📞

Trung Quốc chính thức điều tra chống trợ cấp đối với sữa nhập khẩu từ EU, căng thẳng thương mại lại được 'châm ngòi'

Văn Trương 16:44 | 21/08/2024
Ngày 21/8, Trung Quốc tuyên bố mở một cuộc điều tra chống trợ cấp đối với các sản phẩm sữa nhập khẩu từ Liên minh châu Âu (EU), một bước đi nhằm đáp trả việc EU áp thuế chống trợ cấp đối với xe điện do Bắc Kinh sản xuất.
Các sản phẩm phô mai từ các nhà nhập khẩu EU được trưng bày tại một siêu thị ở Bắc Kinh, Trung Quốc, ngày 13/6/2024. (Nguồn: Reuters)

Cuộc điều tra do Bộ thương mại Trung Quốc khởi xướng sẽ tập trung vào nhiều loại mặt hàng như pho mát, sữa và kem dành cho người tiêu dùng, bao gồm các mặt hàng nhập khẩu từ đầu tháng 4/2023 đến cuối tháng 3/2024 trong khi thời gian đánh giá thiệt hại công nghiệp bắt đầu từ năm 2020 đến hết quý đầu tiên của năm 2023.

Bộ Thương mại Trung Quốc cho biết, động thái này được thúc đẩy sau khi nhận được khiếu nại từ phía Hiệp hội sữa và Hiệp hội Công nghiệp sữa đệ trình hôm 29/7, đại diện cho ngành công nghiệp sữa trong nước.

Theo đó, Trung Quốc sẽ xem xét 20 chương trình trợ cấp từ khối các nước thành viên của EU, cụ thể là các chương trình từ Áo, Bỉ, Croatia, Cộng hòa Czech, Phần Lan, Italy, Ireland và Romania. Trong số này, Ireland hiện là nước xuất khẩu sữa và các sản phẩm từ sữa lớn nhất sang Trung Quốc với giá trị lên tới 461 triệu USD trong năm 2023.

Cũng theo Bộ Thương mại Trung Quốc, cuộc điều tra sẽ kéo dài không quá một năm, nhưng có thể được gia hạn thêm 6 tháng nữa.

Theo Cơ quan hải quan Trung Quốc, 7 tháng đầu năm 2024, Trung Quốc đã nhập khẩu hơn 315 triệu USD các sản phẩm sữa bị ảnh hưởng từ EU, . Pháp hiện là nhà cung cấp hàng đầu với giá trị xuất khẩu lên tới 115 triệu USD, tiếp đến là Italy với giá trị xuất khẩu 43 triệu USD.

Hôm thứ Ba (20/8), Ủy ban châu Âu (EC) đã công bố dự thảo phán quyết mới nhất về mức thuế chống trợ cấp đối với dòng xe ô tô thuần điện nhập khẩu từ Trung Quốc.

Theo đó, mức thuế mới đối với các loại xe ô tô điện do doanh nghiệp Trung Quốc sản xuất có sự giảm nhẹ so với mức thuế được công bố vào tháng 7 vừa qua. EU cũng quyết định thực hiện mức thuế quan riêng đối với các doanh nghiệp xuất khẩu của Trung Quốc, giai đoạn hiện tại là 9%, thấp hơn nhiều so với mức 20,8% được xác định trước đó.

Trước động thái mới nhất của EC, ngay lập tức người phát ngôn Bộ Thương mại Trung Quốc đã lên tiếng phản đối cho rằng phán quyết cuối cùng của EU không phản ánh đầy đủ quan điểm của Trung Quốc và dựa trên “sự thật” do châu Âu đơn phương xác định, thay vì được cả hai bên cùng công nhận.

Kể từ cuối tháng 6 đến nay, Trung Quốc và EU đã tiến hành hơn 10 vòng tham vấn kỹ thuật liên quan đến cuộc điều tra chống trợ cấp đối với xe điện của Trung Quốc và mong muốn cùng với EU giải quyết thỏa đáng các tranh chấp thương mại thông qua đối thoại, đàm phán, không để tranh chấp leo thang. Người phát ngôn Bộ Thương mại Trung Quốc nhấn mạnh, Bắc Kinh sẽ áp dụng các biện pháp cần thiết, kiên quyết bảo vệ quyền lợi chính đáng cho các doanh nghiệp của mình.

(theo SCMP, Reuters)