện nước này là hành động bảo hộ. Đồng thời, Trung Quốc cho biết nước này sẽ thực hiện "tất cả các biện pháp cần thiết" để bảo vệ lợi ích của mình sau tuyên bố trên của Ủy ban châu Âu.
Bắc Kinh cũng lên tiếng bác bỏ lập luận của EU và Mỹ cho rằng, công suất dư thừa trong ngành công nghiệp xe điện của Trung Quốc có thể ảnh hưởng tiêu cực tới các nhà sản xuất ô tô nước ngoài thông qua trợ cấp xuất khẩu. Trung Quốc cho rằng, thuế quan sẽ làm chậm tiến trình phổ biến xe điện, ảnh hưởng đến các mục tiêu về biến đổi khí hậu và làm tăng chi phí cho người tiêu dùng.