📞

Trung Quốc công bố phát hiện dấu vết của nước trên Mặt trăng

Hoàng Trung Hiếu 16:54 | 30/07/2024
Các nhà khoa học Trung Quốc công bố đã phát hiện các phân tử nước bị mắc kẹt trong đá trên Mặt trăng, bác bỏ những giả định trước đây rằng bề mặt của thiên thể này khô ráo.
Tàu thăm dò Hằng Nga 5 của Trung Quốc hoạt động trên bề mặt Mặt trăng. (Nguồn: Xinhua)

Theo công bố của Viện Khoa học Trung Quốc, các mẫu đá được thu thập từ bề mặt Mặt trăng và được tàu thăm dò Hằng Nga 5 của nước này mang về Trái đất có chứa các tinh thể đầy "phân tử ngậm nước".

Trước đó, vào những năm 1960 và 1970, các mẫu đá do tàu thăm dò Apollo của Mỹ mang về không cho thấy dấu vết của nước, khiến các nhà khoa học tin rằng phần lớn đất trên Mặt trăng khô hoàn toàn. Nhưng sau này, các vệ tinh chuyên nghiên cứu Mặt trăng đã phát hiện có dấu vết của nước, đặc biệt là ở gần các cực của thiên thể này.

Nghiên cứu mới được các nhà khoa học Trung Quốc công bố trên tạp chí Thiên văn học Tự nhiên đã cho thấy bằng chứng trực tiếp về nước ẩn giấu trên Mặt trăng. Phát hiện này có khả năng đặt nền móng cho việc khai thác tài nguyên trong tương lai và xây dựng căn cứ trên vệ tinh tự nhiên của Trái đất.

“Các phân tử nước có thể tồn tại ở những khu vực có ánh nắng Mặt trời trên Mặt trăng, dưới dạng muối ngậm nước”, các nhà nghiên cứu cho biết.

Tàu Hằng Nga 5, được đặt theo tên nữ thần Mặt trăng của Trung Quốc, là con tàu thứ năm trong chuỗi sứ mệnh của Trung Quốc nghiên cứu Mặt trăng. Tàu đáp xuống bề mặt thiên thể này để thu thập vật liệu.

Hằng Nga 5 có tổng cộng 4 mô đun, gồm một tàu quỹ đạo (Orbiter), một tàu đổ bộ mang theo các dụng cụ chuyên dụng để thu thập mẫu vật (Lander), một tàu lấy mẫu vật (Ascender) và một tàu chứa nhỏ để mang các mẫu vật thu được về Trái đất an toàn (Returner). Tàu đã trở về Trái đất vào ngày 17/12/2020.

Kể từ đó, các nhà khoa học đã phân tích các mẫu đá do Hằng Nga 5 đem về, và phát hiện sự hiện diện của một loại khoáng chất có công thức hóa học (NH4)MgCl3·6H2O, chứa hơn 40% là nước.

Phát hiện này sẽ giúp Trung Quốc nâng cao hiểu biết về các nguồn tài nguyên có sẵn trên Mặt trăng mà nước này hy vọng sẽ sử dụng trong các sứ mệnh không gian trong tương lai.

Sự giống nhau của khoáng chất này với đá núi lửa được tìm thấy trên Trái đất cho thấy nó có thể được tạo ra bởi các núi lửa hiện đã tắt trên Mặt trăng. Và không chỉ sự hiện diện của nước khiến các nhà khoa học phấn khích, amoniac - một thành phần quan trọng khác để chế tạo nhiên liệu tên lửa, cũng được tìm thấy bên trong mẫu đá lấy từ Mặt trăng.

Các nhà nghiên cứu Trung Quốc cho biết: “Sự có mặt của amoniac cho thấy tiềm năng của nó như một nguồn tài nguyên cho con người sẽ cư trú trên Mặt trăng trong tương lai”.

Trung Quốc không phải là nước duy nhất tìm cách hưởng lợi từ tài nguyên thiên nhiên của Mặt trăng. Một quan chức của Cơ quan Hàng không vũ trụ Mỹ (NASA), ông Bill Nelson, đã nói rằng, tốc độ và tiến độ trong các sứ mệnh Mặt trăng của Trung Quốc đã đưa quốc gia Đông Bắc Á “vào cuộc đua” với Mỹ để thám hiểm thiên thể này một cách hiệu quả.

Bắc Kinh gần đây đã đưa tàu thám hiểm lên Mặt trăng và Hỏa tinh, đồng thời hoàn thành việc xây dựng Trạm vũ trụ Thiên Cung vào năm 2022. Nước này cũng đang dẫn đầu việc xây dựng Trạm nghiên cứu Mặt trăng quốc tế, dự kiến ​​hoàn thành vào năm 2030.

(theo Live Science)