📞

Trung Quốc có chiến lược dự trữ vàng

10:06 | 10/03/2010
Trong khi nền kinh tế lớn nhất thế giới là Mỹ vẫn đang vật lộn hậu khủng hoảng thì chủ nợ lớn nhất của Mỹ là Trung Quốc đang lặng lẽ tăng dự trữ vàng như một nỗ lực giảm bớt rủi ro với đồng USD ngày càng yếu đi, đồng thời nhằm ổn định hơn khối lượng dự trữ ngoại tệ khổng lồ của mình.
(Ảnh minh họa)

Phụ thuộc vào tốc độ và quy mô chiến lược chuyển đổi dự trữ ngoại tệ, xu hướng này sẽ có những ảnh hưởng lớn đến tiến trình quốc tế hóa đồng Nhân dân tệ cũng như đến lượng dự trữ ngoại tệ 2,27 nghìn tỷ USD của Trung Quốc.

Với tư cách một trong những quốc gia nắm nhiều nhất trái phiếu chính phủ Mỹ (ước tính chung là Trung Quốc đang có khoảng gần 1 nghìn tỷ USD), các nhà lãnh đạo Trung Quốc ngày càng thể hiện lo ngại về chính sách tài chính Mỹ và kêu gọi một loại tiền tệ dự trữ quốc tế khác thay cho đồng USD.

Từ đầu năm 2009, Trung Quốc đã chấp nhận chuyển hướng những nguy cơ tiền tệ của mình như ký kết nhiều thỏa thuận hoán đổi tiền tệ song phương và tích cực thúc đẩy tái cấu trúc các thể thế tài chính quốc tế.

Có một công cụ ít được thảo luận trong những phân tích nhưng lại hứa hẹn có ảnh hưởng dài hạn đến số phận đồng USD như một tiền tệ dự trữ toàn cầu là thực tế rằng trong năm 2009, Trung Quốc đã mua 451,1 tấn vàng từ các thị trường trong nước và nước ngoài. Con số này chiếm 50% tổng lượng mua 890 tấn vàng của các ngân hàng trung ương trên toàn thế giới trong cùng năm.

Trong năm 2009, thông tin chính thức của Trung Quốc cho biết dự trữ vàng nước này đã tăng 76% trong vòng 6 năm (kể từ 2003) lên 1.054 tấn. Để so sánh, dự trữ vàng của Mỹ là 8.133,5 tấn vào tháng 9/2008, chiếm 76,5% tổng dự trữ của nước này, còn của Nhật Bản là 762,5 tấn, chiếm 1,9% tổng dự trữ ngoại tệ. Khối lượng 1.054 tấn vàng dự trữ của Trung Quốc chỉ chiếm 1,2% tổng dự trữ ngoại tệ mà thôi.

Tờ “Nhật báo Quảng Châu” trong năm 2008 đưa thông tin ngân hàng trung ương Trung Quốc dự tính tăng dự trữ vàng lên 4.000 tấn để chuyển hướng rủi ro cho lượng dự trữ ngoại tệ khổng lồ vốn chủ yếu dựa vào trái phiếu Mỹ. Tờ “Bưu điện Trung Quốc” cuối năm 2009 dẫn lời một quan chức cấp cao nói rằng dự trữ vàng “nên đạt 6.000 tấn trong 3-5 năm tới và có thể lên tới 10.000 tấn trong quãng thời gian 8-10 năm”.

Thống kê của Hội đồng Vàng thế giới (WGC) cho biết trong năm 2007, Trung Quốc đã vượt Nam Phi trở thành quốc gia sản xuất vàng lớn nhất thế giới và năm 2009 vượt Ấn Độ trở thành quốc gia tiêu thụ vàng nhiều nhất thế giới.

Rõ ràng việc dự trữ vàng mới chiếm một tỷ lệ nhỏ trong tổng dự trữ ngoại tệ cộng thêm bối cảnh bất ổn của kinh tế toàn cầu sau cuộc khủng hoảng vừa qua khiến việc tăng dự trữ vàng trở thành một mục tiêu quan trọng với Trung Quốc vì triển vọng lâu dài của đồng NDT nói riêng cũng như sức mạnh toàn diện của quốc gia nói chung.

Ngày 17/2 vừa qua, Quỹ Tiền tệ quốc tế (IMF) thông báo bán 191,3 tấn vàng trong kế hoạch đã công bố năm 2009 bán 1/8 lượng vàng dự trữ của tổ chức này, tương đương 403,3 tấn. Đã có những đồn đoán rằng Trung Quốc sẽ là khách mua chủ chốt.

Không lâu sau khi Ấn Độ rồi Sri Lanka mua vàng của IMF trong cuối năm 2009, Wei Benhua, Cục phó Cục Quản lý Ngoại hối Trung Quốc (SAFE) đã tuyên bố rằng “lúc này chúng ta không nên mua mà nên chờ đến khi IMF bán ra đợt sau, khi giá vàng xuống mức tương đối thấp…”. Dư luận đang chờ đợi liệu lần này, Trung Quốc có thể hiện chính sách tăng dự trữ vàng bằng việc mua từ IMF hay không.Theo VGP News