Các nhà khoa học Trung Quốc chế tạo thành công chip điện toán lượng tử lớn nhất từ trước đến nay. (Nguồn: Getty) |
Các nhà khoa học ở Trung Quốc vừa phát triển thành công một chip điện toán lượng tử có dung lượng lên tới 504 qubit, dự kiến sẽ được cung cấp cho các nhà nghiên cứu trên toàn thế giới thông qua nền tảng đám mây điện toán lượng tử mới.
Con chip dẫn siêu lớn này được đánh giá là phù hợp với hiệu suất của các công ty đầu ngành về công nghệ thông tin như IBM, và sẽ được sử dụng để giúp nâng cao hiệu suất của các loại máy tính lượng tử trên toàn cầu.
Tờ China Daily đưa tin, loại chip mới có tên "Xiaohong" là con chip lớn nhất được Trung Quốc chế tạo cho đến nay, được thiết kế để cải thiện các hệ thống quản lý hành vi và tương tác của các bit lượng tử, thường được sử dụng trong các máy tính lượng tử.
Chip Xiaohong được các nhà khoa học tại Trung tâm Thông tin và Vật lý Lượng tử (thuộc Viện Hàn lâm Khoa học Trung Quốc) phát triển. Các nhà khoa học hy vọng, con chip sẽ giúp nâng cao khả năng của các máy tính lượng tử hiện có, để chúng có thể xử lý các tác vụ phức tạp hơn.
Công ty điện toán lượng tử Trung Quốc QuantumCTek, đơn vị đã nhận được con chip Xiaohong đầu tiên, được cho là sẽ hợp tác với tập đoàn China Telecom Quantum Group để tích hợp con chip này vào một máy tính lượng tử mới.
Hệ thống này sau đó sẽ được cung cấp cho các nhà nghiên cứu trên toàn thế giới thông qua nền tảng đám mây điện toán lượng tử do China Telecom Quantum Group phát triển.
Ông Wang Zhen, Phó Tổng giám đốc của China Telecom Quantum Group, cho biết hệ thống mới sẽ “cho phép người dùng ở nhiều lĩnh vực khác nhau tiến hành nghiên cứu về các vấn đề và thuật toán có giá trị thực tế một cách hiệu quả, đồng thời đẩy nhanh ứng dụng điện toán lượng tử trong các tình huống thực tế”.
Còn ông Gong Ming, nhà nghiên cứu tại Trung tâm Thông tin Lượng tử và Vật lý Lượng tử, cho biết rằng Xiaohong được thiết kế để đáp ứng các tiêu chuẩn hiệu suất của các nền tảng điện toán lượng tử giống như các nền tảng do IBM hoặc AWS sản xuất.
"Tuy nhiên, nó không nhắm tới mục đích trở thành đối thủ của những công nghệ tiên tiến như chip Quantum Condor 1.121 qubit của hãng IBM (Mỹ)", ông nói thêm.